hủy sản tiêu thụ nội địa: Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 lượng khách du lịch đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm, vì vậy các nhà hàng, khách sạn, quán ăn,... giảm lượng tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản (khoảng 50%) so với trước khi dịch bệnh đợt 5 xảy ra. Từ đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số cơ sở đã giảm công suất chế biến khoảng 10-20 %, không tăng ca sản xuất, hoạt động cầm chừng để duy trì sản xuất, giữ một số công nhân có tay nghề, làm việc lâu năm tại cơ sở,...
Thủy sản xuất khẩu: Theo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 toàn cầu, đặc biệt là các nước thuộc liên minh Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ,...nên: (1) Cước tàu dịch vụ vận chuyển tăng rất nhiều, một số thị trường tăng gấp 3 lần như Israel, Belarus, một số thị trường khác như USA và Canada thì tăng gấp đôi; (2) Một số thị trường đặc biệt là Nhật gặp khó khăn vì các nhà hàng, quán ăn không mở cửa nên dòng sản phẩm bán cho kênh phân phối này bị ngưng gần như hoàn toàn; (3) Thị trường EU gặp quá nhiều khó khăn vì thủ tục khó khăn, phức tạp khi làm giấy chứng nhận đánh bắt; (4) Thu nhập bình quân của người dân ở hầu hết các nước bị giảm sút do đại dịch nên nhu cầu thị trường giảm xuống, giá xuất khẩu cũng giảm theo nhưng chi phí trong nước thì tăng quá nhanh, nhất là các loại phí đường bộ, cảng, cước tàu,…
Đối với sản phẩm thủy sản nuôi:
+ Giá cá nước ngọt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, giá cá lóc bông hiện tại 40.000-45.000 đồng/kg (giá cùng kỳ năm ngoái 50.000-55.000 đồng/kg), nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên các nhà hàng, khách sạn đã hạn chế thu mua cá lóc bông thương phẩm, mặt khác thị trường lớn nhất là các thương lái thu mua bán qua Campuchia, tuy nhiên do dịch bệnh bên nước Campuchia đang diễn ra phức tạp, việc nhập khẩu vào thị trường này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá thành giảm hơn so với năm ngoái.
+ Tôm nuôi: Hiện giá giảm so với những tháng trước khi dịch bùng phát trở lại khoảng 20-25.000 đồng/kg. Nguyên nhân: Sản lượng tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn, chợ trong dân sinh giảm. Hiện đang vào vụ tôm nên các tỉnh miền Trung và miền Bắc đều đang thu hoạch, nên lượng tôm tại Tỉnh cung cấp ra các tỉnh trên giảm mạnh. Hiện các DN chế biến xuất khẩu vẫn thu mua, tuy nhiên sản lượng dồn về kênh tiêu thụ này nhiều nên giá giảm khoảng 20.000đ/kg so với trước khi có dịch (giá tôm thẻ loại 100 con, giá từ 105.000 đồng xuống còn 80.000 đồng).
+ Cá nuôi lồng bè (cá chim, cá mú, cá chẽm, cá bớp,…): Hiện tại giá các loại thủy sản nuôi lồng bè đều giảm khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, đồng thời đầu ra cũng rất khó khăn, không có thương lái thu mua. Việc thả giống mới của người dân giảm 70%.
+ Hàu (hàu Long Sơn, hàu Thái Bình Dương): Hơn ngàn tấn hàu trên địa bàn tỉnh đã đến kì thu hoạch nhưng do tình hình dịch bệnh, lượng khách du lịch giảm nên giá hàu thương phẩm giảm 7.000-10.000 đồng/kg, đồng thời đầu ra cũng rất khó khăn.
Đối với mặt hàng trái cây, theo chu kỳ hàng năm mùa hè là thời điểm thị trường trái cây phong phú nhất, nhiều kênh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được phát triển mạnh mang lại doanh thu lớn cho các nhà vườn và thương lái. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra trên nhiều quốc gia nên vấn đề xuất khẩu trái cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thị trường nội địa cũng giảm mạnh, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn vì rớt giá, thương lái không kiếm được đầu ra cho nông sản nên cũng không đến các vườn thu mua khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Giá một số loại nông sản hiện nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước: Sầu riêng thường bán tại vườn chỉ còn từ 27.000-29.000 đồng/kg, sầu riêng hạt lép Ri6 còn 50.000 đồng/kg, bơ 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá phân bón tăng cao, giá thuê nhân công cũng tăng (250.000 đồng/ngày), do đó sau khi trừ chi phí người dân không có lãi.
Đối với chăn nuôi gia cầm, hiện giá thức ăn trong chăn nuôi tăng, giá bán sản phẩm không tăng, dẫn đến nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ, không mạnh dạn tái đàn. Trong chăn nuôi heo, sau các đợt dịch bệnh heo tai xanh và lợn tả Châu Phi số lượng hộ nuôi giảm. Trước tết Nguyên đán giá thịt heo tăng cao, một số cơ sở đã tái đàn. Hiện nay, giá thức ăn tăng cao cộng với tình hình dịch bệnh cũng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tái đàn. Tuy nhiên, giá đầu ra của sản phẩm thịt heo tương đối ổn định nên không ảnh hưởng nhiều người chăn nuôi heo.
Để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã triển khai các giải pháp:
Thường xuyên nhật các thông tin về thị trường, giá cả, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu,… để kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh, triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP và Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ,…
Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: Hỗ trợ hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Hưng Thịnh trong việc tiêu thụ sản phẩm Thanh Long; các loại dưa lưới, dưa hoàng kim của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, kết nối các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Long Mỹ vào cửa hàng Bách Hóa Xanh, Cửa hàng Tiện Lợi trong năm 2021.
Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Cập nhật trao đổi thông tin, hỗ trợ cho 96 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thống kê 103 cơ sở với tổng số 1.088 lao động bị ảnh hưởng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản gặp khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.