Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) quê ở Hà Nội. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức Văn hoá cứu quốc do Mặt trận Việt Minh thành lập từ năm 1943 và hăng hái tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội, lật đổ ách thống trị tàn bạo của phong kiến, thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra kỉ nguyên mới độc lập, tự do của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuối năm 1946, thực dân Pháp trở mặt tái chiếm nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Thi cùng đông đảo văn nghệ sĩ đã rời Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc, đóng góp sức mình vào công cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng mà dân tộc ta phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Trong bài Nhận đường, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định vai trò to lớn của cuộc kháng chiến đối với sự thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan của tầng lớp văn nghệ sĩ và quá trình phát triển của nền văn nghệ mới: Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên nền văn nghệ mới của chúng ta.
Giữa những năm đầu bộn bề gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta vẫn quan tâm xây dựng một nền văn nghệ mới đậm đà tính dân tộc và đại chúng. Trong một lần gặp gỡ với các văn nghệ sĩ ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các văn nghệ sĩ sử dụng ngòi bút của mình giống như khẩu súng của người lính ngoài mặt trận. Họ luôn có mặt ở những điểm nóng, những trận đánh ác liệt... và họ đã tìm thấy trong cuộc sống sản xuất, chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc nguồn cảm hứng mãnh liệt, giúp họ sáng tạo nên những tác phẩm làm rung động trái tim người đọc.
Văn nghệ phụng sự kháng chiến bởi văn nghệ là một bộ phận hữu cơ của kháng chiến, được coi là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu, là vũ khí sắc bén góp phần tiêu diệt quân thù. Tiếng nói của văn nghệ luôn gắn bó với đời sống phong phú, sôi nổi của quân dân ta đang hăng say sản xuất và chiến đấu. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc tác động rất lớn tới việc nhận đường của tầng lớp văn nghệ sĩ. Phần lớn văn nghệ sĩ đã chọn con đường cách mạng, con đường kháng chiến mà Đảng và Bác là người dẫn đường chỉ lối. Khi vận mệnh quốc gia lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, văn nghệ sĩ phải hướng ngòi bút của mình đến những đề tài nóng bỏng nhất, cấp thiết nhất liên quan tới số phận của cả dân tộc. Đó là chủ đề kháng chiến và số phận của cộng đồng. Đối với họ, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể này thì mọi lo lắng, băn khoăn về “cái tôi”, về hạnh phúc cá nhân đều bị đẩy lùi ra đằng sau Trước mắt họ là sự nghiệp kháng chiến cứu nước đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân.
Nguyễn Tuân, nhà văn nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám 1945 với các tác phẩm như Thiếu quê hương, Vang bóng một thời... lúc đó cũng ba lô trên vai, hăm hở tham gia các chiến dịch để viết nên Tuỳ bút kháng chiến. Tô Hoài in dấu chân trên khắp các nẻo đường chiến khu Việt Bắc để cùng chung sống với đồng bào các dân tộc thiểu số, lấy chất liệu sáng tác nên tập Truyện Tây Bắc phản ánh sinh động cuộc sống nghèo khổ, tối tăm của đồng bào miền núi dưới chế độ thực dân, phong kiến và quá trình chuyển biến tư tưởng, tình cảm của họ khi đã được giác ngộ cách mạng, giác ngộ kháng chiến. Có thể coi truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là tác phẩm thành công nhất, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của tác giả, đồng thời là mốc son của nền văn nghệ mới.
Nhiều văn nghệ sĩ theo sát các đơn vị bộ đội để kịp thời phản ánh hiện thực nóng hổi của mặt trận như Trần Đăng với Ký sự Cao - Lạng; Quang Dũng với bài thơ Tây Tiến; Chính Hữu với bài thơ Đồng chí, Nguyễn Đình Thi với tiểu thuyết Xung kích... Nhà văn Trần Đăng đã anh dũng hi sinh như một người lính trên chiến trường.
Đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ta trong kháng chiến cũng được phản ánh chân thực trong các tác phẩm. Trong truyện ngắn Đôi mắt, nhà văn Nam Cao đã kín đáo phê phán một số văn nghệ sĩ có cái nhìn lệch lạc đối với nông dân - lực lượng nòng cốt của cách mạng và kháng chiến. Tác giả khẳng định văn nghệ sĩ chỉ có một con đường đúng đắn nhất là đồng hành với nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến gian khổ, trường kì để đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc. Trong bài ca vỡ đất, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ca ngợi sức mạnh của con người: Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Nguyễn Đình Thi với cảm hứng trữ tình dạt dào đã sáng tác nên bài thơ Đất nước có sức sống kì lạ:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Mùa thu này là mùa thu ở chiến khu Việt Bắc lồng lộng ngọn gió tự do, phóng khoáng, đem niềm vui tới tràn ngập lòng người. Mùa thu này đẹp đẽ, trong sáng bởi con mắt của thi nhân vui vẻ và tin tưởng. Từ thực tế kháng chiến gian nan và hào hùng tột bậc, Nguyễn Đình Thi đã viết nên những câu thơ khái quát về sự mất mát, hi sinh của đất nước đồng thời phản ánh quyết tâm giành lại chủ quyền độc lập, tự do của quân dân ta:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Kết thúc bài thơ là hình ảnh tượng trưng cho đất nước từ trong đau thương, căm hận và máu lửa chiến tranh đã hiên ngang đứng dậy, tự khẳng định mình trước lịch sử và nhân loại:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
Tố Hữu - ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam có những bài thơ ghi lại những sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là bản anh hùng ca về tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường của chiến sĩ ta đã làm nên chiến thắng vẻ vang kết thúc cuộc kháng chiến trường kì, đem lại vinh quang lớn lao cho Tổ quốc:
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng !...
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt còn ôm...
Trong kháng chiến, đất nước cho dù bị bom đạn kẻ thù tàn phá nhưng vẫn hiện lên với vẻ đẹp ngời ngời sức sống:
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi !
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...
(Ta đi tới - Tố Hữu)
Nhờ đi sâu đi sát, gắn bó máu thịt với nhân dân nên đội ngũ văn nghệ sĩ mới cảm nhận được sức mạnh kì diệu của lòng yêu nước, mới hiểu được sự hi sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ. Từ đó, nền văn nghệ có được sức sống mới và đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. Hiện thực cuộc sống đi vào các tác phẩm một cách rất tự nhiên. Chất sắt lửa của cuộc kháng chiến tạo nên niềm lạc quan yêu đời cho văn nghệ. Cho dù kháng chiến là gian khổ, là hi sinh nhưng con người Việt Nam vẫn tin tưởng vào ngày mai tất thắng.
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em vẫn là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
(Núi đôi - Vũ Cao)
Tiếng nói văn nghệ khích lệ, động viên con người hướng về phía trước để đến đích cuối cùng của sự nghiệp cách mạng:
Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!
(Ta đi tới - Tố Hữu)
Ngày nay, đọc lại các tác phẩm sáng tác trong kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp (1946 - 1954), trong tâm hồn của mỗi chúng ta vẫn bừng dậy niềm tự hào về cuộc kháng chiến đau thương và anh dũng của dân tộc. Vinh quang thuộc về quân dân ta, trong đó có đóng góp đáng kể của đội ngũ văn nghệ sĩ. Cuộc trường chinh ấy đã làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của văn nghệ sĩ, thúc đẩy họ sáng tạo ra những hình tượng văn học tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Với những thành tựu đã đạt được, văn nghệ kháng chiến đã làm phong phú và đa dạng diện mạo của nền văn học hiện đại nước nhà.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |