Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Anh chị hãy nêu cảm nhận về vẻ đẹp của người anh hùng từ hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
505
2
0
Nguyễn Diệu Hoài
06/05/2019 20:14:35
Từ xưa, chí nam nhi "đầu đội trời, chân đạp đất" đã được đề cao, trong văn học cũng rất nhiều tác giả viết về chí khí đó. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông đã xây dựng hình tượng người anh hùng Từ Hải với khí phách kiên cường, hiên ngang luôn làm nên việc lớn. Đoạn trích " Chí khí anh hùng" đã thể hiện vẻ đẹp chí khí phi thường, mưu cầu nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải quyết tâm dứt áo ra đi.
Đọc "Truyện Kiều", ta biết được Kiều hai lần bị vào lầu xanh, số phận đã đưa đẩy Kiều hết lần này đến lần khác khiến nàng rơi vào tuyệt vọng. Nhưng lần thứ hai Kiều bị đẩy vào lầu xanh thì may mắn thay Từ Hải bỗng xuất hiện và đưa nàng ra ngoài thoát khỏi cảnh ô nhục này. Từ Hải đã giúp nàng " Báo ân báo oán" với những kẻ trước đây đã hãm hại nàng cũng như với người đã giúp nàng. Hai người đã có cuộc sống hạnh phúc cùng nhau. Nhưng với người đàn ông có bản lĩnh lớn, chàng không bằng lòng với cuộc sống êm đềm vậy, chàng muốn có sự nghiệp lớn nên đã từ biệt Kiều ra đi. Đoạn trích " Chí khí anh hùng" được trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong tác phẩm.
Trước tiên, bốn câu thơ đầu nêu lên bối cảnh và lí do dẫn đến cuộc chia ly giữa Kiều và Từ Hải:
" Nửa năm đương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong"
Câu thơ đầu tiên cho ta thấy được Kiều và Từ Hải mới sống với nhau nửa năm với cuộc sống vô cùng êm đềm, tình yêu giữa hai người nồng nàn, say đắm. Nửa năm là khoảng thời gian ngắn hai người sống bên nhau, đây có lẽ là thời gian Kiều được sống bình yên và hạnh phúc nhất trong suốt mười lăm năm lưu lạc. Bởi trước đó, dù Kiều cũng từng sống với Thúc Sinh nhưng nàng chỉ làm vợ lẽ. Sự yêu thương của Thúc Sinh không mang lại cho nàng sự an toàn trọn vẹn bởi Kiều vẫn bị Hoạn Thư - vợ cả hành hạ. Nhưng sau nửa năm đó Từ Hải lại có ý định muốn ra đi thực hiện lí tưởng. "Trượng phu" là chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng, tác giả cũng muốn tỏ lòng khâm phục và ca ngợi Từ Hải. "động lòng bốn phương" chính là chí hướng mà Từ Hải đang muốn tung hoành thiên hạ. Đó cũng chính là chí lớn của người đàn ông sống trong thời trung đại, mong muốn phương trời tự do, vùng vẫy khắp nơi, quyết lập sự nghiệp phi thường. Từ Hải đã vô cùng dứt khoát và cuộc sống vợ chồng không thể giữ chân được chàng. Tư thế của chàng khi ra đi chính là "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" chàng một mình, một gươm, một ngựa đi liền một mạch, dứt khoát. Chàng mang tư thế của con người tự tin, làm chủ phương trời tự do. Tác giả đã đặt nhân vật trong sự tương phản với không gian rộng lớn "trời bể mênh mang" với hình ảnh "thanh gươm yên ngựa" chỉ một mình. Hình ảnh con người hiện lên không hề nhỏ bé mà sánh ngang cùng vũ trụ rộng lớn. Bốn câu thơ đầu đã miêu tả cuộc sống hạnh phúc của Kiều và Từ cùng với đó là chí lập công danh của người anh hùng.
Mười hai câu thơ tiếp theo chính là cuộc đối thoại giữa Kiều và Từ Hải để qua đó ta cũng thấy tính cách của anh hùng khi ra đi vì sự nghiệp lớn. Câu nói của Kiều:
" Nàng rằng: "Phận gái chữ tòng,"
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi"
đã thể hiện tâm trạng cũng như tâm lí của Kiều không chỉ yêu mà còn hiểu, khâm phục kính trọng Từ. Cụm từ "Phận gái chữ tòng" ở đây chính là quan niệm phong kiến thời xưa: "Phu xướng phụ tùy, xuất giá tòng phu", Kiều đã nguyện gắn bó cuộc đời của nàng với Từ Hải. Thúy Kiều ý thức được bồn phận của người vợ mà cũng thể hiện tình yêu với chồng. Nàng muốn níu giữ tình yêu đó mà quyết một lòng đi theo chồng. Trước mong muốn đó của Kiều, Từ đã nói rằng:
"Từ rằng: "Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình"
Từ đã nói rằng, bây giờ hai người đã hiểu lòng nhau, coi nàng là người tri âm, tri kỉ của mình. Từ Hải khuyên Kiều nên vượt lên thói tầm thường nhi nữ và chàng đưa ra lời hứa của mình: Bao giờ mười vạn tinh binh, tiếng chiêng, bóng tinh rợp đường để đón nàng thì mới thỏa mãn. Từ đã đưa ra một viễn cảnh vô cùng tốt đẹp và hạnh phúc giữa hai người. Chàng muốn làm nên sự nghiệp lớn xuất chúng và hứa sẽ trở về để đón nàng "rước nàng nghi gia". Mong nàng hãy chờ đợi một năm bởi chàng không biết là sẽ đi đâu mà nàng đi theo sẽ càng vướng bận. Chàng không muốn Kiều vất vả vì mình.
Hai câu thơ cuối thể hiện sự dứt áo ra đi của Từ Hải:
" Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi."
Từ Hải mang theo thái độ và cử chỉ vô cùng dứt khoát, mạnh mẽ không chần chừ, do dự. Viễn cảnh không gian ra đi của Từ qua hình ảnh "gió mây" và "dặm khơi" để gợi không gian rộng lớn, kì vĩ, tự do. Hình ảnh "chim bằng" tượng trưng cho người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, phi thường sánh ngang cũng tầm vóc vũ trụ. Câu thơ đã thể hiện ước mơ về người anh hùng của Nguyễn Du với bản lĩnh, khí phách phi thường.
Qua đoạn trích "Chí khí anh hùng", Nguyễn Du đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng Từ Hải với khát vọng và chí lớn của bậc nam nhi. Đọc những câu thơ trong đoạn trích, người đọc hiểu và khâm phục chí làm trai của nam nhi thời trung đại.
Bài Mẫu Số 2:
Nguyễn Du là một nhà thơ lớn trong nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm rất nổi tiếng, trong đó phải kể đến tác phẩm nổi bật nhất là “Truyện Kiều”. Tác phẩm là lời phê phán xã hội phong kiến đương thời của Nguyễn Du đồng thời cũng là nơi gửi gắm mơ ước về một xã hội công bằng với người anh hùng xứng đáng là bậc trượng phu. Khát vọng ấy của Nguyễn Du được thể hiện qua nhân vật Từ Hải, đặc biệt là qua trích đoạn “Chí khí anh hùng”.
Sau những biến cố thăng trầm đầu tiên của cuộc đời, Kiều những tưởng được giải thoát khi nàng bắt gặp Thúc Sinh. Thế nhưng với tính cách nhu nhược yếu đuối, Thúc Sinh đã không thể mang cho nàng một cuộc sống bình yên. Chính lúc này, nàng lại một lần nữa rơi vào tay của những kẻ buôn người Bạc Bà, Bạc Hạnh và trở lại kiếp kĩ nữ lầu xanh. Và cuộc đời Kiều đã kịp rẽ hướng khi nàng bắt gặp Từ Hải. Tài năng, nhân cách cùng nhan sắc của nàng đã khiến chàng Từ vô cùng khâm phục. Vậy nên chàng đã giải thoát nàng khỏi chốn ô nhục và từ đó cùng nàng sánh duyên bên nhau:
“Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”
Chẳng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, Từ Hải đã quyết chí ra đi để dựng lên nghiệp lớn sau nửa năm mặn nồng cùng nàng Kiều tài sắc. Đoạn trích chỉ với mười tám câu thơ nhưng đã cho ta thấy được ý chí, lý tưởng lớn lao mà Từ Hải muốn gây dựng, đồng thời cũng cảm nhận được mơ ước lớn lao của Nguyễn Du về một người anh hùng chân chính.
Mở đầu đoạn trích, người ta như thấy được cuộc tình vô cùng lãng mạn của đôi trai tài gái sắc. Thế nhưng, sau hình ảnh đầy lãng mạn ấy lại là mở đầu của một cuộc chia lý vì chí lớn:
“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”
“Nửa năm” chẳng phải là khoảng thời gian dài, nhưng nửa năm đó, Kiều và Từ Hải đã vô cùng gắn bó, vô cùng “mặn nồng”. Từ “hương lửa” được Nguyễn Du sử dụng ở đây như một hình ảnh ước lệ của tình yêu. “Hương lửa đương nồng” tức là tình cảm của đôi trai tài gái sắc đang rất mặn nồng, tưởng chừng như chẳng thể xa cách. Thế nhưng ngay trong tình yêu, chàng trai Từ Hải cũng luôn nung nấu ý định ra đi vì lý tưởng của mình. Ở đây, Nguyễn Du đã gọi Từ Hải là “trượng phu” – một người đàn ông có tài năng, đức độ, có chí lớn. Vậy nên, chẳng ngạc nhiên khi người “trượng phu” ấy đã “động lòng” chuẩn bị ra đi cho lý tưởng của mình. Chàng muốn được vùng vẫy, muốn được thỏa chí trong “trời bể mênh mang”, muốn được thỏa sức mà tung hoành mà dựng lên nghiệp lớn. Hình ảnh “trời bể mênh mang” như muốn khẳng định khát khao của chàng. Chính vì vậy, khi quyết chí ra đi, chàng vô cùng dứt khoát “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”. Quyết định nhanh chóng, trong dứt khoát của chàng “thoắt đa” đã được hiện thực hóa bằng hành động quyết liêt. Một mình cùng một thanh gươm, một con ngựa tốt, chàng quyết chí ra đi tìm kiếm lý tưởng cho mình một cách vô cùng kiên định. Tư thế của chàng vô cùng oai phong, lẫm liệt, hành động dứt khoát, xứng danh với danh từ “trượng phu” mà Nguyễn Du đã đặt cho chàng. Không những thế, ông còn đặt chàng Từ vào một tư thế sánh ngang với trời bể mênh mang, với trời đất để khẳng định tầm vóc của chàng. Nguyễn Du vẽ lên một người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ với lý tưởng to lớn, sẵn sàng ra đi vì lý tưởng đó.
Bốn câu thơ đầu tuy ngắn ngủi nhưng đã cho ta thấy cảnh chia ly dứt khoát trong mặn nồng của Kiều và Từ Hải, đồng thời cũng chỉ ra tư thế hiên ngang, oai phòng, ý chí quật cường, hào hừng của người anh hùng mang tầm vóc vụ trụ này. Bằng những hình ảnh ước lệ, Nguyễn Du như muốn khẳng định ước mơ về người anh hùng thực hiện công lý của mình.
Sau những lời chia tay quyết liệt để ra đi của chàng Từ, Kiều đã tâm sự lòng mình cùng chàng:
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi!
Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng không bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?”
Kiều chỉ một lòng một dạ được đi theo chàng, bởi nàng không muốn sống trong cảnh cô đơn, lạc lõng như trước. Chữ “tòng” mà nàng nói cũng là một trong những lễ nghi luân lý “phận gái tam tòng” của Nho giáo. Nó vô cùng hợp tình hợp lý. Thế nhưng, đáp lại lời Kiều, Từ đã nói rằng:
“Từ rằng: tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”
Đối với chàng, Kiều không chỉ là người bạn đời, người chàng thương, yêu mến, mà là người bạn tâm giao, tri kỉ của chàng. Những lý tưởng của chàng chắc chắn nàng là người hiểu rõ nhất. Chính vì vậy, Từ Hải mới mong muốn nàng “thoát khỏi nữ nhi thường tình”, thoát khỏi những suy nghĩ thông thường của người phụ nữ mà hiểu và ủng hộ cho chàng. Vậy mà sao nàng vẫn chưa chịu hiểu cho chàng? Chàng có ý trách nàng. Chàng ra đi nhưng sẽ trở về cùng vinh quang chiến thắng để đường hoàng “rước nàng nghi gia”
“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Chàng ra đi thực hiện lý tưởng, nghiệp lớn, dựng binh nghiệp, trở về với tiếng chiêng, bóng cờ rợp trời. Lý tưởng đó của chàng một phần vì chàng mà một phần cũng vì nàng. Với cơ nghiệp ấy, cùng vinh quang ấy, chàng sẽ rước nàng làm vợ chính thức của mình. Để thực hiện điều lớn lao ấy sẽ phải trải qua biết bao khó khăn, “bốn bể không nhà”, người con gái mong manh như Kiều sao có thể chịu đựng được những thử thách nhường ấy? “Bón bể không nhà” cũng thể hiện ý chí tung hoành ngang dọc của Từ Hải. Lời chàng nói ra vừa là lời an ủi vừa là lời hứa hẹn với nàng một năm sau sẽ trở lại.
Những lời tâm sự của Từ Hải với Kiều không chỉ đơn thuần là lời vợ chồng hay tình nhân nói với nhau mà đó là lời tâm sự của những người “tâm phúc tương thông”, của người trượng phu với tri kỉ của mình. Những lời đó đã khẳng định rằng Từ Hải quả là một người anh hùng với khí chất hơn người, chí hướng lớn lao. Đó quả thật là người anh hùng đầy khát vọng, ý chí kiên cường đúng như những gì Nguyễn Du mong mỏi.
Kết thúc đoạn trích là hình ảnh quyết chí ra đi vì nghiệp lớn của Từ Hải:
“Quyết lời dứt áo ra đi
Cánh bằng tiện gió cắt lìa dặm khơi”
Chàng vừa dứt lời, liền ra đi, vô cùng kiên quyết và dứt khoát, không chần chừ, không để tình cảm lung lạc ý chí của mình. Tính cách này chúng ta đã từng chứng kiến khi chàng chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, vô cùng dứt khoát và quyết liệt. Chàng ra đi được ước lệ ví von như cánh chim bằng, đặt trong không gian to lớn “dăm khỏi”, ta thấy hình ảnh chàng Từ như tượng trưng cho người anh hùng với lý tưởng cao đẹp, phi phàm, mang tầm vóc vũ trụ.
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã khắc họa thật rõ nết hình ảnh người anh hùng Từ Hải “đội trời đạp đất ở đời”. Bằng bút pháp ước lệ tài hao của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được ý chí lớn lao của người anh hùng Từ Hải. Ý chí, lý tưởng ấy thật mãnh kiệt, kiên trung và to lớn, khẳng định vị thế của một người anh hùng mang tầm vóc của vũ trụ.
Đoạn trích đã vẽ lên hình ảnh người trượng phu quyết chí ra đi vì chí lớn, vì lý tưởng của mình với lời hứa hẹn trở về vinh quang. Nó thật đúng với ước mong của Nguyễn Du về một người anh hùng sẽ dám đứng lên chống lại cường quyền, mang lại hạnh phúc và đòi lại công bằng trong xã hội.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×