Cách mạng tháng Tám thành công đã đem đến một “làn gió mới cho dân tộc ta, lật trang sử đất Việt sang một trang mới. Đất nước đổi khác, xã hội cứ theo đà mà ngày một tiến lên, con người Việt Nam cũng từ đó mà thay đổi. Từ những con người nông nghiệp, lam lũ vất vả, cả đời gắn bó nơi mảnh ruộng làng quê, sau lũy tre làng rì rào trong gió, giờ đây – khi đất nước đổi mới, họ đã thực sự ý thức được thế nào là tự do – tự chủ, lòng tự tôn dân tộc. Ở những người nông dân chân chất, mộc mạc đó xuất hiện một tình cảm mới, một thành quả tất yếu mà cách mạng đem đến: lòng yêu nước, yêu quê hương, làng xóm. Điều này – sự đổi thay đó được thể hiện rất rõ qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân. Ông đã đưa tình yêu làng lên tình yêu nước, gắn tình yêu làng với tình yêu cách mạng, nét giống đó mang vẻ đẹp tư tưởng mới ở người nông dân, đã đưa nhân vật ông Hai lên vị trí một điển hình người nông dân trong buổi giao thời mớ cũ”.
Nhân vật ông Hai là một điển hình của người nông dân trong buổi giao thời mới cũ, tức là trong buổi đầu của kháng chiến chống Pháp. Ông Hai là một lão nông nghèo, sống trong thời kì mà đất nước ta đang còn đang tồn tại song song hai chế độ: phong kiến và thực dân. Là một con dân của đất Việt, ông cũng như bao người dẫn thời bấy giờ, “một cổ mà phải chịu hai tròng”, sống kiếp nô lệ, lầm than. Khi đất nước ta khởi động phong trào chống bọn thực dân xâm lược, ông Hai đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, giác ngộ ra chân lí của cách mạng, ông hiểu rằng việc nước có yên thì việc nhà mới ổn. Trong ông, tình yêu làng quê, xóm giềng luôn gắn bó chan hoà với tình yêu đất nước, một lòng một dạ trung hiếu với cách mạng, với Cụ Hồ. Đó là một vẻ đẹp tư tưởng mới mà chỉ những người nông dân trong thời kì này mới có – những con người đã được ánh sáng cách mạng soi sáng, mở đường chỉ lối thoát khỏi cuộc sống khổ sai, nô dịch.
Tình làng nghĩa xóm là một tình cảm sâu nặng thiêng liêng và là đặc trưng của mỗi người Việt Nam, nhất là đối với người nông dân; những con người mà cả cuộc đời gắn bó với làng quê, với lũy tre làng, giếng nước, gốc đa.,. Cuộc sống của những con người đó là ở làng xóm, quê hương mình.
Chính là mạng sống, là những gì thân thương nhất của cuộc đời họ. Ở ông Hai, tình yêu làng cũng giống như mọi người, nhưng lại rất riêng ở mức độ là một người nông dân suốt cuộc đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, từng nếp nhà thửa ruộng, từng ngọn cỏ, cành cây và biết bao người ruột thịt, xóm giềng, họ hàng gần xa, vậy mà giờ đây vì giặc ngoại xâm, ông Hai phải xa rời quê hương đi tản cư, sống nhờ nơi đất khách quê người. Do đó, lòng ông luôn đau đáu nhớ về quê hương. Để thoả nỗi mong nhớ ấy, ông Hai suốt ngày khoe về làng mình, khoe đến mức “nghiện” được khoe làng. Tối nào ông Hai cũng sang nhà bác Thứ – một người dân tản cư khác để khoe về làng mình, ông không ngớt lời khoe những cái đẹp, điều hay ở quê hương mình, ông khoe làng ông đẹp nhất nhì thiên hạ, đường làng phong quang, sạch sẽ, cái cổng làng rộng như cái cổng thành. Nào là làng ông là làng sầm uất nhất tỉnh, nào con đường làng toàn lát đá xanh, trời mưa đi bùn không dính gót. Ông khoe với cái giọng “say sưa và náo nức”, cái mặt thì”biến chuyển”, “quần vén lên tận bẹn, không cần để ý đến thái độ của người nghe, chỉ nói cho sướng miệng” và “cho đỡ cái nỗi nhớ làng”. Tính hay “khoe” này cho thấy ông rất tự hào về làng xóm của mình, làng Chợ Dầu thân yêu, tình yêu làng, của ông có thể nói là “nồng nhiệt, thiết tha” nhất!
Nếu như trước Cách mạng, ông Hai chỉ yêu làng mình với những gì cụ thể, hiện hữu nhất, quen thuộc với đời sống sinh hoạt của làng xóm. Ông tự hào về tất cả những gì mà làng xóm mình có, thậm chí ông còn khoe cả cái sinh phần – cái lăng mộ – của viên quan tổng đốc người làng, mặc dầu dân làng ông đã vì nó mà đổ bao mồ hôi xương máu. Thì sau Cách mạng, trong kháng chiến mọi cảm xúc về làng quê của ông đều sống vội đời sống chiến đấu của làng mình, của cả dân tộc. Những khát khao, tự hào, sung sướng của ông đều gắn với cuộc sống kháng chiến.
Ông Hai thường hay nhớ lại những ngày tháng cả làng ông chuẩn bị kháng chiến: đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá, ông cũng hát hỏng, cũng bông phèng, cũng đào, công cuốc mê man suốt cả ngày như thời trai trẻ “ồ, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra”, “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!”.
Ông Hai còn thích nghe tin tức, thích nói chuyện chính trị ông ghét người đọc báo bằng mắt vì khổ nỗi, ông đọc chữ khó khăn lắm nên ông thích những người đọc to, rõ ràng, cho mọi người nghe thấy. Điều này, thể hiện niềm khát khao được biết, được hiểu. Ông muốn tìm hiểu những thông tin hay về kháng chiến, những thông tin cập nhật nhất về việc chiến đấu của quân dân ta. Nghe tin quân ta giành được nhiều thắng lợi mà “ruột gan ông cứ múa cả lên”, quan điểm cách mạng của ông là tích tiểu thành đại, dần dà sẽ thắng được bọn thực dân “làm gì mà rồi thằng Tây không bước sớm”.
Ông khoe và tự hào về hào giao thông làng mình được phân bố rộng, chặt chẽ. Người dân trong làng thì hăng hái tham gia kháng chiến, nào là đào đường, đắp ụ... công việc có ích cho cách mạng, phục vụ công cuộc chiến đấu là làm tất! Cả làng làm, người người làm từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều hăng say làm việc, đoàn kết, giúp đỡ nhau. Ông còn tự hào về phòng phát thanh tuyên truyền vừa rộng, vừa sạch, nơi đầy có đủ loại sách báo, cập nhật những tin tức mới nhất về kháng chiến cho người dân. Cho đến khi được giải toả nỗi đau đớn, nghi ngờ về danh dự của làng Chợ Dầu khi nghe tin làng quê ông phản bội. Ông đã sung sướng biết nhường nào! “Cái mặt buồn thỉu mỗi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy...”. Ông tất bật đi chia quà cho con rồi lại “lật đật” đi “khoe”, “bô bô” khoe mọi người cái tin làng ông bị đốt nhẵn”, nhà ông bị “đốt nhẵn”. Ông đã sung sướng thông báo rằng: “Tây nó đốt nhà tôi rồi”. Nội dung lời “khoe” của ông có vẻ vô lí vì không có thể vui mừng trước cảnh làng của mình, nhà của mình bị giặc tàn phá, nhưng lại hoàn toàn chân thực. Dường như đối với ông lúc ấy cái sự việc phũ phàng kia là một chứng minh hùng hồn nói với mọi người rằng làng quê ông đã dũng cảm chiến đấu chống quân thù, căn nhà ông bị cháy, bị thiêu huỷ, đã như một dũng sĩ anh hùng ngã xuống vì sự nghiệp chung, là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự trong sạch của quê hương ông. Hành động của ông Hai nổi lên rằng: những mất mát về vặt chất ấy chẳng thấm vào đầu sò với niềm vui tinh thần mà ông được đón nhận, làng ông vẫn là làng kháng chiến, vẫn là niềm tự hào, kiêu hãnh của ông. Ta có thể hiểu được niềm sung sướng, tự hào của một con người đã xoá bỏ hết mọi nghi oan, ngờ vực với “nơi chôn rau cắt rốn” của mình. Đặc biệt khi ông Hai lại có tình yêu làng sâu sắc đến vậy! Nghe tin cải chính mà lòng ông như trút được gánh nặng, giải tỏa mọi nỗi lo toan, sợ hãi, thất vọng, bế tắc của ông.
Ông Hai yêu làng đến vậy, ông luôn tự hào về làng mình đẹp, rộng, thoáng mát, hơn nữa làng Chợ Dầu quê ông lại là làng kháng chiến, một lòng một dạ với cuộc chiến giành độc lập, tự do của dân tộc. Nhưng khi nghe làng ông đi theo Tây, phản bội lại cách mạng, phản bội lại Cụ Hồ ông đã rất đau xót, khổ tâm.
Yêu quê hương đất nước; ông không muốn rời xa làng quê của mình đi sơ tán, ông muôn trụ bám cùng ngôi làng thân yêu. Do hoàn cảnh bắt buộc phải đi nhưng ông Hai có lúc cảm thấy xấu hổ, mặc cảm mình là người chạy trốn, không ở lại với làng, ở lại với anh em đồng bào để cùng chiến đấu vì thế ông thường gắt gỏng những chuyện không đâu. Chỉ khi nghe cán bộ nói “đi tản cư âu cũng là kháng chiến”, đi tản cư cũng là ủng hộ cách mạng, ủng hộ Cụ Hồ, ông Hai mới thoả nỗi lòng. Điều này cho ta thấy ước muốn trực tiếp tham gia kháng chiến đó cũng là biểu hiện cao độ của tình yêu làng.
Đặc biệt, tình yêu quê hương đất nước càng sâu sắc hơn, khi ở nơi tản cư, ông nghe tin làng ông theo Tây. Mới đầu nghe những người tản cư nói giặc qua làng Chợ Dầu, “ông Hai quay phắt lại lắp bắp hỏi” chắc hẳn trong đầu ông lão đang hi vọng làng anh hùng Chợ Dầu sẽ giết được nhiều giặc, lập nhiều chiến công như ông cũng vừa nghe trên báo. Thế nhưng từng lời của người đàn bà “Cả làng chúng nó Việt gian, Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi” như lưỡi dao cắt đứt từng khúc ruột ông. Như không tin vào hiện thực, ông hỏi lại với chút hi vọng nhỏ nhoi “Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại...”. Sự thật vẫn là sự thật dù ông cố tìm cách lảng tránh, trong lòng đầy tủi hổ. Ông lão đau khổ đến mức “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Cái nghèn nghẹn ấy phải chăng là sự uất ức, tức giận, ngạc nhiên không thể nuốt trôi? Về nhà, ông nằm vật ra giường “nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu..”. Lũ con ông có tội tình gì đâu cơ chứ, chúng chỉ là những đứa trẻ ngây thơ vô tội thế mà giờ đây, những đứa trẻ đó cũng mang danh là “Việt gian”. Chua xót thay! Ông Hai bắt đầu chửi thề, nhưng ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Ông đau khổ, tủi cực, ông lo không biết rồi tương lai của mình và gia đình sẽ như thế nào vì ai người ta chứa cái giống Việt gian! Suốt mấy hôm ông lão ở ru rú trong nhà, không đi đâu tới nửa bước, chỉ cần nghe người ta nói “Việt gian...” là ông lại chột dạ, lo lắng. Trong ông đang diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa niềm tự hào kiêu hãnh về quê hương với sự thất vọng, đau xót, tủi hổ, nhục nhã vì mang tiếng là dân của làng Chợ Dầu phản bội. Nếu như trước đây, tình yêu làng và tình yêu nước hoà quyện trong nhau thì lúc này, ông Hai buộc phải có sự lựa chọn. Đó không phải là một điều đơn giản vì với ông, làng Chợ Dầu đã trở thành một phần của cuộc đời, không dễ gì dứt bỏ, còn cách mạng lại là cứu cánh của gia đình ông, giúp cho gia đình ông thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Qua những ngày