Như Xuân Diệu: “chính tâm hồn bên trong của con người qui tụ cảnh vật bên ngoài vào quanh một cái trục, biến vật vô tri thành ra xúc cảm, tình cảm”. Cần phải nói thêm rằng, cái hay của thơ Khoa nằm ở khả năng trực giác đến kỳ lạ được biểu đạt qua một thế giới ngôn từ lung linh, sống động và nhạc điệu đa âm, đa sắc.
Trần Đăng Khoa thuộc số hiếm những trẻ thơ làm thơ biết trọng chữ. Trừ đôi lúc ứng khẩu theo cảm tính, Khoa ý thức rất đầy đủ khả năng biểu đạt của ngôn từ
Ấn tượng nhất ở thơ Khoa là nghệ thuật sử dụng và sáng tạo từ láy. Thơ cho thiếu nhi nói chung, từ láy xuất hiện nhiều làm cho thế giới thơ trở nên lung linh sống động. Nhưng dùng từ láy đến đậm đặc, phong phú và đầy sáng tạo có lẽ Khoa được xếp vào hàng số một. Trong tập Góc sân và khoảng trời, có tới 306 từ /105 bài (so với cả tập Những bài thơ em yêu của những nhà thơ lớn tuổi chỉ có 159 từ/100 bài). Điều đáng lưu ý là số lượng từ láy ấy không hề lặp lại.
Từ láy trong thơ Khoa có khả năng tượng hình, tượng thanh sống động, ấn tượng. Các từ láy ấy không chỉ diễn tả chính xác đặc điểm tự nhiên của từng loài vật, hiện tượng mà còn bộc lộ cái hồn của chúng. Vạn vật đang nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ huyền bí mà Khoa nghe được bằng trực giác hồn nhiên của mình.
Thơ Khoa đi tìm cái linh hồn ảo diệu của thiên nhiên, tạo vật qua sự sống của chính con người. Cho nên, ngôn ngữ thơ bao giờ cũng có một độ mở liên tưởng với các hình thức tu từ: nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, tượng trưng… rất bất ngờ.Vạn vật được nhìn qua con mắt tinh tế của sinh hoạt làng quê, tâm lý đời thường, Giữa người và vật cứ như có một sợi dây vô hình trong mối tương giao xúc cảm. Cây dừa không còn là dừa nữa mà mang vóc dáng người lính canh giữ cho đất trời bình yên. Mưa đâu chỉ là mưa mà là huyền thoại về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc. Chú dế mèn bên bờ tre vuốt râu biểu đạt đúng cái thần thái ung dung đĩnh đạc của con người Việt Nam trong chiến tranh…
So sánh trong thơ Trần Đăng Khoa khá đặc sắc làm nhiều nhà thơ lớn phải thán phục. Xuân Diệu rất cảm khái với hình ảnh này: Trăng ơi từ đâu đến/ Hay biển xanh diệu kỳ/ Trăng tròn như mắt cá/ Không bao giờ chớp mi. Nhà thơ từng viết về biển và trăng rất hay này phải thừa nhận rằng Khoa đã chạm đến tận cùng cái huyền bí của tự nhiên.
Nói đến thơ Khoa không thể không nói đến đặc sắc của nhạc điệu. Nhà thơ Phạm Hổ có nhận xét, thơ Trần Đăng Khoa với tập Góc sân và khoảng trời “có sự phong phú trong nhạc điệu, mỗi bài thơ, có một nhạc điệu riêng, âm sắc riêng”. Nhạc điệu là cấp độ siêu ngôn ngữ, thế giới âm thanh của ký hiệu ngôn từ. Nhạc điệu góp phần tạo hình, tạo nghĩa cho tác phẩm thơ.
Nhạc điệu có cơ sở từ cấu trúc của thể thơ. Ấn tượng nhất là thể thơ nhịp ngắn 2, 3 hoặc 4, 5 chữ. Âm điệu réo rắt, rộn ràng của lối thơ ấy như ảnh hưởng từ những khúc đồng dao trong trò chơi tuổi nhỏ của Khoa.
Nhạc điệu trong thơ Khoa không chỉ là giai điệu của tâm hồn mà còn có khả năng tạo hình, tạo nghĩa tinh tế. Âm hưởng chung của bài thơ vừa mang cái hồn nhiên, khoẻ khoắn của đồng dao, vừa có tiết tấu khác hẳn. Nó phá vỡ mọi cấu trúc đơn điệu của đồng dao, mở ra một thế giới thanh âm phức hợp nhiều bè, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan, lúc mạnh lúc nhẹ, khi tắt khi vang.
Việt Nam là đất nước sản sinh không ít những đứa trẻ biết làm thơ. Tương truyền, thời xưa đã từng có những thần đồng thi ca như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn… Gần đây là Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Bá Dậu, Phan Thị Vàng Anh… Nhưng để thành một nhà thơ thực sự với những thành công xuất sắc ngay từ thời thơ ấu, có lẽ chỉ có mỗi mình Trần Đăng Khoa. Góc sân và khoảng trời là tập thơ nhỏ nhắn nhưng trong đó chứa đựng bao nhiêu vẻ đẹp lớn lao của nghệ thuật. Cả đời làm văn chương của mình, đến lúc, ông Trần Đăng Khoa hiện tại phải nghiêng mình kính phục em bé Khoa ở góc sân và khoảng trời ngày trước.