Câu 3:
- Chỉ huy cuộc kháng chiến chống ở thành Hà Nội (1882) là Tổng Đốc Hoàng Diệu
- Sáng 25-4-1882, Rivie gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, đòi ông phải giao thành cho chúng. Đến 10 giờ, quân Pháp bắt đầu nổ súng. Lúc đó, Hoàng Diệu mặc dầu đang ốm vẫn cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng dẫn đầu tướng sĩ xông lên mặt thành đánh giặc. Ông cho đóng chặt cửa Đông và cửa Bắc để dồn quân vào giữ cửa Nam và cửa Tây. Đến khi quân Pháp xông lên mặt thành thì một cuộc ác chiến nổ ra. Một viên hiệp quản bắn chết một sĩ quan Pháp được Hoàng Diệu thưởng tại trận 30 lạng bạc khiến cho quân sĩ càng nức lòng. Trận chiến tiếp diễn đến 11 giờ trưa thì kho thuốc súng trong thành nổ tung làm cho tinh thần quân sĩ hoang mang. Thừa lúc rối ren, quân Pháp dồn lực lượng đánh cửa thành phía Tây và phía Bắc. Giặc ùa vào bên trong, quân ta tan rã. Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu quay về dinh, mặc triều phục chỉnh tề, vào hành cung bái vọng mà khóc “Sức thần đã hết rồi” và thảo một tờ biểu gửi vua Tự Đức: “Thần là một kẻ thư sinh biết đâu việc binh bị mà bệ hạ giao cho chức vụ quá trọng. Làm sao tin được lòng giặc nên thần lo sửa soạn đề phòng. Việc chưa xong thì binh Pháp kéo đến… Một mình thề với Long thành, nguyện theo Nguyễn Tri Phương nơi suối vàng vậy”. Sau đó, để bảo toàn khí tiết, ông đến bên cây đa trước cửa Võ miếu thắt cổ đúng vào giờ Ngọ, ngày mùng 8 tháng Ba năm Nhâm Ngọ (25-4-1882).
Được tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, nhân dân Hà Nội vô cùng thương tiếc. Ngay hôm sau, dân tập trung và rước quan tài của Hoàng Diệu an táng tại khu vườn dinh Đốc học (nay là phố Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội). Trong lễ tang, các sĩ phu ở Hà Nội có bài điếu:
Cô thành chống giữ một mình thôi
Khảng khái như ông được mấy người
Cựu lục nghìn năm gương tiết dọi
Cô thần một chút tấm trung phơi
(…)
Nghìn thủa Nùng Sơn nêu chính khí
Anh hùng đến thế lệ cùng rơi.
Còn vua Tự Đức, ngay sau khi nhận được biểu trần tình của Hoàng Diệu, đã ra chỉ dụ khen ngợi và sai các quan tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định lo việc chuyển mộ ông về quê hương Quảng Nam vào mùa thu năm đó. Em trai Hoàng Diệu là Hoàng Chấn, khi đó đang làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định) đi theo hộ vệ quan tài. Tự Đức sai quan tỉnh Quảng Nam ban một tuần tế, lại cấp 1.000 quan tiền nuôi bà mẹ của Hoàng Diệu.
Ca ngợi khí tiết của vị Tổng đốc anh hùng, một vị túc Nho tại Hà Nội đã soạn bài Hà Thành chính khí ca. Ông còn được người Hà Nội thờ tại miếu Trung Liệt, bên gò Đống Đa. Đền còn câu đối ca ngợi công đức Hoàng Diệu:
Kia thành quách, kia non sông trăm trận phong trần còn thước đất,
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, tên Hoàng Diệu được đặt cho một đường lớn và đẹp của Thủ đô. Đường Hoàng Diệu dài 1.340m, từ phố Phan Đình Phùng đến phố Nguyễn Thái Học, vốn là đường hào cạnh phía Tây hành cung thành Hà Nội đời Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, tên ông được đặt cho Hà Nội, gọi là thành Hoàng Diệu. Ngày 20-12-2003, thành phố Hà Nội cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trên vọng lâu cửa Bắc. Tại đây, có tượng đồng hai vị tổng đốc đã dũng cảm đánh Pháp giữ thành năm 1873 và 1882 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cung tiến. Đền treo bức hoành “Nghĩa liệt anh hùng” và đôi câu đối của GS Vũ Khiêu:
Trung vi quốc, nghĩa vi dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt,
Sinh ư Nam, tử ư Bắc, thiên thu chính khí vượng sơn hà.
Tạm dịch nghĩa:
Trung với nước, hiếu với dân, tấm lòng son sáng tựa mặt trời, mặt trăng,
Sinh ở Nam, mất ở Bắc, khí tiết nghìn năm sau vẫn rạng rỡ nước non này.