Đoạn văn “Tức nước vỡ bờ” được trích trong tác phẩm Tắt đèn là bức tranh chân thực và sống động về nhân vật chị Dậu – một người phụ nữ yêu chồng, thương con và hết lòng vì gia đình. Cuộc sống nghèo khổ, vì sưu thuế mà chị Dậu phải bán đàn chó và cả đứa con gái đầu lòng của mình, vậy mà cái đói vẫn cứ đeo bám lấy chị khi mà nhà chị phải đóng thêm suất sưu cho người em chồng đã chết. Anh Dậu bị trói và đánh đến độ “thập tử nhất sinh”. Sáng hôm sau, người nhà lí trưởng lại định đưa anh ra đình chịu trận. Thấy chồng trong thế hiểm nguy, chị van xin “hai ông làm phúc nói với ông lý cho cháu khất” nhưng bọn chúng nhất quyết không buông tha. Van xin không được, chị đành phải kháng cự: “chồng tôi đau ốm không được phép hành hạ”. Từ “cháu” – bề dưới chuyển sang xưng “tôi” – ngang hàng đã cho thấy sự kiên quyết của chị sau nhiều lần nhẫn nhịn, chịu đựng. Con giun xéo lắm cũng quằn, khi bị dồn vào thế chân tường, chị quyết dùng hành động để chống trả bọn cai lệ và lí trưởng. Chịu một cái tát giáng vào mặt, chị càng vùng dậy mạnh mẽ, quyết liệt, thách thức bọn cường hào quan lại: “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Chị “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa làm cho hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất”. Khi người nhà lí trưởng giơ gậy chực đánh, chị “nắm lấy gậy hắn, chỉ hai bàn tay không”. Ban đầu, chỉ là lời van xin yếu ớt, sau là giọng nói đe dọa, tiếp đến là sự chống trả quyết liệt: “chị túm lấy tóc, lẳng một cái làm cho nó ngã nhào ra thềm”. Từ một người phụ nữ hiền lành, yếu ớt, vì chồng, chị sẵn sàng đứng dậy chống trả khi bị dồn nén đến đường cùng: “Thà ngồi tù chứ để cho chúng làm tình làm tội mãi, tôi không chịu được”. Tức nước ắt bờ cũng sẽ có lúc phải vỡ – đó là quy luật của cuộc sống. Hành động bộc phát của chị Dậu đại diện cho sức mạnh chưa được khai phá ở người nông dân bị áp bức. Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết đó là cần phải có sự lãnh đạo của Đảng để thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của ngường nông dân nói riêng và những con người bị chế độ thực dân đàn áp nói chung.