Thơ ca dân gian cũng là tiếng nói tâm hồn của người bình dân, có sức ngân vọng, thấm lan vào tâm hồn người đọc bao đời nay. Cho nên, ca dao “đó là tinh hoa của nền văn học dân tộc, là văn học cao nhất. Ai am hiểu về thơ, đọc ca dao mới thấy sợ. Quy luật của văn học, cái gì hay nhất thì được phổ cập nhất” (Nguyễn Đình Thi). Đọc ca dao vì thế chỉ có thể đem tấm lòng mà cảm mà hiểu cái tình ý bên trong câu thơ. Nếu chỉ dựa vào câu chữ, cái diễn tả, làm sao ta có thể hiểu được vẻ đẹp tâm hồn của một người đang say tình và đang hạnh phúc trong tình yêu qua câu ca dao:
Ra đường em mãi nhìn anh
Để chân em vấp đổ thành nhà vua.
Hay làm sao ta có thể rung cảm, đồng cảm cùng tâm trạng căng thẳng, lo âu đến chóng mặt của cô gái qua cái nhìn đắm say bền bỉ của trái tim:
Thương người, người chẳng biết cho,
Cầm bằng gánh nặng mà dò đường trơn.
Và là sao hiểu được tấc hồn xa xót vì hoàn cảnh éo le của những người phụ nữ:
- Sự đời nước mắt soi gương,
Càng yêu mến lắm càng thương nhớ nhiều.
- Bướm vàng đậu đọt mù u,
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn.
Tóm lại, ca dao là thơ, xét về mặt thể loại, về chất thơ toả ra trong nó. Ca dao là thơ ca nói được cái hồn nhiên của tâm hồn qua cách diễn đạt tự nhiên của lời văn nghệ thuật; nhưng lại gợi lên được sự thẳm sâu của tâm hồn, một điệu tâm tình, một sắc thái cảm của nhân dân trước con người và cuộc đời, trước con người và trời đất.