Với thời gian và sự sàng lọc khách quan, nhìn lại những tiết mục chèo đề tài hiện đại, dư luận chung và bản thân giới chèo tỉnh táo nhận ra những thiếu hụt, bất ổn ở đa số những tác phẩm chèo này, bộc lộ từ diện mạo tổng thể cho đến các thành phẩm sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, biểu diễn, âm nhạc, tạo hình, vũ đạo... Dường như đụng vào khâu nào cũng thấy còn những vấp váp, chưa hoàn thiện làm giảm sút chất lượng nghệ thuật, hiệu quả truyền cảm. Ðối chiếu những vở chèo đề tài hiện đại được xem là thành công, đoạt giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn, liên hoan quốc gia hay vùng miền với một số tích chèo cổ mẫu mực, thấy ra ngay độ chênh lệch về tầm vóc cách nhau quá xa dễ dẫn đến nản lòng. Có lẽ hợp lý hơn khi đem những vở chèo đề tài hiện đại gặt hái thành công thời gian qua so sánh với những vở chèo mới sáng tác khai thác đề tài lịch sử, truyện dân gian mà thôi. Nhưng trên phương diện này sự khác biệt về chất lượng nghệ thuật, sự thiếu hoàn chỉnh giữa các thành phần sáng tạo giữa chúng cũng lộ ra, khiến cho dư luận càng tỏ ra không thỏa mãn với những gì đã có. Từ đó đi đến nhận định, cho đến nay vẫn chưa có vở chèo đề tài hiện đại nào vượt qua được thành công của vở diễn bộ ba Bài ca giữ nước sáng tác của Tào Mạt, khai thác đề tài lịch sử.