Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, trong đó có 45 năm đầu thế kỷ XX, kinh tế Việt Nam chìm đắm trong nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ và đói nghèo cả về vật chất và tinh thần, 90% dân số mù chữ.
Các ngành sản xuất vật chất là nông nghiệp và công nghiệp chịu tác động nặng nề của chế độ thực dân kiểu cũ nên rất lạc hậu. Trong nông nghiệp, thực dân Pháp tiếp tục duy trì kiểu bóc lột phong kiến bằng tô tức, sưu cao thuế nặng. Người nông dân phải chịu cảnh một cổ hai tròng là thực dân và phong kiến. Phần lớn ruộng đất tập trung vào tay bọn địa chủ và chủ đồn điền người Pháp.
Dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, nền nông nghiệp nước ta hết sức nghèo nàn về cơ sở vật chất, lạc hậu về kỹ thuật và hoàn toàn dựa vào lao động thủ công và phụ thuộc vào thiên nhiên. Năng suất các loại cây trồng đều rất thấp. Năng suất lúa bình quân 1 ha thời kỳ 1930-1944 là 12 tạ, trong khi đó Thái Lan là 18 tạ và Nhật Bản là 34 tạ.
Ruộng đất phần lớn tập trung trong tay giai cấp địa chủ phong kiến và thực dân Pháp. Nhân dân lao động chiếm 97% số hộ nhưng chỉ sử dụng 36% ruộng đất. Trong nông thôn có tới 59,2% số hộ không có ruộng đất phải sống bằng cày thuê, cấy rẽ. Nghịch cảnh sâu sắc diễn ra dưới thời thực dân Pháp chiếm đóng: Hàng năm Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo trắng, nhưng nông dân Việt Nam, người làm ra lúa gạo, lại luôn luôn phải chịu cảnh đói nghèo. Năm 1945 có trên 2 triệu người chết đói. Cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn: cả nước chỉ có 12 công trình thuỷ nông nhỏ, đảm bảo tưới cho 15% diện tích canh tác, không có công trình tiêu úng nên lũ lụt thường xuyên xảy ra, bình quân 2 năm 1 lần vỡ đê. Nông nghiệp chủ yếu là quảng canh, năng suất cây trồng, vật nuôi rất thấp. Năm 1939 được coi là năm được mùa nhất trước cách mạng nhưng năng suất lúa bình quân cả nước cũng chỉ đạt hơn 10 tạ/ha.
Sản xuất công nghiệp rất nhỏ bé và què quặt, chủ yếu là công nghiệp khai thác mỏ và một số cơ sở công nghiệp nhẹ nhằm bóc lột nguồn nhân công rẻ mạt và vơ vét tài nguyên khoáng sản. Từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã khai thác: 2,76 triệu tấn than, 217.300 tấn kẽm, chì; 598.000 tấn sắt, măng gan, 1.384 kg vàng, 315.500 tấn phốt pho.
Trong hơn 10 năm, từ năm 1930 đến năm 1943, cả nước chỉ có khoảng 200 xí nghiệp công nghiệp và 90.000 công nhân, trong đó 60% là công nhân khai thác mỏ. Cả nước không có một cơ sở công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo thiết bị và hoá chất nào. Công nghiệp hàng tiêu dùng cũng chỉ có một số nhà máy đường, rượu, xay xát lương thực, dệt may, giấy với máy móc thiết bị cũ. Vào những năm 1938-1939, tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp cả nước. Khu vực tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống bị kìm hãm và mai một. So với tổng số vốn đầu tư vào công nghiệp toàn Đông Dương thời kỳ 1913-1939, vốn đầu tư cho ngành mỏ chiếm 40%, riêng thời kỳ 1924-1930 là 52%.
Hậu quả về xã hội cũng rất nặng nề: Thực dân Pháp đã thực hiện một nền giáo dục nô dịch, trên 90% dân số mù chữ. Trung bình 1 vạn dân chỉ có 115 học sinh vỡ lòng, 210 học sinh tiểu học, 2 học sinh chuyên nghiệp và đại học.
Cơ sở y tế thiếu thốn và chủ yếu phục vụ cho quân đội viễn chinh Pháp và bọn tay sai phản động. Cả nước chỉ có 213 bác sĩ, 335 y sĩ, 264 nữ hộ sinh, bình quân 1 vạn dân mới có 0,23 bác sĩ và y sĩ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |