Cuộc sống thật không đơn giản chút nào. Nó không phải là một giác mộng êm ả, càng không giống những điều trong cổ tích. Cuộc sống có thể đem lại cho ta nhiều thứ: cơ hội, tình yêu, hi vọng, vật chất, gia đình... Nhưng nó cũng đòi hỏi ở chúng ta rất nhiều sự cố gắng. Điều quan trọng và cần thiết là phải biết vượt qua tất cả những khó khăn để luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Tác giả của bài thơ trên đã mượn một hiện tượng có thực trong tự nhiên để xây dựng nên câu chuyện về lòng dũng cảm dám chấp nhận và dám vượt qua thử thách của con người. Nhìn những chú chim đang bay lượn tự do trên bầu trời kia, đừng tưởng rằng vốn khi sinh ra nó đã được trời phú cho khả năng ấy. Nếu không có những buổi đầu chấp chới tập bay, những ngày đầu vượt qua sợ hãi thì không bao giờ chúng có thể hoàn thiện hết được khả năng mà tạo hóa ban cho ấy. Những chú chim non trong bài thơ cũng đã phải vượt qua những nỗi sợ hãi như thế. “Ngoài kia chắc lạnh lắm” vì bầu trời bao la, ẩn chứa đầy bất trắc sẽ không thể ấm áp bằng cái tổ ấm êm nơi chúng vẫn thường đang sống. Và còn nữa, khi đôi cánh kia chưa đủ cứng cáp và chưa từng một lần được thử sức giữa bầu trời, nỗi sợ hãi mình sẽ không thể bay là một điều đương nhiên. Và bởi vậy, dù chim bố có dùng mọi lời lẽ để khuyến khích: “Hãy ra khỏi tổ, các con”, “hãy bay, đợi đến khi nào nữa”, “dũng cảm lên, đừng sợ” thì những chú chim non vẫn sợ hãi và đầy hoài nghi: “Có sao không hả cha?”. Tất nhiên, nếu như chúng không bay ra khỏi tổ, chúng sẽ không phải đối diện với những cái có “sao” như giá lạnh, gió rét, như những bất trắc khi tập luyện... nhưng chúng phải đốì diện với một cái “sao” lớn hơn đó là: sẽ không bao giờ biết bay cả. Và điều này thì thực sự là điều tồi tệ và đáng sợ hơn tất cả những điều khác trước đó. Không phải con chim bố trong bài thơ là một người tàn nhẫn. Nó chỉ đang làm công việc cần phải làm: rèn luyện cho những đứa con của mình vượt qua thử thách mà chính bản thân mình đã phải vượt qua trước đó. Để rồi, cuối cùng, mọi sự cố gắng cũng sẽ được đền đáp. “Và chim non biết bay”