Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Kế thừa những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin đã tiếp tục bảo vệ, vận dụng sáng tạo học thuyết Mác nói chung và lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và có công phát triển lý luận của các bậc tiền bối lên một tầm cao mới.
Các Mác, Ph. Ăng-ghen đã có đóng góp lớn trong việc cung cấp những luận cứ thuyết phục để biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã cung cấp cho giai cấp công nhân “vũ khí” lý luận, chỉ rõ vị thế và vai trò của họ trong sự phát triển của lịch sử. Trong toàn bộ lý luận của mình, đặc biệt là trong bộ “Tư bản”, các ông đã phân tích, chứng minh rất rõ rằng, hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ không thể trụ vững trước những mâu thuẫn cố hữu, nội tại, gắn liền với nó và theo quy luật khách quan, tất yếu nó sẽ bị thay thế bởi hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, các ông cũng chỉ ra con đường dẫn dắt giai cấp công nhân đấu tranh giải phóng thoát khỏi sự nô dịch và bóc lột tư bản chủ nghĩa và tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy, mà sau này, không phải ngẫu nhiên, V.I. Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh rằng: Điều quan trọng nhất trong học thuyết Mác là việc làm sáng tỏ vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản với tư cách là người xây dựng, kiến tạo xã hội mới.
V.I. Lê-nin có đóng góp hết sức quan trọng khi đưa ra những phân tích về giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa tư bản - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, chỉ ra khuynh hướng quá độ tất yếu của hàng loạt nước trên phạm vi toàn thế giới từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Những đóng góp to lớn của V.I. Lê-nin khi vận dụng sáng tạo học thuyết Mác được thể hiện dưới hai góc độ chủ yếu sau:
a) Phát triển lý luận mác-xít về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Trên cơ sở kế thừa và vận dụng sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, phân tích và tổng kết một cách nghiêm túc các sự kiện lịch sử diễn ra trong đời sống kinh tế - xã hội, trong hàng loạt tác phẩm, bài viết quan trọng, V.I. Lê-nin đã bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác; phát hiện và trình bày một cách có hệ thống những khái niệm, phạm trù lý luận khoa học phản ánh những quy luật, những thuộc tính bản chất chi phối sự vận động biến đổi của đời sống xã hội thời kỳ đế quốc chủ nghĩa.
Tư tưởng mang tính cương lĩnh của chủ nghĩa Mác được trình bày cô đọng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848). Sáu lăm năm sau, trong tác phẩm “Các Mác”, V.I. Lê-nin khẳng định: Tuyên ngôn là tác phẩm đã “trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội, - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản”(1).
Kiên định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nhưng V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ mục đích của giai cấp vô sản trong thời kỳ quá độ “là thiết lập chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả những thành viên trong xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng người bóc lột người. Mục đích đó, người ta không thể đạt ngay tức khắc được; muốn thế, cần có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn”(2).
Đặc biệt, V.I. Lê-nin không chỉ kế thừa tư tưởng về đảng cộng sản của C. Mác và Ph. Ăng-ghen mà còn tiếp tục xây dựng lý luận về đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân, về các nguyên tắc tổ chức, cương lĩnh, sách lược trong nội dung hoạt động của đảng cũng như kiến tạo tổ chức, bộ máy của Nhà nước Xô-viết.
V.I. Lê-nin còn hoàn chỉnh lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, đúc kết những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; phát triển lý luận trên một loạt phương diện như vấn đề dân tộc và cương lĩnh dân tộc, liên minh của giai cấp công nhân với nông dân và các tầng lớp lao động khác; những vấn đề về quan hệ quốc tế và chủ nghĩa quốc tế vô sản, quan hệ cách mạng xã hội chủ nghĩa với phong trào giải phóng dân tộc.
Trong một loạt tác phẩm, V.I. Lê-nin cũng là người đi tiên phong, thể hiện tinh thần đấu tranh triệt để, không khoan nhượng và đầy mẫu mực chống lại chủ nghĩa cơ hội, xét lại quốc tế dưới các biến thể khác nhau của nó. V.I. Lê-nin không chỉ vạch trần bản chất của chủ nghĩa cơ hội, xét lại, mà còn chỉ rõ tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa xét lại đối với phong trào công nhân trên toàn thế giới.
b) Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể của nước Nga
Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thắng lợi là một mốc son chói lọi trong sự phát triển của xã hội loài người. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới đã mở ra; tạo cơ hội cho nhân loại thực hiện cuộc quá độ lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã chứng thực những đột phá về lý luận trước đó của V.I. Lê-nin: Khả năng xuất hiện cách mạng vô sản ở một số nước, thậm chí ở một nước, về xu thế quá độ tới chủ nghĩa xã hội không qua chủ nghĩa tư bản, về hướng tiếp cận mới đối với chủ nghĩa xã hội.
Cùng với những kinh nghiệm lãnh đạo trước, trong và sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, xây dựng Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, V.I. Lê-nin đã có nhiều cống hiến vào việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ cách mạng mới, chưa có tiền lệ, đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề xuất hiện trong những năm đầu đầy khó khăn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại nước Nga Xô-viết. Trước tình hình mới, V.I. Lê-nin đã có nhiều bước đột phá về lý luận, chỉ rõ tính chất của thời kỳ quá độ, đề xuất “Chính sách kinh tế mới” (NEP) và yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy về chủ nghĩa xã hội, phân tích về cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trong những nước thuộc địa chống lại chủ nghĩa đế quốc, vì dân chủ, hòa bình, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |