Năm 2021 là năm thứ 2 không có lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, năm nay là năm đáng nhớ của các thầy thuốc vì có đến 365 ngày được cả thế giới tôn vinh khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức chọn năm 2021 là Năm của thầy thuốc (Year of the Health and care workers) trên toàn thế giới.
Ý nghĩa của chiến dịch này không ngoài mục đích tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu thời gian qua, cũng như để tưởng niệm những thầy thuốc đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội đối với nhân viên y tế cả về điều kiện làm việc và chăm lo sức khỏe cho nhân viên y tế trên toàn thế giới.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, là một tập thể trong tuyến đầu chống dịch, tại thời điểm dịch COVID-19 bùng lại ở TP.HCM trước Tết Nguyên đán, nhiều y bác sĩ ăn Tết trong tư thế sẵn sàng khi gác lại công việc các nhân, gia đình, luôn trong tâm thế sẵn sàng về lực lượng, vật chất, trang thiết bị, các kịch bản ứng phó với dịch bệnh khi cần thiết.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Kể lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình và đồng đội trong cuộc chiến với dịch COVID- 19, bác sĩ Thanh Phong cho biết, bệnh nhân phi công người Anh (BN91) được xem một kỳ tích trong y khoa bởi quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn.
Trong suốt 65 ngày bác sĩ Phong cùng tập thể y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị trực tiếp cho BN91, nhiều lần các y bác sĩ đã "thót tim" khi giành lại sự sống cho bệnh nhân từ "tử thần".
Bác sĩ Phong kể lại, những ngày đầu khi tiếp nhận BN91, tải lượng vi rút của bệnh nhân này rất cao, nguy cơ lây lan cho nhân viên y tế rất lớn khi phải thở máy xâm lấn và can thiệp ECMO. Điều này đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo hộ lao động, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để đảm bảo an toàn.
Đội ngũ y bác sĩ phải luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo hộ lao động, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để đảm bảo an toàn, không xảy ra tình trạng lây chéo.
Điều khó khăn thứ hai của bệnh nhân phi công người Anh là thời gian đầu khi anh còn tự ăn uống được nhưng không chịu ăn thức ăn Việt Nam do không quen. Lúc này, nhân viên y tế của bệnh viện phải liên hệ với nơi công tác của bệnh nhân là Vietnam Airlines để hỗ trợ, sau đó đặt thức ăn riêng. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ ăn được khoảng 3 ngày thì suy hô hấp nặng và phải thở máy.
Cả tập thể y bác sĩ của bệnh viện đã trải qua chuỗi ngày muôn vàn gian nan để cứu bệnh nhân, không còn khái niệm về thời gian khi luôn có một ê kíp túc trực 24/24 gồm một bác sĩ và hai điều dưỡng. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ, điều dưỡng trực đều phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng hàng giờ liền trong phòng áp lực âm.
Bệnh nhân phi công người Anh (BN91) được xem một kỳ tích trong y khoa bởi quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều lần bác sĩ Phong cùng nhiều đồng nghiệp "thót tim" theo diễn biến của bệnh nhân, đỉnh điểm là lần hai phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động nhưng với tình trạng nhiễm trùng nặng như hiện tại việc ghép phổi trở nên khó khăn. Tuy vậy, đội ngũ y bác sĩ vẫn cố gắng điều trị, may mắn sau đó phổi bệnh nhân hồi phục từ 10% lên 30%.
"Trong lúc điều trị, tôi và cả ê kíp rất áp lực vì thời điểm đó ca phi công người Anh này được người dân trong nước và thế giới vô cùng quan tâm. Như vậy trách nhiệm của bác sĩ điều trị áp lực rất nặng và khó khăn. Điều trị cho ca bệnh nặng này cần đến sự tham gia của cả một tập thể từ ban giám đốc bệnh viện đến các y bác sĩ điều trị trực tiếp. Ngoài ra còn phải kể đến sự tham gia hội chẩn trực tuyến bất kể ngày hay đêm của các chuyên gia hàng đầu để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mỗi khi bệnh nhân có những diễn tiến nguy kịch", bác sĩ Phong chia sẻ.
Sau khi điều trị tại tại bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM 65 ngày và xét nghiệm âm tính hơn 10 lần với COVID-19, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy khi xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh COVID-19 để tiếp tục hồi sức và chuẩn bị ghép phổi.
Bác sĩ Phong cho biết, suốt 65 ngày điều trị cho BN91, đội ngũ y bác sĩ trực tiếp điều trị không được về nhà, chỉ có thể thăm hỏi, động viên người thân qua điện thoại. Sau khi chuyển BN91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy, toàn bộ y bác sĩ tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định sau đó mới được trở về với gia đình.