ông Mê Công dài 4800 km, lớn thứ 12 trên thế giới bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng-Trung Quốc. Tổng diện tích toàn lưu vực là 795.000 km2, chảy qua sáu nước: Trung Quốc chiếm 21%, Mianma 3%, Lào 25%, Thái Lan 23%, Campuchia 20% và Việt Nam là 8%. Với diện tích lưu vực của từng quốc gia, thì tỉ lệ lượng nước mà sông Mê Công đem lại được chia như sau: Trung Quốc: 16%, Mianma: 2%, Lào: 35%, Thái Lan: 18%, Campuchia: 18%, Việt Nam: 11%.
Châu thổ sông Mê Công là vùng ngập lụt tính từ hạ lưu Kratie- Campuchia có diện tích 49.520 km2 trong đó diện tích châu thổ thuộc Việt Nam là 39.000 km2, chiếm tới 79%.
Ngày 5/4/1995, đại diện toàn quyền của Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Hiệp định Hợp tác phát triền bền vững lưu vực sông Mê Công tại tỉnh Chiềng Rai, Thái Lan.
Khuôn khổ thể chế hợp tác trong lưu vực sông Mê Công theo Hiệp định gọi là Úy hội sông Mê Công. Nhiệm vụ của ủy hội sông Mê Công là nhằm thúc đẩy, phối hợp quản lí và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng, bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách.
Lưu vực sông Mê Công thuộc lãnh thổ Việt Nam gồm các vùng lãnh thổ sau: 1. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): có diện tích 4 triệu ha, dân số hơn 17,4 triệu người (2006). Các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở ĐBSCL rất phong phú và có tầm quan trọng lớn đối với Việt Nam. Sông Mê Công chảy vào ĐBSCL chia thành hai nhánh sông: sông Tiền và sông Hậu.
2. Tây Nguyên: diện tích tự nhiên 5,47 triệu ha (gần 16,5% diện tích của cả nước) và tổng số dân 4,9 triệu người (2006), trong đó trên 30% là đồng bào dân tộc với 40 dân tộc anh em. Tây Nguyên nằm phía cuối dãy Trường Sơn nối liền với các vùng cao nguyên Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước và khu vực Đông Dương.