Khi con người sử dụng trang phục không chỉ để bảo vệ, giữ ấm cơ thể mà còn làm đẹp thì nhu cầu để quần áo luôn phẳng, đẹp mắt là nhu cầu thiết yếu. Có lẽ vì thế mà chiếc bàn ủi (bàn là) ra đời và dần trở thành một đồ dùng sinh hoạt phổ biến của mọi gia đình.
Tổ tiên của những chiếc bàn là hiện đại là dụng cụ ủi, là được người ta tìm thấy từ thời cổ đại. Từ thời Hy lạp, La Mã những nô lệ đã dùng thanh sắt hoặc gỗ để tạo ra những nếp gấp hay kéo phẳng trang phục của vua chúa, quý tộc. Có thể kể đến phát minh chiếc bàn là nhiệt đầu tiên của người Trung Quốc. Lúc này, bàn là giống như một cái muỗng thật to, người ta bỏ than hồng vào trong muỗng làm nóng phần đáy rồi dùng nó ủi lên quần áo. Một số quốc gia châu u thì dùng hòn thủy tinh to phẳng phần đáy rồi đặt gần lò sưởi cho ấm nóng, sau đó là lên vải. sang thế kỉ XIV, khi thuật luyện kim phát triển, người ta chế tạo ra bàn là bằng sắt và rỗng ruột để chứa than cháy. Đến thời đại của điện, các nhà khoa học đã phát minh bàn ủi điện thay thế cho bàn ủi lấy nhiệt từ than như trước kia. Sau nhiều lần cải tiến, năm 1995, chiếc bàn ủi mang tính đột phá trong công nghiệp ủi điện và được sử dụng rộng rãi ngày nay.
Chiếc bàn ủi điện có nhiều loại nhưng cấu tạo chung gồm hai bộ phận là phần vỏ và dây đốt nóng. Phần vỏ bàn là được chia làm vỏ trên và đế là. Vỏ trên hay còn gọi là nắp được làm bằng đồng, mạ crom có khả năng chịu nhiệt cao, tay cầm được gắn phía trên để cách nhiệt với người dùng. Phần đế là là phần quan trọng được làm bằng gang hoặc hợp kim nhôm, đánh bóng phẳng và có khả năng chịu nhiệt rất cao. Bên trong bàn là là dây đốt được làm từ cuộn điện trở biến điện năng thành nhiệt năng. Dây đốt cần phải chịu nhiệt rất cao và an toàn nên nhà sản xuất dùng hợp kim niken – crom và đặt chúng trong các ống rãnh cách điện với vỏ ngoài.
Không chỉ có hai bộ phận chính, bàn là còn có một số chi tiết khác khá quan trọng như: nút điều chỉnh nhiệt, rơ le nhiệt, đèn tín hiệu, tay cầm. Nút điều chỉnh nhiệt độ giúp người sử dụng điều chỉnh độ nhiệt sao cho phù hợp với từng chất liệu vải, những loại bàn là mới còn có bộ phận tự động điều chỉnh nhiệt và tự động phun nước. Rơ le điện có chức năng tự động ngắt điện khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng yêu cầu. Tay cầm của bà là thường được làm bằng một lớp nhựa cách điện và chịu nhiệt tốt để bảo vệ sự an toàn cho người dùng. Phải kể đến một bộ phận dẫn nguồn điện cho bàn là hoạt động đó là dây điện. Dây điện dẫn một đầu nối với bàn là, một đầu có phích cắm điện, dây điện và cả phích cắm điện làm bằng cao su chịu nhiệt và cách điện.
Cơ chế hoạt động của bàn là được mô tả khá đơn giản. Khi có dòng điện chạy qua dây dẫn vào cuộn cảm bên trong, điện năng sẽ trở thành nhiệt năng, đốt nóng và tỏa nhiệt. Nhiệt sẽ tích vào đế bàn là và làm nóng nó theo nhiệt độ yêu cầu. Dựa vào sức nóng và độ phẳng của đế, chúng ta sử dụng để là quần áo cho phẳng hoặc tạo các nếp gấp cần thiết. Ngày càng có nhiều nhà sản xuất thì giá cả bàn là trên thị trường càng cạnh tranh, giá của chiếc bàn là cũng giảm mạnh dao động từ và trăm nghìn đến vài triệu. Tùy thuộc vào túi tiền mà người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp cho mình. Có một số nhãn hiệu bàn là nổi tiếng được tin dùng như: Delites, Panasonic, Pensonic, Bluestone, Sunhouse…
Chiếc bàn là không khó sử dụng như cần phải đảm bảo một số nguyên tắc để chúng được lâu bền và an toàn. Trước hết phải sử dụng đúng nguồn điện theo điện áp định mức của bàn là, lúc làm nóng bàn là không để đế bàn là tiếp xúc xuống bàn hoặc quần áo, điều chỉnh nhiệt theo từng loại vải nếu nhiệt độ quá cao sẽ khiến quần áo dễ hỏng và cháy. Điều quan trọng nhất khi sử dụng bàn là là kiểm tra độ an toàn của nguồn điện, dây dẫn điện.
Mỗi vật dụng trong gia đình đều cần được sử dụng đúng mục đích và theo hướng dẫn thì mới lâu bền được. Chiếc bàn là lại là một vật dụng liên quan trực tiếp đến nguồn điện, vì vậy người dùng cần tìm hiểu kĩ về công dụng, hướng dẫn sử dụng của nó để phát huy khả năng của bàn là và đảm bảo an toàn, hiệu quả.