Cha và mẹ - hai tiếng gọi thật thiêng liêng. Ca dao đã có rất nhiều câu ca ngợi công lao to lớn của những đấng sinh thành. Một trong số đó là bài ca dao:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”
Trước hết, bài ca dao sử dụng hình ảnh so sánh “công cha” với “núi ngất trời”; “nghĩa mẹ” với “nước ở ngoài biển Đông”. Cách so sánh lấy cái trừu tượng của tình phụ tử, mẫu tử để so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Công cha so với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, nghĩa mẹ so với nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào. Đây cũng là một nét riêng trong tâm thức của người Việt. Phép so sánh đã cho thấy công ơn không thể nào đong đếm được của cha mẹ.
Bởi vậy, tác giả dân gian mới đưa ra lời nhắn nhủ: “Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”. Nhắc đến “cù lao chín chữ” là nhắc đến công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Chín chữ cù lao gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Bởi vậy mà đứa con cần phải ghi nhớ công ơn trời bể đó, cũng như sống có trách nhiệm hơn.
Gia đình là bến đỗ bình yên nhất của mỗi con người. Vì ở đó chúng ta nhận được sự yêu thương, chăm sóc và bảo vệ của những người thân yêu. Nhờ có tình cảm gia đình, con người sẽ có thêm nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi vậy mỗi người cần phải trân trọng tình cảm gia đình từ những hành động cụ nhỏ bé nhất. Tình cảm gia đình thật đáng trân trọng và bảo vệ.
Như vậy, bài ca dao đã ca ngợi công lao to lớn của đấng sinh thành - cha mẹ. Đồng thời răn dạy con người phải biết ghi nhớ và báo đáp công ơn ấy.