Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Italy đối với gần 2,3 triệu người và được đăng tải trên Tạp chí "Stroke - Đột quỵ" số ra tháng 4.
Tiến sỹ Pasquale Strazzullo của Đại học Naples Frederico II và các đồng nghiệp đã tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu về nguy cơ đột quỵ dựa trên chỉ số cơ thể con người (BMI).
Kết quả cho thấy những người bị thừa cân có nguy cơ bị mắc các chứng đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 22% so với người có trọng lượng bình thường, trong khi đó những người bị béo phì có nguy cơ cao hơn tới tận 64%. Nguy cơ đột quỵ do xuất huyết không cao hơn ở những người thừa cân, nhưng cao hơn 24% ở những người bị béo phì.
Tiến sỹ Strazzullo giải thích rằng nguy cơ bị đột quỵ của một người trong vòng 10 năm tới có thể được đánh giá dựa trên giới tính, huyết áp hoặc liệu họ có hút thuốc hay bị tiểu đường hay không.
 Theo Tiến sỹ Strazzullo, một người đàn ông 62 tuổi có huyết áp tâm thu là 125, không hút thuốc, không bị tiểu đường hay các vấn đề tim mạch khác sẽ có 4% nguy cơ bị đột quỵ trong thập kỷ tới. Cũng người đàn ông này nhưng có huyết áp tâm thu là 160 (quá cao so với bình thường) và không được chữa trị huyết áp cao thì nguy cơ đột quỵ trong vòng 10 năm tới sẽ là 15%.
Tiến sỹ Strazzullo và đội ngũ nghiên cứu của ông còn nhận thấy rằng một khi họ tính đến các nhân tố nguy cơ lối sống như hút thuốc, tuổi tác, các nhân tố nguy cơ về tim mạch, thì việc thừa cân và bị béo phì ảnh hưởng một cách độc lập tới nguy cơ đột quỵ.
Xét tới mức độ khó khăn khi điều trị bệnh béo phì, các nhà nghiên cứu nói rằng cách tốt nhất để ngăn chặn các biến chứng có liên quan như đột quỵ thì cần tránh tăng cân ngay từ ban đầu.