Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống đạo lý làm người. Đạo lý ấy thể hiện rất rõ trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, tính cách giản dị, khiêm tốn, trọng nhân nghĩa, yêu thương, chia sẻ… được Hồ Chí Minh tiếp thu sâu sắc. Vì vậy, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có đặc điểm rất độc đáo đến mức ai cũng phải thấy Bác Hồ nói phải, làm đúng.
Chiều sâu trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là bản chất nhân văn sâu sắc, thể hiện trong tâm lý cộng đồng và yêu cầu ứng xử của mọi thành viên trong xã hội: trọng tình, trọng nghĩa, yêu thương đồng loại. Sống có đức, có nhân. Lòng nhân vượt mọi thời gian tạo nên kết quả “Trồng cây đức để con ăn”. Tình thương con người không phải là sự ban phát mà là một sự hòa nhập nhất thể: “Thương người như thể thương thân”. Giá trị của tình thương không theo kết quả vật chất mà là ở ý nghĩa tinh thần: “Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. Vấn đề cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vì con người và hạnh phúc của con người.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, không có con người chung chung, trừu tượng mà là con người cụ thể. Tùy theo từng thời điểm lịch sử cụ thể gắn liền với từng thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh dùng khái niệm này hay khái niệm khác để chỉ con người và xem xét nó trong những bình diện, những chiều cạnh khác nhau. “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn là cả loài người”.
Hồ Chí Minh có lòng thương yêu vô hạn đối với con người, cảm thông sâu sắc với mọi khổ đau, bất hạnh của nhân loại. “Ở đời và làm người thì phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức”. Triết lý sống ấy không bao giờ thay đổi trong suốt cuộc đời của Hồ Chí Minh. Lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh bao la rộng lớn, trước hết giành cho đồng bào, đồng chí của mình, cho đến những người dân nô lệ bị mất nước, những người cùng khổ thuộc mọi màu da trên thế giới. Đó là một thứ tình cảm đặc biệt, không phải từ bên trên trông xuống, không phải do động lòng trắc ẩn của người đứng ngoài trông vào, cũng không phải là tình thương chung chung siêu giai cấp, hay tình thương kiểu tôn giáo, mà là sự đồng cảm sâu sắc. Theo Bác, thương yêu con người là tìm cách nâng đỡ con người lên với một tình cảm rộng lượng, bao dung. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Hồ Chí Minh là một con người bình thường, nhưng đó là con người rất người, nghĩa là rất giàu tinh người, chất người. Hồ Chí Minh luôn sống giữa cuộc đời, và không có cái gì thuộc về con người lại xa lạ đối với Hồ Chí Minh. Người quan tâm săn sóc tư tưởng, công tác, đời sống của từng người, việc ăn, mặc, ở, học hành, giải trí của mỗi người bạn thủa hàn vi đến những người quen mới, có quên chăng thì chỉ quên mình” .
Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải biết yêu thương con người. Đó là một tình cảm rộng lớn, trước hết giành cho những người cùng khổ, bị áp bức không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo,… Lòng yêu thương con người thể hiện trong các mối quan hệ: bạn bè, đồng chí, anh em. Trong các mối quan hệ đó, người đòi hỏi phải nghiêm khắc với chính mình, nhưng rộng lượng với người khác. Phải có thái độ tôn trọng con người, tìm cách nâng đỡ con người, “làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”.
Yêu thương con người không phải là sự nuông chiều, thả mặc mà phải quan tâm giúp đỡ họ trên tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình, chứ không phải là dĩ hoà vi quý, “nín thở cho qua”, bao che khuyết điểm.
Hồ Chí Minh luôn tin vào sức mạnh, phẩm giá và tính sáng tạo của con người, dù nhất thời họ còn thấp bé, sai lầm, lạc lối. Người ta ai cũng có tốt, có xấu, ai cũng có thiện - ác ở trong lòng. Nhưng “Dù là xấu, tốt, văn minh hay giã man đều có tình”. Nhân loại luôn có xu hướng vươn lên cái chân - thiện - mỹ. Hồ Chí Minh xem xét con người trong tính đa dạng của nó, nên dù “có thế này, thế khác” nhưng vẫn tin ở họ. Vì vậy, phải có lòng khoan dung, độ lượng và biết nâng đỡ làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa, xét mỗi người trong tính đa dạng các quan hệ xã hội; đa dạng trong tính cách, khát vọng, phẩm chất, khả năng và đa dạng trong hoàn cảnh xuất thân, điều kiện sống, làm việc…
Lòng khoan dung của Hồ Chí Minh là trân trọng phần thiện dù nhỏ nhất để khai thác “tình người” trong mỗi con người; phát huy những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm. Sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm khi con người mắc phải biết ăn năn hối lỗi, trên tinh thần “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Khi cán bộ, đảng viên mắc lỗi, Hồ Chí Minh chú ý giáo dục, định hướng nhẹ về xử phạt, giúp đỡ con người vươn tới chân - thiện - mỹ. Trân trọng mọi ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến không đồng tinh, trái với suy nghĩ của Người.
Theo Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất. Do đó, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phải xuất phát từ con người, lấy con người làm trung tâm. Bác thường xuyên nhắc nhở phải quan tâm một cách toàn diện (vật chất và tinh thần), chăm lo những cái cụ thể trước mắt như: tương, cà, mắm, muối,… cho đến những cái lâu dài như: đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau,… Bởi con người là động lực của cách mạng được nhìn nhận trên phạm vi cả nước, toàn thể đồng bào mà trước hết là giai cấp công nhân. Không phải mọi con người đều trở thành động lực, mà phải là những con người được thức tỉnh, được giác ngộ, giáo dục, định hướng và tổ chức. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo; xem con người vừa là mục tiêu vừa là động lực thì mới phát huy tốt mọi khả năng của mỗi cá nhân, tập thể.
Theo Hồ Chí Minh, một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của cách mạng là “Trồng người”. Vì con người là vốn quý nhất, là động lực của cách mạng: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải có con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Nói chuyện tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13/9/1958, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Coi “Trồng người” là một nhiệm vụ chiến lược, tức là Hồ Chí Minh đề cao vai trò của giáo dục, đào tạo; đội ngũ các nhà giáo và nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong chiến lược “Trồng người” phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, coi đó là chủ nhân tương lai của đất nước. “Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều” mà là vấn đề lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể trước mắt và lâu dài.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |