Xác định 1 phương thức biểu đạt và 1 phong cách ngôn ngữ của văn bản
I. ĐỌC-HIỂU (5 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu: Cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái, mặt phải. Làm sao như chiếc áo may cho trẻ con, mặt phải rất đẹp nhưng mặt trái cũng được may rất tinh tế, khéo léo. Để làn da trẻ con nhạy cảm không đau khi tiếp xúc những đường gân áo. Làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hoá một ngôi làng nhưng lại không ung thư hoá dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống. Làm sao để tăng trưởng, để giàu có hơn, nhưng đừng bức tử nguồn nước cho mai sau, đừng để những con kênh thành kênh nước đen, đừng để những dòng sông thành sông chết. Làm sao để sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy nhưng không mang nỗi buồn cho người cầm cuốc, cầm cày. Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác. Mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng. Mình không chỉ lo cho được việc mình mặc ai kia khổ sở. (…) Vô cảm với người khác là thiểu năng cảm xúc. Còn tệ hơn cả thiểu năng trí tuệ. Bởi vì thiểu năng cảm xúc nghĩa là dù không phải trời bắt tội, em cũng đã bị tật nguyền ngay trong cơ thể khoẻ mạnh, đẹp đẽ của chính mình. (Trích “Huyền thoại phần mía ngọn”, Đoàn Công Lê Huy, Nhà xuất bản Kim Đồng)
CÂU 1: Xác định 1 phương thức biểu đạt và 1 phong cách ngôn ngữ của văn bản.(1đ)
CÂU 2: Theo tác giả, làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia?(1đ)
CÂU 3: Tìm và nêu tác dụng của 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn bản.(1đ)
CÂU 4: Anh/Chị hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 8-10 dòng) đề xuất giải pháp của bản thân cần làm gì để hạn chế, khắc phục lối sống vô cảm.(2đ)