Nói đến chiến tranh, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khói lửa, bom đạn, đau thương, mất mát. Thế nhưng, đằng sau những tháng ngày máu lửa ấy là những câu chuyện, những kỷ niệm thấm đẫm tình người. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm như thế. Bên cạnh câu chuyện cảm động về tình cha con trong chiến tranh, tác phẩm đã để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc về nhân vật bé Thu, với tình yêu cha thiết tha, sâu đậm và cá tính cứng cỏi, mạnh mẽ.
Từ khi bé Thu mới một tuổi, anh Sáu đã thoát li đi kháng chiến. Bảy năm sau, anh trở về nhưng bé Thu không chịu nhận cha. “Nó nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên : “Má ! Má !”. Người đọc như cảm thấy được nỗi thất vọng và đau đớn trong lòng anh Sáu khi cái tình người cha bị dội một gáo nước lạnh như vậy. Suốt mấy ngày ở nhà, mặc dù anh Sáu vỗ về, gần gũi đến mấy thì con bé vẫn không chịu gọi một tiếng “ba”. Mặc dù cả mẹ nó lẫn bà con lối xóm đều nói đó là ba nó, nó vẫn giữ vững lập trường của mình, không chịu thừa nhận điều đó. Dù còn nhỏ nhưng Thu đã có nhận thức rạch ròi, không chịu tin điều gì khi chưa được chứng minh. Nó chứng tỏ cá tính mạnh mẽ của em, nhưng cũng là mấu chốt của những mâu thuẫn trong truyện. Khi bị bắt buộc phải gọi thì nó vẫn cứng đầu và chỉ nói trống không : “Vô ăn cơm !”, “Cơm chín rồi !”, “Con kêu rồi mà người ta không nghe !”… Suốt tám năm trời anh Sáu đợi một tiếng cha, giờ được nhận lại hai chữ “người ta” đầy lạnh lùng và xa cách, thế có đau xót không ?
Mâu thuẫn của truyện ngày một tăng. Một lần, bé Thu phải cầu cứu người lớn chắt nước nồi cơm giùm. Dù lúc đó rất rối trí, nó vẫn chì nói trống không : “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái !”, “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ !” Chỉ cần một tiếng “ba” thôi là nó sẽ thoát khỏi thế bí. Thấy con bé loay hoay một cách tội nghiệp, người đọc ai cũng nghĩ rằng chắc lần này con bé phải chịu thua. Nhưng không ! Nó vẫn nhất quyết không chịu gọi và tự mình “nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ” ! Sự thông minh và đáo để của con bé khiến người đọc chợt mỉm cười. Đó cũng chính là cái mầm sâu kín sau này sẽ làm nên một cô giao liên kiên cường, dũng cảm. Đến đấy, người đọc lại một lần nữa chạnh lòng khi nhận ra rằng, nó vẫn chưa chịu nhượng bộ, chưa chịu nhận ba.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm trong bữa cơm. Khi anh Sáu gắp cho nó cái trứng cá, “nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng cá ra”. Không những không chịu nhận ba, bé Thu còn không chịu nhận cả sự quan tâm của anh, thậm chí còn chống đối. Đến khi bị đánh, nó không khóc, mà “cầm đũa gắp cái trứng cá bỏ vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm”. Tưởng chừng như con bé đang cố kìm những giọt nước mắt để tỏ ra là một người mạnh mẽ. Dù bướng bỉnh, ương ngạnh, nó vẫn chỉ là một đứa trẻ. Nhưng dù vậy, những hành động của con bé cũng không thể chấp nhận được. Nó vô tình khiến người đọc cảm thấy ghét con bé, ghét sự lạnh lùng và cứng đầu của nó.
