Từ những năm 2000, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rõ “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của thế giới hiện đại”. Vì thế, phải đẩy mạnh “ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế”. Bộ Chính trị chủ trương: “Mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng đều phải ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển”. Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2014 tiếp tục khẳng định: “CNTT phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế – xã hội”. Nghị quyết số 26/2015/NQ-CP cũng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh”. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ và tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT cho các ngành, các lĩnh vực ngày càng trở nên cấp thiết. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16/2017/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành “Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Có thể nói, hệ thống văn bản của Đảng và Chính phủ đã mở ra định hướng chiến lược quan trọng để triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.