hạm Tiến Duật là một trong các nhà thơ thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước. Thơ của ông lôi cuốn người đọc bằng sự sống động, tự nhiên, táo bạo. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc bởi hình ảnh người chiến sĩ lái xe hiên ngang dũng cảm, bất chấp khó khăn, cùng quyết tâm chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.
Hình ảnh chiếc xe bị bom đạn Mĩ phá đến biến dạng càng góp phần khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ lái xe dũng cảm, kiên cường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Ở hai câu đầu của khổ thơ cuối, hình ảnh chiếc xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn đã hiện lên với một vẻ rất kì quặc:
Không có kính rồi xe không có đènKhông có mui xe thùng xe cỏ xước. Ở đầu bài thơ, Phạm Tiến Duật đã giải thích cho người đọc biết vì sao những chiếc xe làm nhiệm vụ không có kính. Bom đạn chiến trường đã làm cho chúng trở thành như vậy. Thế nhưng, hình chiến tranh ngày càng ác liệt, những chiếc xe "từ trong bom rơi" cũng ngày càng trơ trụi hơn, tàn tạ hơn. Từ việc không có kính, rồi không có mui, giờ đây, chiếc xe không còn có cả đèn – một bộ phận vô cùng quan trọng, nhất là khi chạy trên con đường Trường Sơn gập ghềnh, đầy hố bom vào ban đêm. Rồi xe không có mui che chắn, vì vậy, nếu gặp trận mưa thì thùng xe sẽ chứa đầy nước. Câu thơ thể hiện được sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng đây không phải là lời ca thán, bi ai. Bằng giọng thơ ngang tàng pha chút hóm hỉnh, giọng điệu tự nhiên, rất lính tráng, Phạm Tiến Duật đã mang được vào trong thhơ cả chất trẻ trung, sự hồn nhiên, yêu đời của người chiến sĩ cách mạng:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trướcChỉ cần trong xe có một trái tim Không có kính, không đèn, không có cả mui. Điệp từ "không" nhấn mạnh được sự khó khăn của các chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn. Thế nhưng, xe vẫn bon bon lăn bánh trên con đường ấy, bất chấp tất cả mọi hiểm nguy. "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước", câu thơ đã phần nào lột tả ý chí chiến đấu vì miền Nam, vì Tổ quốc của những người lính lái xe quả cảm. Từ "vẫn chạy" cho thấy sự kiên cường, dù phải chịu bao nhiêu nguy hiểm, khó khăn, họ cũng không lùi bước. Còn cụm từ "vì miền Nam phía trước" toát lên niềm tin vào hòa bình, thống nhất, là sự thể hiện mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước của những người lính lái xe, nó đã ăn sâu vào con người các anh. Ý chí đó kết tinh sâu đậm ở câu thơ cuối:
Chỉ cần trong xe có một trái tim Đây là câu thơ thể hiện sự hiến dâng trọn vẹn của những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đầy "mưa bom bão đạn": "chỉ cần" có một "trái tim", chỉ cần trái tim còn nhịp đập, chỉ cần còn sống, còn một hơi thở cuối cùng các anh vẫn chiến đấu không chùn bước. Hình ảnh "trái tim" chính là hình ảnh ẩn dụ về người lính lái xe mà trái tim các anh đã ngấm sâu lí tưởng cách mạng, lí tưởng về một Tổ quốc thống nhất, tươi đẹp.
Trong bài thơ
Vầng trăng và những quầng lửa, tình cảm của những người chiến sĩ lái xe với miền Nam cũng trỗi dậy ngọt ngào, thúc giục:
Xe chạy trong đêm rì rầm, rì rầmTiếng mạch đất hai miền hòa làm một(Phạm Tiến Duật
) Khẳng định khó khăn, gian khổ ngày càng tăng nhưng nhiệm vụ đánh giặc vẫn là trên hết. Không có khó khăn nào, kẻ thù nào cản nổi xe ta đi. Đơn giản vì trong xe có một trái tim của người chiến sĩ lái xe anh hùng. Có thể nói, nhà thơ đã khai thác thật hiệu quả nghệ thuật đối lập giữa "không" và "có" giữa hai phương diện vật chất và tinh thần, vẻ bên ngoài xe và bên trong chiếc xe không kính, không đèn, không mui. Để bất ngờ sáng lên hình tượng trái tim, trái tim nồng nàn nhiệt huyết yêu nước của người lính. Phải chăng, đấy chính là cội nguồn sức mạnh, cội nguồn của bao phẩm chất sáng ngời của người lính giải phóng quân? Và phải chăng, hình tượng trái tim cao đẹp ấy cũng chính là lời khẳng định sâu sắc về một chân lí của thời đại chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, công cụ mà là con người, con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và niềm tin vững chắc. Câu thơ tỏa sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp của hình tượng người lính. Tứ thơ thoải mái, nhẹ nhõm mà gợi suy luận, triết lí thật sâu xa.
Đường ra trận gian nan nhưng tâm hồn người lính không vì thế mà không rực sáng. Hình ảnh những chiếc xe không kính với trái tim nồng nàn tình yêu quê hương đất nước bon bon làm nhiệm vụ sẽ luôn là một hình ảnh đẹp trong lòng độc giả nhiều thế hệ