Cái rét đầu đông
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông khăn em hiu hiu gió lạnh...
Ai xui chi sáng nay, quán cà phê tôi vẫn thường ngồi nhìn ra phía Hồ Tây lại mở băng nhạc hát về Hà Nội. Tiếng hát cứ réo rắt kéo hồn người vào một nỗi buồn ảm đạm, kéo tôi về một ngày thật xa - ngày tôi đọc bài Chia tay người Hà Nộicủa Bùi Thanh Tuấn. Ngày ấy xa lắm, nhưng bài thơ chỉ một lần đọc như in sâu vào trí nhớ. Hà Nội chớm lạnh. Cái lạnh đầu mùa bao giờ cũng thế - gợi nhớ và buồn. Có lẽ Chia tay người Hà Nội ra đời trong khoảnh khắc như vậy?
Mùa thu làm cây cầu để mùa đông là nơi hội tụ những cơn gió se lạnh mang hơi thở chứa nỗi buồn vắng lặng. Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, lời mở đầu bài thơ bình thường nhưng ẩn chứa một điều gì đó buồn man mác. Chữ “vắng” làm trọng tâm cho hồn người đọng lại.
Chiều Hà Nội, bên bờ Hồ Tây lạnh buốt trong mưa bay, ai nỡ lòng chạy trốn! Lãng mạn để rồi “giật mình bật khóc” trước "cái rét đầu đông”. Cô quạnh và bàng hoàng. Có lẽ cái rét thiếu những hạt mưa đầu mùa làm cho con người lay lắt, kỷ niệm chợt về kết thành cái giật mình đâu phải khách quan. Mỗi chiều tan học, hoa sữa trong con mắt đầy tâm trạng không còn rơi nữa mà chỉ lặng lẽ đếm bước chân dọc chiều đông buồn hun hút. Trúc Bạch giận hờn, chút giận hờn để con nước thả trôi câu lục bát; từ quán cóc vẹo xiêu dăm ba tiếng nhạc đến Hồ Tây với một câu Kiều... tất cả như rời rạc, mà dồn dập chồng chất cho nỗi buồn càng quắt quay trong cái rét đầu mùa - nỗi buồn vây bủa phủ kín Hà Nội.
Đằng sau cái giật mình bật khóc của cái rét đầu đông là sự giận hờn chồng chất những hình ảnh “câu lục bát”, “dăm ba tiếng nhạc”, “một câu Kiều”... Chồng chất nhưng tẻ nhạt. Các số từ cố diễn tả cụ thể lại càng làm mơ hồ, khó xác định - có phải đó chính là cảm giác chơi vơi của người có tâm trạng? Chắc chắn Hà Nội không thể tẻ nhạt, có chăng trước mắt là lăng kính tâm trạng, một tâm trạng chứa đầy kỷ niệm. Kỷ niệm bây giờ như dấu chấm tròn nằm lặng lẽ để khi vô tình động đến là “giật mình bật khóc”; để khi gom nhặt lại làm thành một tiếng buồn vọng mãi, dồn nén cho đến khi thốt thành lời: “Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu”.
Vì sao con nước thả trôi câu lục bát; vì sao hoa sữa thôi rơi... đến đây mới vỡ òa nhận ra. Cái nỗi niềm không thể tâm sự này làm sao giấu nổi! Cái gì làm cho con người ta không thể chạy trốn cái rét đầu mùa; cái gì làm cho “dấu chân buồn” lặng lẽ bước hoài trong chiều đông lạnh buốt... Phải chăng đó là nỗi nhớ?
Tám câu đầu mở ra để đi tới tận cùng, dồn vào bốn câu cuối mà trung tâm là chữ “NHỚ”. À, không! Tám câu đầu như cố phong toả tâm trạng nhưng “càng lắc càng đầy” - đầy mãi, để rồi sự chịu đựng không còn kiềm chế được, để ba chữ nhớ liên tiếp thốt ra mong làm vơi chút nỗi niềm. Bài thơ như dẫn người đọc bước mãi lên những bật tam cấp, nơi ấy chứa đựng một nỗi niềm tâm sự “ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa”. Giờ xa lắc nhưng gót hài xưa vẫn in lại nguyên hình để hiện tại chỉ còn là sự tồn tại vô nghĩa lý.
Nỗi nhớ cứ níu kéo tơi tả hồn người trở về với quá khứ, về cái “buổi chia tay mắt đầy hoa tím” - buổi chia tay mà cảnh vật như được thâu gọn trong đôi mắt đượm một màu hoa. Chia tay, gót hài chấm mãi lên ngõ hoa, xa dần... chỉ còn lại mùa đông lạnh vắng! Trong trống vắng ấy của Hà Nội, một mình lần theo dấu hài xưa đi tìm lại dáng dấp của người yêu trong từng quán cóc vẹo xiêu, từng hàng me giờ đã thành kỷ niệm, để nỗi nhớ chảy ngược về tim gõ nhịp theo bước chân buồn lặng lẽ. Cái thoáng se lạnh chớm đông càng làm cho hồn người rét buốt, gợi cho “Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa” ! Vì vắng nên Hà Nội nhớ, nỗi nhớ cứ dài ra như tiếng vọng một câu Kiều.
Ngoài kia gió đã chuyển mùa. Đọc bài thơ ngắn của Bùi Thanh Tuấn làm nỗi buồn cứ len lỏi, giọt cà phê cùng tiếng nhạc như giọt buồn, giọt nhớ rơi giữa Hồ Tây.