Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Làng của Kim Lân là một trong những truyện ngắn đặc sắc về đề tài người nông dân, về chủ nghĩa yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thần thánh xưa kia. Trong truyện, ta thấy được tình yêu làng xóm quê hương được nâng lên thành tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc sâu nặng trong tâm hồn những người nông dân bình dị, chân chất. Chuyển biến tốt đẹp đó chỉ có thể thấy được trong những hoàn cảnh nóng bỏng quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Truyện được tác giả viết vào những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nói về người nông dân nhưng chủ yếu câu chuyện xoay quanh nhân vật ông Hai, một lão nông cần cù, chất phác như bao nhiêu người khác. Chỉ có điều đáng nói là ông lão yêu làng quê mình chả giống ai, yêu bằng một thứ tình cảm rất riêng biệt.
Kim Lân đã nắm bắt được nét đáng quý đó để thể hiện một cách chân thực nhưng cũng rất độc đáo và thú vị trong truyện ngắn của mình. Ông Hai yêu cái làng Chợ Dầu của mình vô cùng, tình yêu đó khiến ông trở thành người thích khoe khoang. Cái gì của làng Dầu cũng hay cũng khéo, nào là con đường làng lát toàn đá xanh, trời mưa trời gió thì sạch mà trời nắng phơi rơm rạ thì chả cái gì bằng được, nào là cái sinh phần của cụ Thượng,… Có khoe như vậy, người dân nơi khác mới trầm trồ, mới thán phục. Trong tất cả các câu chuyện của ông luôn luôn có đề tài về nơi “chôn rau cắt rốn” và cũng chỉ khi ấy trông ông mới trở nên sáng sủa, tinh nhanh. Quả thật, niềm hãnh diện về chốn “quê cha đất tổ” ở con người này thật hồn nhiên, trong sáng.
Cách mạng về, đem đến cho mọi người cuộc sống mới, không còn áp bức bóc lột, người dân cày được làm chủ ruộng đồng, làng quê và nhận thức của những người nông dân như ông được mở mang, hiểu biết hơn xưa… Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng toàn thể dân tộc và tất cả những người dân quê như ông Hai. Ông sớm nhận thức ra được giá trị đích thực của làng quê mình, con người quê hương mình. Cho nên nếu có nghe ông khoe về làng Dầu bây giờ chúng ta cũng thấy thật hồ hởi, phấn chấn. Nào là khí thế cướp chính quyền, nào là tập tự vệ, đào hào, đắp ụ, chuẩn bị chiến đấu,… tấm lòng chân thực và niềm tự hào chân chính của ông đã thể hiện một bước chuyển mình sâu sắc của người nông dân từ tình cảm cục bộ, cá nhân với làng quê của mình hòa thành lòng quyết tâm đánh giặc, bảo vệ quê hương, giành độc lập cho đất nước.
Ông ý thức rằng việc rời làng đi tản cư, đưa người già, con trẻ ra khỏi vùng có chiến sự cũng là tham gia kháng chiến. Đang say sưa cùng bà con xóm giềng, đang hào hứng cùng anh em tự vệ, giờ phải xa làng đối với ông là một cực hình, cả ngày, ngoài công việc mưu sinh ra là lòng ông lại vời vợi nhớ về làng quê. Nỗi nhớ đó khiến ông buồn bực, bứt rứt khôn nguôi. Ông cáu gắt, cấm cửa bất cứ lúc nào có thể, ông đay nghiến, trách cứ toàn là những việc không đâu. Có lẽ chỉ khi sang nhà bác Thứ vào mỗi tối, ông Hai mới được toại nguyện.
Ở đó, ông được nói thỏa sức về chuyện kháng chiến, chuyện Cụ Hồ và dĩ nhiên quanh quẩn lại trở về với làng Chợ Dầu của mình… Được nói, được khoe đối với ông là một nhu cầu không thể thiếu được, dù rằng bác Thứ có nghe hay không cũng không quan trọng. Những tình cảm đáng quý đó đã làm nên nét đẹp thuần khiết trong tâm hồn của những người lao động nói chung và cũng là của nhân vật ông Hai nói riêng.
Nhưng phải đợi cho đến lúc ông Hai bộc lộ các cảm xúc buồn vui, yêu ghét một cách mạnh mẽ và quyết liệt của mình trước những tình huống bất ngờ xảy ra ta mới thấy hết được mức độ chuyển biến sâu sắc của người nông dân Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Bắt đầu bằng việc cái tin làng Chợ Dầu theo giặc làm Việt gian qua các người dân đi tản cư mang đến. Tiếp nhận tin dữ đó, ông nghe như tiếng sấm đột ngột nổ bên tai, “cổ họng ông nghẹn ắng hẳn lại” rồi tiếng nói của ông không thoát ra nổi để trở thành “rặn è è trong cổ”. Bên ngoài ông cố tỏ ra bình thường nhưng tâm hồn ông bấn loạn khiến da mặt “tê rân rân” của sự xấu hổ xen lẫn hoài nghi và đau khổ. Cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn, từ lời ăn tiếng nói đến cách cư xử hằng ngày. Hình như ông không muốn ai nhìn thấy sự xuất hiện của mình ở trên đời này, ông đầm ra hay suy luận, bán tín bán nghi… khó có ai thấy lại được con người lao động cởi mở, hồn hậu, ăn to nói lớn của ống trước kia nữa.
