Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu dựng nước, xây dựng lên nền móng của đất nước Việt Nam ngày nay. Trong truyền thuyết còn lưu truyền những câu chuyện sinh động về việc Vua Hùng dạy dân làm ruộng, trồng lúa nước, Vua tôi cùng nhau săn bắn xẻ thịt thú rừng, thui trên dàn lửa, ăn uống vui vẻ không phân biệt sang hèn, chuyện Vua Hùng thứ 6 cầu người hiền tài giúp nước - kể về Thánh Gióng đánh giặc Ân và Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày. Những chuyện kể dân gian còn lưu truyền đến ngày nay cho chúng ta thấy, một thời kỳ văn minh trong buổi đầu dựng nước của dân tộc. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đến thời đại Hồ Chí Minh chúng ta đã từng bước phát hiện ra những di chỉ khảo cổ học để chứng minh thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử - là bước tiếp nối quá trình phát triển của lịch sử hình thành con người trên đất nước Việt Nam. Chúng ta không những tự hào vì co một thời đại mở đầu dựng nước, mà còn tự hào hơn vì Việt Nam là một trong những quê hương phát tích của loài người. Những chứng tích tìm thấy về thời đại đồ đá ở Thanh Hoá, Hoà Bình, Lạng Sơn đến Sơn Vi, Lâm Thao, cho chúng ta thấy cả quá trình phát triển của con người nguyên thuỷ trên đất nước Việt Nam từ thời đồ đá cũ sang đồ đá mới và tiếp theo con người tiến bộ hơn đã phát hiện ra đồ đồng và đồ sắt qua những di chỉ khảo cổ ở Phùng Nguyên, Gò Mun (Lâm Thao), xóm Rền Gia Thanh - (Phù Ninh) và đặc biệt là ở làng Cả, Thanh Đình (Việt Trì)...
Thời đại Hùng Vương là bước tiếp nối của thời kỳ thị tộc bộ lạc sang thời kỳ có sự phân hóa giai cấp và xuất hiện nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay chúng ta chưa thể xác định chính xác thời đại Hùng Vương tồn tại bao nhiêu năm. Theo ngọc phả Hùng Vương còn lưu truyền đến ngày nay thì 18 đời Hùng Vương kéo dài trên 2000 năm. Còn một số nhà sử học dự đoán thời đại Hùng Vương tồn tại từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên.
Chúng ta có thể biết được vương triều cuối cùng của Hùng Vương là lúc nhường ngôi cho Thục Phán - để lập nhà nước Âu Lạc. Sau đó một thời gian ngắn đất nước ta rơi vào ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, tới 10 thế kỷ. Còn thời gian chuyển tiếp từ thời kỳ thị tộc - bộ lạc hình thành nên Nhà nước chưa có thể tính toán chính xác được. Đây là thời kỳ chuyển tiếp của phương thức sản xuất kiểu phương Đông như Các Mác gọi là “Phương thức sản xuất Châu Á”, khác biệt với sự hình thành chế độ chiếm hữu nô lệ của phương Tây.
Cho đến nay, qua những nguồn sử liệu của các sử gia phong kiến và dựa trên cơ sở những thành tựu của ngành Sử học cho chúng ta thấy được những điều kiện kinh tế, xã hội của thời kỳ mở đầu dựng nước của dân tộc. Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống ngoại xâm và việc trao đổi kinh tế văn hóa ngày càng được đẩy mạnh giữa những bộ lạc gần gũi nhau về dòng máu có xu hướng tập hợp lại, thống nhất với nhau. Thủ lĩnh bộ Lạc Việt dựng lên nước Văn Lang. Ông xưng Vua, sử gọi là Hùng Vương và truyền được 18 đời. Hùng Vương là những thủ lĩnh của thời kỳ Việt Nam bắt đầu dựng nước.
Lãnh thổ sinh trưởng đầu tiên của tổ tiên ta là miền Bắc Việt Nam. Đất không rộng lắm, người chưa đông lắm, nhưng đã có đủ điều kiện để dựng nước, có đủ điều kiện sinh tồn và phát triển.
Thời đại Hùng Vương là thời kỳ mở đầu dựng nước, mặc dù trình độ kinh tế, văn hóa và tổ chức xã hội còn ở mức sơ khai, nhưng trong quá trình phát triển của lịch sử đã tạo dựng nên những truyền thống quý báu của dân tộc ta: Cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đoàn kết để chiến thắng thiên tai địch họa và dũng cảm kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm... Những truyền thống quí báu đó là nguồn sức mạnh giúp dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn thử thách trong thời đại ngày nay, để chiến thắng kẻ thù xâm lược và xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh, có vị thế trên trường quốc tế.
Nhìn nhận về thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc, sách lịch sử Việt Nam của nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1971 có viết: “Thời kỳ Văn Lang, thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn trọng yếu của lịch sử Việt Nam. Chính trong thời kỳ này đã xây dựng nền tảng dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống tinh thần Việt Nam”.
Để tôn vinh thời đại mở đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam, cha ông ta từ lâu đã xây dựng lên các đền đài thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Ngày nay Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đầu tư tu bổ tôn tạo các ngôi đền thơ Vua Hùng và xây dựng thêm các ngôi đền mới để thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước. Đồng bào cả nước đã và đang công đức tiền bạc, công sức và trí tuệ để tham gia tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang to đẹp - nhằm tri ân công đức Tổ tiên và xây dựng Đền Hùng xứng tầm với một thời đại mở đầu dựng nước.
Được sinh ra trên đất nước Việt Nam - là con Hồng cháu Lạc, chúng ta tự hào có một ông Tổ chung là các Vua Hùng. Hàng năm cứ đến ngày mồng 10-3 Âm lịch con cháu lại nô nức trẩy hội Đền Hùng. Chính vì thế trong dân gian truyền tụng mãi câu ca:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Hội Đền Hùng năm nay có rất nhiều nét đổi mới, mời gọi con cháu Lạc Hồng cùng về dự, thắp nén hương thơm trên bàn thờ Tổ và đóng góp công đức để tri ân công đức Tổ tiên.
Nguyễn Tiến Khôi