Câu 4:
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn đề này đang được tranh luận trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự. Một số người tranh luận rằng phương thức tiếp cận “cứng rắn với tội phạm” là cần thiết để trừng phạt trẻ em nhằm phòng ngừa tình trạng phạm tội tiếp diễn.
Tuy nhiên, nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng do trẻ em còn đang trong giai đoạn phát triển, việc gán cho trẻ em và đối xử với trẻ em như những tội phạm ở độ tuổi nhỏ có thể tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sự phát triển và khả năng cải tạo, phục hồi thành công của trẻ.
Đề xuất giảm độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự không phù hợp với bằng chứng cho thấy não bộ của trẻ em còn chưa phát triển đầy đủ về cấu trúc và chức năng, có tác động đến khả năng ra quyết định và gia tăng xu hướng trẻ em có những hành vi liều lĩnh ở tuổi chưa thành niên. Khoa học cũng chỉ ra rằng trẻ em sẽ có khả năng “từ bỏ” được những hành vi này.
Nếu trẻ em có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những nhóm có ý đồ xấu dẫn đến vi phạm pháp luật, thì cũng có nghĩa là trẻ em có khả năng rất lớn ảnh hưởng tích cực để làm những việc tốt nếu trẻ em được đưa vào chương trình phục hồi, giáo dưỡng phù hợp thay vì bị trừng phạt một cách khắc nghiệt.
Việt Nam là quốc gia đi đầu về thực hiện quyền trẻ em trong 25 năm qua. Việc thông qua và thực hiện Luật Trẻ em trong thời gian vừa qua là một bước tiến quan trọng. Luật Trẻ em tăng cường quyền trẻ em thông qua việc tập trung vào những lợi ích tốt nhất và bảo vệ trẻ em. Hơn nữa, việc sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự cũng tìm cách đảm bảo những biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm phạm luật ra ngoài hệ thống tư pháp hình sự; đưa ra những biện pháp thay thế và hạn chế mạnh mẽ hơn đối với việc giam giữ người chưa thành niên vi phạm pháp luật; và bảo vệ tốt hơn người chưa thành niên khỏi nhiều hình thức bạo lực, xâm hại.
Trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước tiến tích cực về quyền trẻ em, việc sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự theo hướng giảm độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh có thể nhìn nhận là một bước lùi trong công tác bảo vệ quyền trẻ em.
Harsh punishment for child offenders 02
UNICEF Viet Nam\Truong Viet Hung
Các tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu các Quốc gia thành viên phải quy định một độ tuổi mà dưới tuổi đó trẻ em không đủ năng lực pháp lý để vi phạm pháp luật hình sự. Ủy ban Quyền Trẻ em khuyến nghị mạnh mẽ rằng độ tuổi hợp lý chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 đến 16 tuổi. Hiện nay, Việt Nam là một trong ít các quốc gia tại Đông Á và Thái Bình Dương có quy định phù hợp với khuyến nghị này. Luật pháp Việt Nam quy định độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự theo một vài mức độ, theo đó trẻ em đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, và trẻ em từ 14 đến 16 tuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh.
Khuynh hướng trẻ em vi phạm pháp luật bị ảnh hưởng nặng nề bởi những yếu tố như gia đình trẻ, nhà trường hoặc cộng đồng nơi trẻ tiếp xúc với những hành vi có nguy cơ. Bằng chứng cho thấy “làm căng” hay “dọa cho sợ” không làm cho trẻ em từ bỏ những hành vi không đúng đắn, vì tiếp cận theo cách này chưa giải quyết được nguyên nhân căn bản của hành vi đó. Thậm chí việc giam giữ trẻ em chỉ khiến trẻ phải tiếp xúc nhiều hơn với những hành vi tiêu cực và thường đẩy trẻ em vào lối sống phạm tội sau này.
Bằng chứng cho thấy đưa trẻ em vào tù là không hiệu quả trong việc giáo dục, phục hồi và phòng ngừa tái phạm, do đó luật pháp không cần phải hà khắc hơn nữa. Vì tuổi chưa thành niên là thời gian trẻ em có thể bị ảnh hưởng tốt hơn hoặc xấu đi, phục hồi và tái hòa nhập cần phải là mục tiêu chính.
UNICEF kêu gọi và khuyến nghị việc sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự không mở rộng thêm phạm vi trong đó trẻ em vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự và dẫn tới việc phải giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trẻ em từ 14 đến 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 28 tội danh rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ theo đuổi một giải pháp toàn diện hơn đối với trẻ em vi phạm pháp luật theo hướng không hình sự hóa, thay vào đó tập trung giải quyết vấn đề gốc rễ của hành vi của trẻ. Cách tiếp cận này khuyến khích trẻ nhận trách nhiệm với những hành động của mình, và đưa ra những dịch vụ phục hồi giúp trẻ em vi phạm pháp luật tái hòa nhập và trở thành những công dân có ích trong xã hội.