Ông đau đớn, tủi hổ vì cái làng mà ông tự hào trước đây đã có hành động xấu hổ, nhục nhã như vậy. Những ý nghĩ đen tối, những nỗi đau khổ vật vã túc trực trong ông. Mới trước đây còn thiết tha hướng về làng quê, chỉ lo không được trở lại làng nữa, vậy mà trong phút chốc ông đau đớn đi đến quyết định trái ngược lại: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Cuộc trò chuyện tâm tình với đứa con út và những giọt nước mắt của ông đã cho chúng ta thấy tình cảm gắn bó, yêu thương làng quê của người nông dân xưa kia không thể tách rời tình yêu Tổ quốc, lòng căm thù không đội trời chung với giặc Pháp xâm lược. Lúc này, yêu làng là phải sát vai, chung sức đánh đuổi quân thù để đất nước được giải phóng, quê hương được yên bình. Nếu làm ngược lại là hành động phản bội không thể tha thứ được !
Tình hình nghiêm trọng đến mức ông chủ tịch làng Chợ Dầu phải lên tận nơi tản cư của dân làng mình để cải chính. Nghe tin đó ai cũng mừng, riêng ông Hai như được hồi sinh, trẻ ra chục tuổi. Niềm vui đến khiến ông trở thành trẻ con, hai tay “cứ múa lên” mà khoe, ông cuống quýt chạy từ người này sang người khác mà nói, mà khoe, mà thanh minh, cải chính,… Có lẽ, ông là người duy nhất trên thế gian này đi khoe làng mình cháy hết cả và cả nhà ông cũng cháy hết sạch, không còn gì. Thoáng nghe thấy lạ lùng, nhưng có như vậy mới khiến ta vỡ lẽ ra, tất cả sự mất mát mà ông đang ra sức khoe kia lại là minh chứng hùng hồn nhất cho cái làng Chợ Dầu của ông đã đánh Pháp đến cùng.
Có thế mới bị chúng tàn phá dã man “cháy tàn cháy rụi” như vậy. Ông Hai cũng như mọi người nông dân Việt Nam khác sẵn sàng đánh đổi mọi thứ hay thà mất hết tất cả miễn sao đánh đuổi được quân thù, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Có vậy, ông mới mau được trở lại làng quê, lại có biết bao nhiêu thứ giỏi, thứ tài mà khen, mà khoe thoải mái ! Chuyển biến sâu sắc này là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính mà ông Hai cũng như những người nông dân ở mọi làng quê Việt Nam đã bộc lộ.
Bên cạnh nhân vật chính, chúng ta còn thấy nhiều người nông dân khác cũng thể hiện tấm lòng của mình. Dù ít hay nhiều, dù thoáng qua hay đầy góc cạnh… họ cùng tô điểm cho truyền thống yêu nước của người nông dân nói riêng hay của người Việt Nam nói chung. Một mụ chủ nhà ngoa ngoắt, tham lam nhưng khi kháng chiến nổ ra đã tự nguyện sẻ nhà sẻ cửa cho người tản cư. Vậy mà sẵn sàng đuổi khéo khi nghe tin làng quê của họ theo giặc phản bội nhân dân, phản bội Tổ quốc. Một ông chủ tịch xã lặn lội bao nhiêu đường đất, không quản nguy hiểm để đưa tin cải chính, bảo vệ thanh danh cho quê hương mình, đảm bảo tiếng tốt cho dân làng mình.
Không coi trọng tình cảm đối với kháng chiến, với cách mạng thì sao đủ dũng cảm làm như thế được ! Một câu chửi bâng quơ của người đàn bà tản cư dừng chân cho con bú cũng nói lên được tấm lòng sâu sắc của họ với đất nước: “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó ! Đói khổ ăn cắp, ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát !”. Những cử chỉ của họ tuy khác nhau nơi việc làm nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước ghét giặc. Như vậy, bất kể người già hay trẻ, bất kể phụ nữ hay nam giới, cuộc kháng chiến chống Pháp đã lôi cuốn họ hoà vào dòng thác cách mạng để họ có điều kiện đem “thứ của quý” đó ra khỏi rương hòm và có dịp “trưng bày trong tủ kính hay bình pha lê” như lời Hồ Chủ tịch đã nói.
Tác phẩm đã nói lên sự mở rộng và thống nhất của tình yêu quê hương trong tình yêu đất nước và đó cũng là nét mới trong nhận thức và tình cảm của người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa. Họ đã cùng với nhân dân cả nước tô điểm cho trang sử oanh liệt chống ngoại xâm của cha ông ta.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |