1. Cấu tạo xương người
Sau khi được sinh ra đời, bộ xương trẻ em được chia làm 3 phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Ngoài ra, xương còn được phân thành 4 loại, bao gồm: Xương dài, xương ngắn, xương dẹt và xương hình bất định. Trong khi đó, khớp là tên gọi chỉ nơi tiếp giáp giữa các đầu xương.
Đầu xương dài của cánh tay và đùi ở trẻ trông như một đầu xương hoàn chỉnh, tuy nhiên thông qua phim X-quang có thể tìm ra 3 bộ phận cấu thành bao gồm:
- Thân xương: Phần ở giữa dài nhất, có hình ống, cấu tạo gồm màng xương mỏng (ở ngoài cùng), vỏ xương và khoang xương (chứa tủy xương)
- Hạt đầu xương: Hai phần đầu xương, mô xương xốp và chứa tủy đỏ xương
- Sụn xương (không thể chụp được bằng tia X): Giữa thân xương và hạt đầu xương, bọc hai đầu xương
Ba loại còn lại là xương ngắn, xương dẹt và xương bất định đều có cấu tạo tương tự nhau: Bên ngoài là mô xương cứng, bên trong là mô xương xốp chứa tủy xương.
2. Tuổi xương là gì?
Tuổi xương là khái niệm dùng để đánh giá mức độ trưởng thành của hệ xương, dựa vào nhân cốt hóa xương chi. Trong giai đoạn phát triển từ một đứa trẻ sơ sinh cho đến độ tuổi thanh thiếu niên, có một sự tương quan giữa tuổi xương so với tuổi khai sinh, thường là không quá 10%.
Cốt hóa là tiến trình sụn ở trẻ sơ sinh phát triển dần thành xương hoàn chỉnh ở thanh thiếu niên trưởng thành. Các điểm cốt hóa của xương cũng là quá trình phân bào ở sụn tăng trưởng, nhằm giúp xương dài ra. Theo trình tự nhất định, thời điểm xuất hiện và mức độ cốt hóa của các điểm cốt hóa đầu xương sẽ tương ứng với tuổi đời thực khác nhau của trẻ. Tổ chức sụn ban đầu không cản quang cho phép xác định tuổi xương thông qua hình ảnh phim khác nhau khi chụp X quang.
Quy ước xác định tuổi xương là chụp X-quang xương bàn tay trái ở tư thế thẳng, nhằm đánh giá sự có mặt, cũng như hình dạng của các điểm cốt hóa. Sau đó, sẽ dựa vào bảng tuổi xương chuẩn để ước lượng một cách tương đối tuổi thực của trẻ. Hiện nay, thang đo tuổi xương chuẩn đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới vẫn dựa theo sách y khoa xuất bản vào cuối thập niên 50s của thế kỷ XX. Vì không có quá nhiều sự thay đổi ở tuổi xương chuẩn nên y học Việt Nam cũng áp dụng bảng so sánh đối chiếu này.