Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, con người muốn cải tạo được thế giới cần phải có những hiểu biết về nó, nhưng những hiểu biết ấy không có sẵn trong con người. Muốn có hiểu biết (tri thức), con người phải tác động vào thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở đó con người tích lũy được những tri thức kinh nghiệm. Tuy nhiên, những tri thức kinh nghiệm đó mới chỉ đem lại sự hiểu biết về từng mặt riêng lẻ, bề ngoài của sự vật. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Sự quan sát dựa vào kinh nghiệm tự nó không bao giờ có thể chứng minh được đầy đủ tính tất yếu”(1). Do đó, để hiểu được tính tất yếu, bản chất của sự vật, con người phải khái quát những tri thức, kinh nghiệm thành lý luận. Thực tiễn là cơ sở góp phần rèn luyện giác quan của con người, làm cho chúng phát triển tinh tế, hoàn thiện hơn. Trên cơ sở đó giúp con người nhận thức hiệu quả hơn, khái quát lý luận đúng đắn hơn. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người cũng cải biến chính bản thân, phát triển năng lực, trí tuệ của mình. Ph.Ăngghen viết: “…chính việc người ta biến đổi tự nhiên chứ không phải một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên”