Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
1. Vấn đề
Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, đánh dấu bước chuyển mình đổi mới căn bản từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về thể chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ. Theo đó, giáo dục thẩm mĩ là một trong bốn nội dung cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông, được thể hiện rõ trong mục tiêu: giúp học sinh có “nhân cách”,“đời sống tâm hồn phong phú”; “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống”.
Năng lực thẩm mĩ là một trong 10 năng lực cốt lõi trong yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục. Cùng với tư duy khoa học, năng lực thẩm mĩ là điều kiện cần thiết để con người nhận thức, lĩnh hội thế giới thực tại trong tính hoàn chỉnh, phong phú, và sinh động của nó. Con người có trí tuệ thông minh, kiến thức sâu rộng, có sức khỏe cường tráng, nếu thiếu giáo dục thẩm mĩ vẫn không được coi là con người toàn diện, thậm chí, dẫn tới hệ lụy khôn lường về mọi mặt cho xã hội hiện đại.
Giáo dục thẩm mĩ đem lại hiệu quả hoàn thiện con người cao nhất, nhưng lại là con đường có tính chất tổng hợp nhất, công phu và phức tạp nhất. Xuất phát từ thực trạng văn hóa xã hội, từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh phổ thông, giáo dục thẩm mĩ trở thành nội dung đặc biệt quan trọng, khai phá và đặt nền móng cho thẩm mĩ cả đời người. Bởi lẽ, giáo dục thẩm mĩ giúp học sinh hình thành năng lực cảm thụ và nhận thức đúng đắn về cái đẹp trong tự nhiên, đời sống văn hóa nói chung, cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng, về những điều đối lập với cái đẹp (cái xấu, cái ác). Học sinh được giáo dục thẩm mĩ đầy đủ sẽ có quan niệm riêng về cái đẹp, biết thưởng thức, sáng tạo, nhân rộng cái đẹp và hạn chế cái xấu, cái ác; từ đó hình thành nhân cách, hành vi ứng xử đẹp trong cộng đồng. Một khi con người trở thành chủ thể thẩm mĩ, đất nước sẽ phát triển và xã hội sẽ nhân văn.
2. Các bình diện giáo dục thẩm mĩ trong môn Ngữ văn
Xưa nay, vươn tới cái đẹp là khát vọng bản năng của con người. Văn hóa dân tộc Việt Nam luôn hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mĩ. Nội dung giáo dục thẩm mĩ trong chương trình phổ thông mới mang tính kế thừa từ nền giáo dục của nhiều thế hệ. Điểm khác biệt là, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của người học, chứ không phải giáo dục truyền thụ kiến thức. Thời đại kỉ nguyên số công nghệ, kiến thức thay đổi theo từng giờ và tìm đến người thầy – chỉ là một cách - để người học có kiến thức. Người học cần có phẩm chất, kĩ năng để học tập suốt đời và giải quyết công việc trong thực tiễn, sống tự chủ. Giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức tạo ra con người “bao cấp”, chỉ biết làm theo khuôn mẫu, máy móc. Còn giáo dục hướng vào hình thành kĩ năng tạo ra con người sáng tạo, làm chủ tư duy, hành động. Theo tinh thần đó, điều cốt lõi nhất của giáo dục thẩm mĩ trong trường phổ thông là hình thành năng lực thẩm mĩ ở học sinh thông qua các môn học và các hoạt động giáo dục. Năng lực thẩm mĩ là hạt nhân tạo nên chủ thể thẩm mĩ.
Ở nhà trường phổ thông, có nhiều môn học giúp hình thành và phát triển năng lực thẩm mĩ ở học sinh, như âm nhạc, hội họa, đạo đức, giáo dục công dân,… Nhưng cần khẳng định, Ngữ văn là môn học nhiều khả năng, sinh động, và chiếm nhiều ưu thế nhất để hình thành và phát triển năng lực này; là con đường ngắn nhất để giáo dục thẩm mĩ, hoàn thiện con người.
Chương trình giáo dục phổ thông gọi tên môn Ngữ văn, chứ không phải môn Văn học. Môn Ngữ văn là môn học tích hợp từ ba phân môn: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Nói cách khác, Ngữ văn bao gồm phần Ngữ và phần Văn, gắn bó, hỗ trợ nhau một cách chặt chẽ; vừa là môn học nghệ thuật (phần Đọc hiểu Văn bản), vừa là môn học thực hành (phần Tập làm văn); vừa bao gồm các hoạt động cảm thụ, thưởng thức cái đẹp, vừa bao gồm hoạt động sáng tạo ra cái đẹp bằng cả văn bản nói và viết, với hai hoạt động chủ yếu: Đọc hiểu văn bản – Tạo lập văn bản.
Phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ qua hoạt động đọc hiểu tác phẩm văn học là mục tiêu mang tính đặc trưng của môn Ngữ văn. Các kiến thức ngữ học được đưa vào chương trình nhằm cung cấp tri thức nền cần và đủ cho việc phát triển năng lực giao tiếp, trong đó có năng lực đọc văn, viết văn, cũng như cần thiết cho việc phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ. Hoạt động thực hành Tập làm văn là bước chuyển hóa năng lực thẩm mĩ của mỗi cá nhân thành văn bản, sản sinh ra cái đẹp. Năng lực thẩm mĩ được hình thành trong tất cả các hoạt động học Ngữ văn, khi học sinh được tiếp xúc với văn bản văn học và tiếng Việt. Đặc biệt, môn Ngữ văn còn nằm trong trục tích hợp mật thiết của văn hóa, lịch sử, địa lý, âm nhạc, hội họa, điện ảnh … nên có thể phát huy tối đa việc hình thành năng lực thẩm mĩ cho học sinh.
Môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông, phần Văn tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, phong phú ở nhiều thể loại, phong cách, trải dài theo từng giai đoạn; tựu chung, xoay quanh các chủ đề: Tình yêu nước, yêu quê hương; tình yêu con người, yêu thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Các tác phẩm mang đậm tính nhân văn, hướng đến giáo dục thẩm mĩ. Bằng phương tiện ngôn từ nghệ thuật, tác phẩm văn học phản ánh diện mạo phong phú của hiện thực khả nhiên trong mọi thời đại, mọi nền văn hóa, bất chấp không gian, thời gian. Người đọc thấy được cả lý tưởng thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ của chủ thể sáng tạo, của thời đại, hay một nền văn hóa, văn minh. Bản thân tác phẩm văn học là cái đẹp và sinh ra vì cái đẹp. Mọi mặt xấu xa, ác độc được phản ánh để bảo vệ cái đẹp, điều nhân văn.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |