Bắc Phi bao gồm 7 quốc gia: Tunisia, Algérie, Ai Cập, Libya, Maroc, Sudan, Tây Sahara.
Địa hình[sửa | sửa mã nguồn]
Địa hình
Dãy núi Atlas, kéo dài từ Maroc sang bắc Algérie và Tunisia, là một phần của hệ thống núi chạy dọc theo khu vực Nam Âu. Các đỉnh núi hạ dần độ cao ở phía nam và phía đông, trở thành vùng bình nguyên trước khi gặp sa mạc Sahara, che phủ hơn 90% diện tích khu vực. Cát của sa mạc Sahara phủ lên 1 bình nguyên đá hoa cương cổ có tuổi đời hơn 4 tỷ năm
Con người[sửa | sửa mã nguồn]
Mật độ dân số châu Phi (2000)
Cư dân sống ở Bắc Phi thường được chia theo các khu vực lý: vùng Maghreb, vùng thung lũng sông Nile và vùng Sahara. Toàn bộ vùng tây bắc Phi được cho là do người Berber sinh sống kể từ khi có sử thành văn, trong khi vùng đông của Bắc Phi là nơi sinh sống của người Ai Cập, người Abyssin (hay người Ethiopia) và người Nubia (tổ tiên của người Sudan). Sau khi bị người Ả Rập Tôn giáo chinh phục vào thế kỷ VII, vùng này trải qua một quá trình Ả Rập hóa và Hồi giáo hóa có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa của vùng.
Văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]
Cư dân ở vùng Maghreb và Sahara nói nhiều thổ ngữ thuộc tiếng Berber và tiếng Ả Rập khác nhau, và gần như toàn bộ theo Hồi giáo. Nhóm ngôn ngữ Berber và nhóm ngôn ngữ Ả Rập có quan hệ xa với nhau, đều là những thành viên của hệ ngôn ngữ Á Âu. Các thổ ngữ ở Sahara ít thay đổi hơn so với những thành phố ven bờ biển. Sau nhiều năm, người Berber chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác mà họ có liên hệ: Nubia, Hy Lạp, Phoenicia, Ai Cập, Ethiopia, La Mã, Vanda, Ả Rập và sau này là châu Âu.
Nền văn hóa của vùng Maghreb và Sahara do đó là sự kết hợp giữa văn hóa Berber bản xứ, văn hóa Ả Rập và những yếu tố của các nền văn hóa châu Âu, châu Á và châu Phi lân cận. Ở Sahara, sự khác biệt giữa những cư dân sống ở ốc đảo và dân du mục Bédoin và Tuareg là một trong những điểm nhấn quan trọng của văn hóa vùng.
Những chủng người phức tạp ở Sahara thường được phân chia theo chủng tộc và ngôn ngữ. Ở vùng Maghreb, nơi người Ả Rập và người Berber sống trộn lẫn với nhau, sự phân chia này có thể không được rõ ràng. Một số người Bắc Phi nói tiếng Berber có thể được xác định là người Ả rập tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội và chính trị, mặc dù một số lớn người Berber vẫn giữ nguyên những nét văn hóa điển hình của họ trong thế kỷ XX.
Những người sống ở vùng tây bắc châu Phi nói tiếng Ả Rập, dù có nguồn gốc thế nào, thường gắn với văn hóa Ả Rập và chia sẻ cái nhìn chung với thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn họ giữ nguyên lòng tự hào với phần nguyên gốc Berber trong di sản của mình. Trong khi đó, những nhà hoạt động văn hóa và chính trị của Berber, vẫn xem những người sống ở tây bắc châu Phi về nguyên tắc là người Berber, dù cho họ nói tiếng Berber hay tiếng Ả Rập.
Thung lũng sông Nile ở phía bắc Sudan là nơi ra đời của những nên văn minh cổ đại như Ai Cập và Kush. Người Ai Cập qua nhiều thế kỷ đã chuyển đổi ngôn ngữ của họ từ tiếng Ai Cập sang tiếng Ai Cập Ả Rập hiện đại (cả hai đều thuộc hệ ngôn ngữ Á Âu), trong khi vẫn duy trì những bản sắc văn hóa lịch sử vốn đã tách biệt họ hẳn với các nhóm cư dân khác trong vùng.
Hầu hết cư dân Ai Cập là những người Hồi giáo Sunni và có một thiểu số khá quan trọng người Thiên chúa giáo Ai Cập có mối quan hệ lịch sử sâu sắc với Chính thống giáo Ethiopia. Ở vùng Nubia, kéo dài từ Ai Cập sang Sudan, phần lớn dân số nói tiếng Nubia cổ, nhưng cũng theo đạo Hồi. Phần phía bắc Sudan chủ yếu gồm cư dân Hồi giáo Ả Rập, nhưng xa hơn về phía nam thung lũng sông Nile, khu vực văn hóa phi Hồi giáo của cư dân Nilotic và Nubia bắt đầu. Sudan là đất nước lớn nhất và đa văn hóa nhất trong tất cả các quốc gia Bắc Phi.
Bắc Phi trước đây có một số lượng dân Do Thái khá lớn, rất nhiều người trong số đó di cư sang Pháp hoặc Israel khi các quốc gia Bắc Phi giành được độc lập. Một số nhỏ hơn di cư sang Canada. Trước khi nhà nước Israel hiện đại được thành lập, có khoảng 600.000-700.000 người Do Thái ở Bắc Phi, bao gồm người Sfardīm (những cư dân di cư từ Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ thời Phục hưng) cũng như người Do Thái Mizrāhîm bản xứ. Ngày nay, chỉ còn không tới 15.000 người Do Thái trong vùng, hầu hết sống ở Maroc và Tunisia.
Giao thông và công nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Nền kinh tế của Algérie và Lybia đã thay đổi kể từ khi dầu và khí đốt tự nhiên được tìm thấy ở sa mạc. Ngành xuất khẩu lớn nhất của Maroc là phosphat và các sản phẩm nông nghiệp, và ở Ai Cập và Tunisia, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất. Ai Cập có nhiều khu công nghiệp lớn, nhập khẩu kỹ thuật từ nước ngoài để phát triển các ngành công nghiệp điện tử và chế tạo, đồng thời nổi tiếng là một nhà xuất khẩu bông vải chất lượng cao.
Những giếng dầu nằm rải rác ở các vùng sa mạc thuộc Libya và Algérie. Dầu mỏ của Libya đặc biệt có giá vì có hàm lượng lưu huỳnh thấp, đồng nghĩa với việc gây ra ít ô nhiễm hơn so với các loại dầu mỏ thường.