Chế Lan Viên quan niệm sáng tạo thơ là một nghề cao quý trong xã hội, nhà thơ phải có vị trí, sứ mệnh cao cả đối với đời. “Nghề thơ”, không phải ai cũng làm được, bởi nhà thơ phải có hồn thi sĩ. Nhà thơ không chỉ biết tin yêu cuộc đời, có khát vọng vươn tới cái chân, thiện, mĩ của cuộc sống, mà còn phải thật sự khổ luyện để vượt lên tất cả. Nhà thơ cần phải nhìn, nghe và suy ngẫm để góp phần lí giải khám phá những vấn đề trong đời sống. Nghề thơ đòi hỏi nhà thơ phải có tài năng thơ mới có thể cảm nhận, khám phá, thể hiện cuộc sống một cách tinh tế, nhạy bén. Mặt khác, nghề thơ còn đòi hỏi nhà thơ vừa phải biết giữ gìn, trân trọng và phát huy cái tài năng “bẩm sinh trời cho”, vừa phải không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, rèn luyện và trau dồi về mọi phương diện nhằm sáng tạo nên cái “thần mới” cho thơ.
Chế Lan Viên luôn xem việc học hỏi, sáng tạo là cuộc Vượt bể trong suốt cả đời mình và ông khẳng định, Nghề của chúng ta cần phải nắm bắt chính xác “vòng quay thời đại” để “tạo nên mùa” và đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích, phải luôn biết vượt lên tất cả để Săn thơ, Tìm thơ.
Chế Lan Viên đòi hỏi, nhà thơ cần phải có cá tính sáng tạo. Ông ví mỗi nhà thơ như một dòng sông mang đặc tính và vẻ đẹp riêng. Nhà thơ phải giữ được “cái tạng riêng” cho mình. Nếu chỉ biết đi theo lối mòn trong sáng tạo, thì nhà thơ tự “đánh mất mình”, hoặc sẽ rơi vào “cái đội quân nhạt nhạt mờ mờ”.
Nghề thơ đòi hỏi nhà thơ không chỉ có tài năng, mà còn phải có nhân cách, có cái tâm trong sáng bởi đó là gốc rễ của văn chương. “Đừng hợm hĩnh” và đừng bao giờ nghĩ rằng “không có các anh thì không ai uống sữa của Trời”.
Với quan niệm trên, Chế Lan Viên đã khẳng định vai trò, tầm vóc của nhà thơ trong đời sống xã hội, những người đã và đang làm công việc “vực sự sống ba chiều lên trang thơ hai mặt phẳng”.
Chế Lan Viên luôn có suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức trong đời sống xã hội. Ông luôn tự hỏi “ta vì ai”, “tôi viết cho ai?” để từ đó sáng tạo nên những vần thơ có ích cho đời và vui sướng khi trở thành “một người cầm bút có ích, làm thơ có ích”. Mặt khác, Chế Lan Viên quan niệm, thơ không chỉ “đưa ru”, “sưởi ấm” người đọc bằng tình cảm mãnh liệt, ước mơ lãng mạn, mà còn phải có khả năng “thức tỉnh” họ bằng ánh sáng của trí tuệ.
Qua cách thể hiện khác nhau, Chế Lan Viên luôn nhấn mạnh, thơ góp “thêm tiếng cười”, “thêm vị muối cho đời”, là “nhành hoa mát mắt cho đời”, thơ có khả năng kì diệu: “tát bể”, cân đời”, thơ làm cho con người tự tin hơn trong cuộc sống.
Từ quan niệm, thơ là “các đỉnh tinh thần chất ngất”, Chế Lan Viên đã chỉ rõ tác dụng mãnh liệt của thơ đối với người đọc, tác dụng đó vượt khỏi giới hạn về không gian. Cho dù câu thơ viết ở “kinh tuyến này” nhưng vẫn làm nên sự “rung động trào sôi ở kinh tuyến khác”.
Ông khẳng định: “thơ phải trả lời”, phải có khả năng giải đáp được những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong đời sống. Nếu thiếu lời giải đáp thì thơ đã mắc Nợ đối với đời. Chế Lan Viên còn muốn thơ phải là Thuốc có khả năng chữa lành vết thương trong cõi tinh thần con người, “có ích cho nỗi đau người”, để “phục sinh” con người. Thơ là Tiếng hú, một tín hiệu giao cảm để từ đó lay động tâm hồn người đọc khiến họ sống có ý nghĩa hơn đối với đời.
Tóm lại, Chế Lan Viên luôn tâm niệm: “thơ cần có ích / hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi”, đó là cái đích mà Chế Lan Viên luôn hướng tới.