Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Cô gái người Mỹ sinh năm 1997 có bố là người Cộng hòa Czech và mẹ người Trung Quốc được coi là một thần đồng khi sớm bộc lộ năng lực hơn người từ rất nhỏ.
Adora biết đọc biết viết từ năm hai tuổi rưỡi. Cô bé bắt đầu thích viết từ năm lên 4 và tới năm 6 tuổi, khi được mẹ mua cho máy tính xách tay, Adora Svitak đã viết hàng trăm truyện ngắn trên đó.
7 tuổi, khi các bạn cùng lứa bước vào tiểu học thì Adora tới đó để... dạy. Cô bé say sưa đọc và viết sách mỗi ngày. Thật khó hình dung một bé gái ở độ tuổi đó có thể đọc mỗi ngày 2-3 cuốn sách và sáng tác hơn 300.000 chữ mỗi năm.
Tới nay Adora trở thành một trong những giáo viên trẻ tuổi nhất đã tham gia giảng dạy tại hơn 500 trường trên toàn thế giới. Năm 2007 cô bé cũng đã tới Việt Nam trong chuyến giao lưu giới thiệu tác phẩm Những ngón tay bay (từ ngày 11 đến 18-11).
Trong suốt những năm qua, Adora Svitak đã xuất hiện trên rất nhiều diễn đàn lớn của Mỹ và nhiều quốc gia khác để nói về những vấn đề mà người lớn có thể học hỏi từ trẻ em, về tình yêu văn chương và lợi ích của việc đọc sách với các bạn cùng lứa.
Năm 2010, bài nói chuyện “Những gì người lớn có thể học từ trẻ em” trên diễn đàn TED của Adora thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem và đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ trên thế giới. Hiện Adora đang sống tại Washington và nghiên cứu khoa học chính trị tại Viện đại học California - Berkeley.
Trong một bài viết cho Huffington Post, Adora Svitak từng thừa nhận những chia sẻ quan điểm của cô về việc người lớn cần xem trọng tiếng nói trẻ em có một phần xuất phát từ những “ấm ức” của bản thân.
Cô bảo người lớn thường rất hay hỏi trẻ em câu này: “Con muốn sau này lớn lên làm gì?” và rồi sau đó tuôn một tràng những khuyên răn để làm sao sau này có cuộc sống tốt hơn lúc trưởng thành.
Adora Svitak cho rằng thay vì đặt những câu hỏi như vậy, người lớn hãy nghĩ về quan điểm “cứ để trẻ con được là trẻ con” thì tốt hơn. Nói cách khác, người lớn hãy để trẻ em được sống và làm những gì mà chúng muốn làm ở lứa tuổi của mình.
Cô bé đã truyền tải thông điệp đó qua chuỗi các hoạt động trong văn chương, phong trào nữ quyền, chống đói nghèo và lên tiếng vì giới trẻ.
Nhưng cô bé cũng hiểu rằng tất cả bạn bè cùng lứa trên thế giới sẽ không thể được giúp đỡ nếu chỉ với sức lực của một cá nhân đơn lẻ. Adora Svitak biết người ta sẽ viện dẫn lý do cho rằng cô là trường hợp hi hữu, ngoại lệ, là “một thiên tài”, là “người có năng khiếu bẩm sinh”...
Và để thay đổi định kiến đó, cô bé luôn theo đuổi các hoạt động để tất cả các bạn như mình đều có cơ hội chứng tỏ, không cần phải là một thần đồng, họ vẫn có khả năng thực hiện “những điều kỳ diệu lớn lao”.
Adora Svitak luôn tin rằng những người trẻ đừng bao giờ chờ đợi phải tới lúc lớn, lúc học xong mới có thể làm gì đó để thay đổi thế giới. Bản thân cô bé từng là một đại diện thanh niên của Chương trình Lương thực thế giới (WEP), nỗ lực tham gia các hoạt động thay đổi nhận thức của mọi người về vấn đề lương thực toàn cầu.
Năm 2013, khi tham gia Diễn đàn thanh niên thế giới do Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc tổ chức, Adora từng bày tỏ quan điểm trong thời đại số hóa như hiện nay, những người trẻ thế hệ cô đang tự định nghĩa lại bản thân và biết rằng thế giới của họ không phải là những câu chuyện thần tiên nữa mà họ phải phấn đấu cho cuộc sống này như những con người đích thực.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |