Trung bình mỗi năm, các tổ chức, đơn vị, gia đình ở Hà Nội thải ra hàng trăm tấn rác thải điện tử lẫn trong rác thải sinh hoạt. Rác thải điện tử khi xả thải ra môi trường ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người. Theo các chuyên gia về môi trường, hiện nay với mức độ gia tăng chất thải điện tử ngày càng nhanh chóng, cần thiết phải có công nghệ thu gom, xử lý một cách an toàn và khoa học, góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân.
Các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại... ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, với thói quen tiêu dùng của người Việt, sau một thời gian sử dụng, nếu những thiết bị ấy bị lỗi, hỏng thì ngay lập tức sẽ bị bỏ đi, trở thành rác thải. Một số hộ gia đình sẽ đem bán thanh lý cho những người đi thu mua phế liệu.
Chị Đoàn Thị Thoa, ở quận Đống Đa và anh Lê Trần Phong, ở quận Cầu Giấy cho biết: “Những đồ điện tử ở gia đình bị hỏng, mình hay mang ra cửa hàng điện tử sửa hoặc là thu gom rồi bán cho những cô đồng nát”.
“Gia đình mình, khi sử dụng xong, có người đi thu gom, mình bán lại cho người ta, họ xử lý như thế nào thì mình không biết. Rác điện tử nếu để lâu thì độ tự tiêu hủy của nó rất khó, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nếu mà có chương trình thu gom và tận dụng tái chế được thành những cái sử dụng hàng ngày thì mình thấy rất tốt”.
Người dân tham gia bỏ những thiết bị điện tử hỏng vào thùng rác điện tử tại phường Nghĩa Tân. Theo Trung tâm Phát triển và Hội nhập, trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1 kg rác thải điện tử. Rác thải điện tử hiện có lượng thải cao nhất trong đô thị, tăng từ 20 đến 25%/năm. Đây là loại chất thải cực độc, có thể gây hại đến môi trường, gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí, có thể để lại di chứng cho thế hệ sau.
Ở Hà Nội, trung bình mỗi năm, các tổ chức, đơn vị, gia đình thải ra hàng trăm tấn rác thải điện tử lẫn trong rác thải sinh hoạt. Phần lớn số rác thải điện tử này được các cơ sở tư nhân ở ngoại thành khai thác, thu mua, chế biến kỹ thuật thủ công không đúng cách, xả thải ra môi trường gây hại cho sức khỏe của mọi người. Mặt khác, các cơ sở này chỉ tận thu một vài kim loại tái chế thành nguyên liệu, còn số lượng lớn các thành phần khác đều bị thải ra môi trường. Mặc dù lượng chất thải điện tử ở Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng vấn đề xử lý loại chất thải này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa được chú trọng đúng mức.
Trước thực trạng đó, cuối tháng 9 vừa qua, Chương trình hỗ trợ thu gom, tái chế rác thải điện tử miễn phí cho người dân Thủ đô, hưởng ứng chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn 2015 đã được tổ chức tại thành phố Hà Nội. Theo đó, các hoạt động thu gom rác thải điện tử miễn phí được thực hiện tại các điểm thu gom ở 2 phường: Nghĩa Tân, Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và 3 phường: Quán Thánh, Đội Cấn, Thành Công (quận Ba Đình).
Bà Nguyễn Thanh Nga, cán bộ môi trường, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: Rác thải điện tử được thu gom tại phường, hàng tháng sẽ được phân loại theo từng dòng thiết bị, sau đó được tháo dỡ và chuyển giao cho Công ty HP và Apple xử lý theo quy trình công nghệ kỹ thuật cao, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hóa lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Nga hiện nay người dân vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về việc xử lý chất thải một cách đúng đắn: "Phường ngày nào cũng tuyên truyền, phát động xuống tổ dân phố vận động người dân hiểu tác hại của rác thải điện tử. Đầu tiên là phải thay đổi suy nghĩ của họ nên công tác tuyên truyền là quan trọng nhất, vận động mọi người nâng cao nhận thức và có ý thức xây dựng thì sẽ hiệu quả hơn, vì không phải ai cũng biết, ai cũng nắm được".
Theo Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc thu hồi và xử lý rác thải điện tử là vô cùng cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp môi trường, tiết kiệm được nguồn tài nguyên; Đồng thời, khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công tại các làng nghề hiện nay đang gây tác động xấu đến môi trường. Thời gian tới cần nhân rộng mô hình thu gom rác thải điện tử trên toàn thành phố và cả nước để việc xử lý rác thải điện tử hiệu quả hơn.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng nêu ý kiến: "Phải có những cơ sở để xử lý, thu hồi các kim loại quý, đồng thời xử lý các chất độc hại để bảo vệ môi trường là cần thiết. Việc thí điểm một vài nơi chưa đủ. Hà Nội cần phải tách các chất thải nguy hại trong chất thải sinh hoạt của dân ở toàn thành phố thì mới tránh được ô nhiễm môi trường".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015 về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ từ rác điện tử nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho người dân. Quyết định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2016. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải điện tử sẽ sớm được khắc phục và giảm thiểu.