Già hóa dân số là sự thay đổi phân bố dân số một nước theo hướng tăng cao tỉ lệ người cao tuổi. Điều này thường được phản ánh qua việc tăng độ tuổi bình quân và độ tuổi trung vị của dân số, giảm thiểu tỷ lệ trẻ nhỏ, và gia tăng tỷ lệ dân số trung niên. Tình trạng lão hóa dân số xảy ra khắp thế giới. Hiện tượng này diễn ra sớm nhất ở các nước có trình độ phát triển cao nhất, nhưng nay lại tăng nhanh hơn ở các vùng ít phát triển hơn, nghĩa là lượng người cao tuổi sẽ tập trung cao ở các vùng ít phát triển hơn trên thế giới.[3] Viện Lão hóa Dân số Oxford (Oxford Institute of Population Ageing), tuy vậy, kết luận rằng lão hóa dân số có sự giảm thiểu đáng kể ở Châu Âu và sẽ có những tác động lớn nhất vào tương lai Châu Á, đặc biệt bởi Châu Á đang nằm ở giai đoạn năm của mô hình dịch chuyển dân số.[cần dẫn nguồn]
Trong ba thập kỷ tới, tỉ lệ dân số là người cao tuổi sẽ dần tăng lên trên biểu đồ tháp dân số;[4] tuy nhiên, chỉ có vài nước biết được là liệu nhóm dân cư cao tuổi hơn sẽ sống phần đời còn lại trong điều kiện sức khỏe tốt hay xấu. "Rút ngắn giai đoạn suy kiệt" (tiếng Anh: compression of morbidity) với mong muốn giảm thiểu sự yếu kém của tuổi già,[5] trong khi kéo dài tuổi thọ lại đồng nghĩa với kéo dài tình trạng sức khỏe kém. Một giải pháp khác cho tình huống này là "cân bằng động" (tiếng Anh: dynamic equilibrium).[6] Đây là thông số sống còn cho các chính phủ nếu tuổi thọ tối đa gia tăng không ngừng, như nhiều nhà nghiên cứu tin tưởng.[7] Các bộ nghiên cứu sức khỏe gia đình, như Khảo sát Sức khỏe Thế giới (tiếng Anh: World Health Survey)[8] và Nghiên cứu về già hóa dân số và Sức khỏe người thành niên toàn cầu (tiếng Anh: Study on Global Ageing and Adult Health (SAGE)), của Tổ chức Y tế Thế giới được thực hiện để cung cấp bằng chứng cần thiết về sức khỏe và chế độ an sinh. Khảo sát này có sự tham gia của 308.000 người ở độ tuổi trên 18 và 81.000 người trên 50 tuổi đến từ 70 quốc gia khác nhau.
Nguyên nhân
Già hóa dân số gia tăng là hệ quả của hai tác nhân nhân khẩu học: gia tăng tuổi thọ và giảm thiểu năng lực sinh sản. Tuổi thọ con người gia tăng kéo theo sự gia tăng của độ tuổi trung bình do số lượng người cao tuổi tăng lên. Năng lực sinh sản giảm làm giảm sút số lượng trẻ em được sinh ra, và vì thế, tổng số người trẻ cũng giảm xuống. Trong hai nguyên nhân này, giảm thiểu năng lực sinh sản là tác nhân chính gây ra hiện tượng lão hóa dân số trên thế giới hiện nay.[9] Cụ thể hơn, tỷ lệ sinh con giảm sút mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ 20 chính là lý do quan trọng nhất của hiện tượng lão hóa dân số ở các nước phát triển trên thế giới. Bởi vì nhiều nước đang phát triển đang có những bước chuyển hóa sinh sản nhanh hơn, các nước này trong tương lai thậm chí sẽ phải trải qua quá trình lão hóa dân số nhanh hơn các quốc gia phát triển hiện nay.