Vào những năm 40 của thế kỷ XIX khi chủ nghĩa tư bản đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thì đồng thời mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản cũng trở nên gay gắt nhất. Lúc này giai cấp vô sản đã đứng lên để đấu tranh chống lại áp bức bóc lột của giai cấp tư sản. Tuy nhiên, giai cấp vô sản chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình khi biết tự tổ chức nên chính Đảng và được Đảng đó trực tiếp lãnh đạo với mục tiêu đấu tranh là giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động thóat khỏi ách áp bức bóc lột, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, đưa dân tộc đến chế độ tự do, ấm no và hạnh phúc – đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đọan đầu là là xã hội xã hội chủ nghĩa.
C. Mác chỉ ra rằng: Giai cấp công nhân phải có chính đảng tiên phong được tổ chức chặt chẽ. Bao gồm những người triệt để cách mạng nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân, đại biểu cơ bản cho lợi ích của giai cấp công nhân. Đảng tiên phong được trang bị lý luận khoa học đóng vai trò là người tổ chức, định hướng chính trị và giáo dục, động viên tập hợp quần chúng hành động cách mạng một cách tự giác; phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của chính đảng tiên phong phải vạch ra được cương lĩnh chính trị đúng đắn phù hợp với hòan cảnh lịch sử cụ thể…
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản C. Mác đã chứng minh tính tất yếu của việc cần phải thành lập chính đảng của giai cấp công nhân, đó là điều kịên tiên quyết để bảo đảm cho cách mạng xã hội thu được thắng lợi và thực hiện được mục đích cuối cùng của nó là tiêu diệt giai cấp tư sản. Vì chính đảng vô sản chính là đảng của giai cấp công nhân, đảng mang bản chất giai cấp công nhân; đảng luôn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và mọi chủ trương, chiến lược, sách lược của đảng đều luôn luôn phải xuất phát từ lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn đại biểu cho quyền lợi của tòan thể nhân dân lao động. Bởi vì, theo C. Mác thì chỉ có giai cấp vô sản mà đại diện là giai cấp công nhân mới thật sự là giai cấp cách mạng, là những người bị bóc lột đến tận xương tủy, làm giàu cho bọn chủ tư bản, họ có cuộc sống nghèo hèn, khổ sở, trong tay không có tư liệu sản xuất và họ “buộc tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, họ là một món hàng hóa, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường”[1]. Hiểu được vấn đề ấy nên C. Mác đòi hỏi Đảng – đội tiên phong cách mạng của giai cấp, phải là Đảng được vũ trang bằng lý luận tiên tiến, Đảng là người kiên quyết nhất và biết lôi cuốn quần chúng cùng hành động. Chính vì thế nên ông chủ trương thành lập Đảng trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
Sự trưởng thành của giai cấp vô sản được đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản. Song, Đảng Cộng sản khác với toàn bộ giai cấp vô sản ở tính tiên phong. Tính tiên phong của Đảng thể hiện: tiên phong trong hành động thực tiễn, tiên phong về mặt lý luận. Vai trò tiên phong của Đảng đảm bảo cho Đảng tập hợp được giai cấp vô sản. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện đảm bảo cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới. Nhưng Đảng Cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, Đảng là một bộ phận gắn liền với giai cấp. Lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích giai cấp: Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. Mục đích của Đảng là mục đích của giai cấp, Đảng là đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào vô sản. Kết quả của phong trào vô sản không dừng lại ở sự ra đời của chính đảng mà cần biểu hiện ở chỗ giai cấp vô sản biết hành động theo sự lãnh đạo của Đảng.
Trên cơ sở đó, theo C. Mác, Đảng của giai cấp công nhân phải có Cương lĩnh, đường lối chính trị thống nhất bảo đảm cho quá trình lãnh đạo của Đảng. Từ đó giai cấp công nhân có cơ sở thể hiện rõ vai trò là người dẫn dắt phong trào cách mạng tiến lên và ngày càng tăng lên trong tiến trình lịch sử phát triển của nhân lọai.
C. Mác còn khẳng định sự nghiệp giải phóng giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là sự nghiệp tự giải phóng của bản thân mình với điều kiện “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại” và sử dụng con đường cách mạng bạo lực.
Trong tuyên ngôn đã chỉ rõ, khác với các đảng công nhân khác, trong cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, những người cộng sản luôn luôn đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích chung của phong trào vô sản thế giới mà không phụ thuộc vào dân tộc. Ông nhấn mạnh: “… về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chổ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”[2].
C. Mác đặc biệt nêu cao vai trò và sức mạnh của tổ chức, có tổ chức giai cấp thành một khối vững chắc thì mới mong chiến thắng được giai cấp tư sản đã quá sành sỏi và già nua trong quá trình chuyên đi bóc lột kẻ khác. Giai cấp vô sản sẽ dùng ưu thế chính trị của mình để từng bước một đọat lấy tòan bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất trong tay nhà nước. Tức là trong tay giai cấp vô sản, đã được tổ chức thành giai cấp thống trị … “Vì sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức …”[3]. Đồng thời ông còn đề ra là cần phải có sự hợp tác quốc tế. Vì theo ông giai cấp công nhân lúc bấy giờ là những người không có tổ quốc: “Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp đọat của họ cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản ở mỗi nước trước hết phải giành lấy sự thống trị, phải vươn lên địa vị một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, cho nên do đấy họ vẫn còn có tính dân tộc, …”[4]. Chính vì thế mà vấn đề đặt ra là cần có sự liên minh, hợp tác quốc tế, ông viết : “… Việc giải phóng giai cấp công nhân đòi hỏi phải có sự hợp tác anh em công nhân”[5], là vì việc “Giải phóng lao động không phải là một vấn đề địa phương hay dân tộc, mà là một vấn đề xã hội, bao quát tất cả các nước trong đó xã hội hiện đại đang tồn tại, và việc giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào sự hợp tác về mặt thực tiễn và về mặt lý luận của các nước tiên tiến nhất”[6]
Với vị trí, vai trò quan trong của mình, do đó nhiệm vụ trước hết của chính Đảng vô sản là: Tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền; dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công nhân sản xuất vào trong tay nhà nước. C. Mác định nghĩa: Nhà nước tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị, nghĩa là “việc giành chính quyền trở thành một nghĩa vụ vĩ đại của giai cấp công nhân”[7].
Về mặt lý luận thì nhiệm vụ của giai cấp vô sản là: “xóa bỏ chế độ tư hữu”[8]. C. Mác và Ph. Ănghen đã chỉ rõ nhiện vụ của giai cấp vô sản là người “đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”. Trong xã hội hiện tại chỉ có giai cấp vô sản với đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản mới có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ giải phóng giai cấp và thiết lập một chế độ xã hội mới, xã hội XHCN. Sở dĩ, giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử như thế là có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là vì “Trong cuộc cách mạng ấy, những người cộng sản chẳng mất gì hết, ngòai những xiềng xích trói buộc họ – (còn nếu giành được thì) họ sẽ giành được cả thế giới”[9]. Chính vì thế mà những người cộng sản sẳn sàng chiến đấu, sẳn sàng tham gia vào phong trào cách mạng, vì họ đã có lý tưởng sống: không chỉ giải phóng cho bản thân họ mà họ còn lãnh nhiệm vụ là giải phóng cho tòan thể thế giới cần lao. Thông qua sức mạnh, vai trò, vị trí của giai cấp vô sản trong cuộc chiến đấu chống lại tư sản thì những người vô sản luôn đại biểu cho “lợi ích của tòan bộ phong trào”[10] Đây chính là đặc điểm hết sức quan trọng mà quan điểm của Mác và Ănghen thể hiện trong quá trình đấu tranh cho sự công bằng của xã hội lòai người, mà ở đó họ luôn luôn quan tâm đến lợi ích chung của cả phong trào, cho tòan thể những ai lao động bị áp bức, bóc lột. Rõ ràng chủ nghĩa cộng sản đã trở thành mục đích, là lý tưởng hướng đến của nhân lọai, những người vô sản đã, đang và sẽ thực hiện sứ mệnh cao cả mà lịch sử giao cho.
Vận dụng những quan điểm trên của Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lấy hệ tư tưởng Mác - Lênin, làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Với thực tiễn cách mạng 90 năm qua dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin Đảng ta lãnh đạo đã đưa đất nước ta từ một nước bị áp bức, thuộc địa trở thành một nước độc lập tự do, có chủ quyền: nhân dân lao động từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới đan xen cả thời cơ và thách thức, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta phải nâng cao bãn lĩnh chính trị, luôn đấu tranh với những luận điểm sai trái, lệch lạc, củng cố và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tương thân, tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Từ sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, của toàn dân trong phòng chống dịch bệnh, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và toàn thể nhân dân. Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người Việt Nam càng tỏa sáng rực rỡ. Chính điều đó, lại càng khẳng định, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đó chính là cơ sở, nền tảng để chúng ta bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khoa XII, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức là văn minh, là lương tâm, trí tuệ của dân tộc”.