Trong kho tàng văn học Việt Nam có biết bao nhiêu bài thơ nói về số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong thời phong kiến như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc…Từ lâu trong ca dao cũng thể hiện được số phận không may mắn của người phụ nữ trong xã hội xưa:
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu
Bài ca dao thể hiện được số phận của người phụ nữ. Bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em” để chỉ cho thân phận những người phụ nữ xưa. Nghệ thuật so sánh ví thân phận người con gái như trái bần trôi. Trái bần nhỏ bé trước những sóng gió của cuộc đời. Trái bần ấy lẻ loi trên dòng sông trôi đi đâu thì chưa ai biết. “Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu” câu thơ thể hiện được sự lênh đênh của thân phận người phụ nữ.
Họ không được quyết định thân phận và số phận của mình, họ nhỏ bé lẻ loi đơn độc như trái bần trôi để mặc cho sóng gió táp dồi trôi dạt khắp nơi. Động từ “dồi”, “tấp” thể hiện được sự nghiệt ngã của dòng đời. Nó như muốn nhấn chìm người phụ nữ, nhấn chìm họ xuống dưới đáy của đại dương kia. Nhưng rồi lại thôi trêu đùa người phụ nữ như một thứ đồ chơi. Sóng gió kia không phải sóng gió của tự nhiên mà chính là xã hội phong kiến là chế độ bất công nam quyền. Người phụ nữ phải chịu biết bao nhiêu đắng cay nhưng không thể làm gì chỉ biết than thân trách phận.
Có thể thấy bài ca dao đã thể hiện được số phận lênh đênh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ không được sống những ngày tháng yên bình, không được yêu thương trân trọng. Cuộc đời của họ là phải đương đầu với sóng gió.