đấu tranh tư tưởng, đau đớn, dằn vặt, có lúc ông Hai đã nghĩ đến việc quay về làng, nhưng sau đó ông gạt ra ngay vì về làng là theo giặc, phản bội lại cách mạng, phản bội lại Cụ Hồ, cuối cùng ông Hai đã đi đến quyết định “Làng thà yêu thật, nhưng làng đã theo Tây mất rồi thì phải thù”. “Thù” – thù làng quê của chính bản thân mình là rất khó khăn mà lại thù cái mà mình yêu quý nhất, xem trọng nhất thì càng khó khăn hơn. Nhưng ông Hai đã quyết định, đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng. “Đưa tình yêu làng lên trên tình yêu nước, gắn tình yêu làng với tình yêu cách mạng, nét giống đó đã mang vẻ đẹp tư tưởng mới ở những người nông dân” Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Ông Hai đã được giác ngộ về ý thức làm chủ, về sự thuỷ chung với kháng chiến, với Cụ Hồ. Cuộc trò chuyện với đứa con út đã làm ông Hai vơi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong lòng và yên tâm hơn về quyết định của mình. “Anh em đồng chí biết cho bố con ông”, “Cụ Hồ trên đầu trên có xét soi cho bố con ông”, “Cái lòng của bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Chính vì không dám đơn sai mà ông Hai đã đi đến quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng đã theo Tây mất rồi thì phải thù”. Quyết định đó là sự giác ngộ của người nông dân sau Cách mạng tháng Tám, ý thức được rõ ràng mỗi người dân yêu nước là làm cho đất nước vững mạnh hơn.
Trong kháng chiến, những tâm trạng, những tình cảm ấy người dân Việt Nam nào chẳng có. Nhưng nó thường trực và trở thành sự hối thúc, bức bách, chi phối mọi tình cảm, đời sống hàng ngày của con người đến thế thì chỉ có riêng ở nhân vật ông Hai. Những nỗi đau, những niềm vui đó phản ánh chân thực, sinh động sự gắn bó máu thịt của ông với làng quê, với đất nước, với cách mạng. Ông đến với cách mạng, yêu cách mạng một cách tự nhiên là nhờ tình yêu làng đó, thật đúng như lời nhà văn I-li-a Ê-ren-bua đã nói, “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Chính sự hài hòa giữa tình yêu làng với tình yêu nước, tình yêu cách mạng mà nhân vật được nâng lên một vẻ đẹp mới, vừa truyền thống, vừa đầy tính dân chủ mới mẻ, mang một, tầm vóc mới cho người nông dân thời kháng chiến chống Pháp. Tình cảm, mối quan hệ giữa tình yêu làng, tình yêu đất nước, cách mạng là một tình cảm rất điển hình của người Việt Nam lúc bấy giờ. Chính nó cũng tạo sức sống riêng, đánh dấu mốc quan trọng trong đề tài người dân quê quen thuộc của nhà văn Kim Lân.
Ý thức được trách nhiệm của bản thân trong cộng đồng, trong công cuộc chiến đấu chung của dân tộc là nét mới của người nông dân Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám. Vẻ đẹp của ông Hai làng Dầu tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam, tuy trình độ văn hoá thấp, nhưng đã có ý thức giác ngộ cao, tha thiết yêu quê hương, Tổ quốc. Với những suy nghĩ thật đúng đắn về cách mạng, ông Hai xứng đáng là một điển hình người nông dân trong buổi giao thời mới – cũ.