Truyện cổ tích "Thạch Sanh" là câu chuyện quen thuộc trong văn học dân gian Việt Nam. Truyện không chỉ hấp dẫn bởi những tình huống độc đáo, nội dung tư tưởng sâu sắc mà còn cuốn hút bởi nhiều chi tiết li kì, trong đó, tiếng đàn và niêu cơm thần là những chi tiết đắt giá nhất.Tiếng đàn xuất hiện trong văn bản hai lần. Lần thứ nhất là khi Thạch Sanh bị hồn chằn tinh và đại bàng quay về báo thù, chàng bị bắt vào tù, trong ngục tù vì buồn bã và cô đơn, Thạch Sanh đem cây đàn ra gảy. Tiếng đàn cất lên trong chốn ngục tù tăm tối là "liều thuốc" chữa căn bệnh câm cho công chúa, nhờ tiếng đàn mà chàng được giải oan và trở thành vị hôn phu của công chúa. Như vậy, tiếng đàn ở đây là tiếng đàn minh oan cũng là tiếng đàn đoàn tụ, là những khát khao của hạnh phúc đôi lứa tốt đẹp. Tiếng đàn còn mang sức mạnh của công lý, đứng về lẽ phải, về phía những người lương thiện. Tiếng đàn được vang lên từ bàn tay của một người có tài năng với tấm lòng thiết tha và lương thiện như một sự ngợi ca chân lý và khát vọng công lý của nhân dân.
Tiếng đàn vang lên lần thứ hai là trước mặt quân xâm lược, bọn quân sĩ của mười tám nước chư hầu. Tiếng đàn khơi gợi nỗi nhớ quê hương da diết, tiếng đàn đánh thức lương tri, lòng nhân ái trong mỗi con người. Là sức mạnh tinh thần lớn lao cảm hoá quân thù. Tiếng đàn ấy làm cho binh sĩ phải bủn rủn tay chân khiến họ phải chấp nhận hàng phục mà không hề phải vung đao đánh trận. Đó là tiếng đàn đại diện cho hoà bình và thể hiện khát khao hoà bình của nhân dân ta.
Chi tiết niêu cơm thần cũng là một chi tiết đặc sắc. Niêu cơm chiêu đãi quân sĩ ăn mãi không hết, ăn xong lại đầy. Niêu cơm ẩn dụ cho sức mạnh to lớn và lòng yêu nước của dân tộc ta mãi mãi vững bền không bao giờ cạn. Nó còn đại diện cho tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhân dân ta.Mỗi chi tiết đều mang những giá trị to lớn góp phần thể hiện những mong ước và quan niệm của nhân dân. Một lần nữa khẳng định chân lý "ở hiền gặp lành" và mong ước một xã hội công bằng, hoà bình và giàu tình thương.