Trong một khảo sát của cô Lê Thị Thu Hà, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn trên 185 giáo viên THPT và 1537 học sinh ở một số trường THPT miền Trung Tây Nguyên, đa số không đồng tình với cách trả thù của Tấm đối với Cám ở văn bản dân gian và cho rằng, cách kết thúc đó làm mất đi hình ảnh của một cô gái trong sáng, hiền lành. Tấm trở thành một cô gái tàn nhẫn, độc ác, thậm chí còn hơn cả mẹ con Cám.
Em Nguyễn Thị Mỹ Hằng (Trường THPT PleiKu) viết: “Tấm hiền nhưng đến lúc hưởng hạnh phúc thì quên đi mọi tình nghĩa”. Thật đau lòng khi học sinh chúng ta, những trái tim trong sáng, ngây thơ lại có cái nhìn không thiện cảm đến vậy khi nói về Tấm.
Nhìn rộng ra, em Đặng Thị Diễm Chi (Trường THPT Hùng Vương - Bình Định) lập luận: “Hổ dữ còn không ăn thịt con, thế nhưng Tấm lại đưa mẹ Cám vào tình huống quá tàn nhẫn - ăn thịt con mình. Hành động này quá ác độc”. Còn em Trịnh Hữu Hạnh (Trường THPT PleiKu) lại có cái nhìn tinh tế: “Em nghĩ, nếu người nước ngoài đọc Tấm Cám, họ sẽ không bao giờ cảm nhận được nét hiền dịu, nhu mì của phụ nữ Việt Nam. Họ sẽ hiểu nhầm Tấm là sau bao nhiêu lần chết đi sống lại, rốt cuộc chỉ để trả thù. Hóa ra, Tấm còn độc ác hơn cả Cám”. Thái Việt Nguyên (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định) xác định: “Truyện dân gian bao giờ cũng mang tính giáo dục cao, sao Tấm Cám lại đề cao tội ác?”.
Theo ý kiến cá nhân của cô Hà, việc thay đổi đoạn kết thúc truyện Tấm Cám trong SGK Văn 10 hiện nay ít nhất cũng đã giải quyết phần nào lúng túng và khó khăn của giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy, phân tích tác phẩm. Về phía giáo viên, có được sự thoải mái, tự tin, bớt đi phần định hướng, giải thích. Về phía học sinh, có được cách nhìn, cách nghĩ theo hướng tích cực, thống nhất về tính cách nhân vật Tấm.
Theo Lê Minh Chiến (Trường THPT Kon Tum): “Viết lại truyện Tấm Cám như SGK Văn 10 mang tính chất nhẹ nhàng, không gây cảm giác man rợ về hành động trả thù của Tấm, đồng thời còn giúp người đọc có cái nhìn thiện cảm hơn về nhân vật Tấm”..