Nhưng đừng vội trách bé Thu, hãy trách chiến tranh. Chính chiến tranh đã chia rẽ hai cha con. Người lớn cũng không thể ngờ được phản ứng của nó để chuẩn bị tinh thần trước. Chính cái thái độ bướng bỉnh, ương ngạnh ấy lại là biểu hiện của tình yêu tha thiết của Thu đối với cha. Nó không nhận anh Sáu vì anh không giống hình người cha trong bức ảnh chụp với má. Cô bé chỉ hành động đơn thuần để bảo vệ hình ảnh người cha ấy mà thôi. Điều đó cho thấy nó dành cho người cha mình một tình yêu vô cùng sâu sắc, tha thiết dù chưa từng gặp mặt. Đến khi biết được sự thật, “nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Rồi chính nó lại bảo ngoại đưa nó về. Sáng hôm đó, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có mà “nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Con bé cảm thấy có lỗi và hối hận. Nó muốn được chạy lại và ôm ba nó nhưng lại không dám vì biết mình đã làm ba giận. Không biết ba có tha lỗi cho mình không, con bé cứ đứng đó với biết bao cảm xúc rối bời trong lòng.
Thế rồi đến lúc anh Sáu ra đi, khi anh tưởng không thể nghe được tiếng gọi của con thì con bé bỗng kêu thét lên : “Ba…a…a…ba !”. Tiếng gọi đó đã được Thu kìm nén trong lòng suốt bảy, tám năm trời. Và giờ đấy nó vỡ òa ra, còn người đọc thì nghẹn lại xúc động. “Nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”. Tội nghiệp con bé, lúc nó chịu nhận ba thì ba lại phải đi. Sau bao nhiêu năm, tình yêu của con bé bùng ra, cuống quýt, hối hả, xen lẫn sự hối hận. “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má ba nó nữa.” Vâng, nó hôn lên cả vết sẹo đã khiến nó hiểu nhầm và không chịu nhận ba. Tình yêu ấy thật chân thành, tha thiết và sâu sắc vô cùng. “Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, đôi vai nhỏ bé của nó run run.” Một suy nghĩ mới ngây thơ làm sao, tội nghiệp làm sao ! Đến đây, cả người kể lẫn người đọc đều cảm thấy khó thở, nghẹn ngào như có ai nắm lấy trái tim mình. Dường như lúc đó, Thu không còn nghĩ đến điều gì nữa ngoài ba nó và khát khao mãnh liệt muốn giữ ba ở lại bên mình. Hình như nó có một linh cảm lờ mờ nào đó rằng nếu nó buông tay, nó sẽ không còn được gặp ba nó nữa.
Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa thành công nhân vật bé Thu bằng sự hiểu biết của mình về tâm lý trẻ em cũng như cách xây dựng tình huống hợp lí. Qua những hành động và suy nghĩ hợp với lứa tuổi của em, nhà văn đã miêu tả tâm lý và tính cách cô bé rất tự nhiên và sinh động, cho thấy sự am hiểu của ông về trẻ em. Bên cạnh đó, tình huống bất ngờ - bé Thu không chịu nhận ba – cũng giúp tính cách nhân vật hiện ra sắc nét, ý nghĩa tư tưởng phát lộ toàn diện. Kết hợp điều đó với những tình huống được sắp xếp hợp lí trong truyện đã giúp nhà văn lôi cuốn được người đọc cũng như làm nổi bật những nét đặc trưng của nhân vật – tình yêu cha tha thiết và cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi. Mâu thuẫn của truyện càng tăng, nhân vật càng hiện ra rõ nét, gần gũi và chân thật hơn với người đọc. Nhờ những điều đó mà nhân vật bé Thu được thể hiện có chiều sâu và trọn vẹn.
Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật cũng như cách xây dựng tình huống hợp lí, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng thành công nhân vật bé Thu với cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi và tình yêu cha sâu sắc, thiết tha. Dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng bài ca về tình phụ tử trong “Chiếc lược ngà” vẫn chưa bao giờ chết. Nó luôn ở đó và nhắc nhở chúng ta rằng, hãy trân trọng những gì mình đang có, ta không thể biết được khi nào ta sẽ mất đi những điều thân thương nhất. Có những thứ khi mất đi rồi sẽ không bao giờ lấy lại được, hãy yêu thương khi chưa quá muộn.