Trên gương mặt trong sáng của chúng ta, nhất là với các bạn nhỏ, đôi khi có vết nhọ dây vào. Có thể do bút mực, cũng có thể do nhễ nhại mồ hôi,... và tất cả đều do sơ ý. Một cái gương soi để phát hiện, việc tắm táp giặt giũ làm chức nãng tẩy rửa hằng ngày tự nó sinh ra. Nhưng còn có một loại vết nhọ khác khó nhìn thấy hơn, "tẩy rửa" cũng phức tạp hơn, ấy là vết nhọ nhân cách, vết nhọ tâm hồn mà với chúng ta, nó không thể nào chung sống. Loại vết nhọ thứ hai này như loài cỏ dại chen lấn, lan tràn : "Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi" (Nguyễn Trãi). Bức tranh của em gái tôi đặt ra một vấn đề rất thời sự: việc hoàn thiện nhân cách con người.
1. Nhân vật Kiều Phương trong truyện có hương sắc của một loài hoa. Trước hết đó là sự hồn nhiên, hồn nhiên từ việc bôi bẩn lên mặt mỗi ngày (người anh trai đặt cho em cái biệt danh Mèo cũng có phần đúng), hồn nhiên nhận cái tên thứ hai một cách vui vẻ, thậm chí còn dùng nó để xưng hô với bạn bè một cách vô tư, hồn nhiên lục lọi đồ vật trong nhà vì một lí do cũng rất hồn nhiên "Mèo mà lại !". Đó là trong sinh hoạt, trong giao tiếp hằng ngày, kể cả công việc bố mẹ giao cho Mèo "vừa làm vừa hát". Có thể hình dung tâm hồn bé Phương như một buổi sáng đẹp trời không hề gọn một bóng mây. Sống thân ái với mọi người, vui vẻ với mình, hình như với em, cuộc đời này sinh ra vốn thế. Nhưng, đến hai sự kiện tiếp theo, sự hồn nhiên của bé Phương mang theo một tầng nghĩa mới. Đó là cái nôi không có đất cho sự kiêu căng, lên mặt chen vào, và tâm hồn em thật là thánh thiện. Sự kiện thứ nhất khi tài năng hội hoạ của em bất ngờ được phát hiện, mọi người vui mừng, tất bật : bố mẹ mua sắm cho em "tất cả những gì cần cho công việc" đã đành. Hào hứng hơn, chú hoạ sĩ Tiến Lê còn ưu ái tặng "đồng nghiệp" hẳn một hộp màu ngoại xịn hẳn hoi. Một thế giới mới hình như đã mở ra đầy ánh sáng và tương lai. Bị bao vây bởi không khí hồ hởi tưng bừng ấy với bao nhiêu thay đổi diễn ra, thế mà "chỉ có mặt Mèo là không thay đổi", vẫn là gương mặt của ngày hôm qua, gương mặt "lúc nào cũng lem nhem, bị tôi quát thì xịu xuống, miệng dẩu ra" thật ngộ. Niềm vui của Phương chỉ giản đơn là được vẽ, dù chỉ bằng những thứ thuốc vẽ mà nó chế ra, kể cả "thứ bột gì đó đen sì trông rất sợ" mà thôi. Thứ hai, sau khi tham gia trại thi vẽ quốc tế trở về, người chờ đón nó là bố mẹ chứ không phải là "tôi", là anh trai của nó. Thế mà bất ngờ, hình như không kìm nén được nhu cầu được chia sẻ (như lần trước với bé Quỳnh), "Mèo" có cử chỉ rất lạ, chưa từng thấy bao giờ với người anh không dễ chịu : "Nó lao vào ôm cổ tôi". Ngay cả khi bị từ chối, nó cũng không để ý để rồi "thì thầm" được vào tai người nghe : "Em muốn cả anh cùng đi nhận giải". Dường như đã gạt đi tất cả, cả cái vẻ "xét nét" người anh trai trước ngày thi, nó đã làm đúng lời dạy bảo của chú Tiến Lê : "Cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu". Dành những gì đẹp nhất cho người anh trai, tâm hồn bé Phương cao đẹp, thánh thiện biết chừng nào ! Hơn thế nữa, sự trong trẻo ấy lúc nào cũng hồn nhiên, như tâm hồn trẻ thơ từ bao đời nay vốn thế.
2. Trong bối cảnh của một gia đình yên ấm có bông hoa nghệ thuật chớm nở, mọi người đều vui vẻ nhưng anh trai của bé lại không vui. Trái tim của cậu bé (nhân vật tôi) có "con rắn ghen tị luồn vào" (theo cách nói của Ét-môn-đô dơ A-mi-xi). Sự phát triển ngược chiều trong tính cách của người anh hình thành sự đố kị, và sự đố kị ấy lớn dần lên làm cho tâm hồn cậu ta thay đổi.
- Trước hết là thái độ vô tâm, ngoài cuộc. Lúc đầu, thấy bé Phương chế thuốc vẽ, có thể cậu ta cho đó là trò trẻ con cũng là điều dễ hiểu, vì trò trẻ con loè loẹt vẽ vời, đứa nào chẳng thế. Nhưng vì sao mà em gái cậu "mừng quýnh lên" khi bé Quỳnh đến chơi thì rõ ràng không còn là chuyện bình thường. Sau khi hai đứa "lôi nhau ra vườn" rồi giấu giấu giếm giếm, những âm thanh khe khẽ reo lên, rồi sau đó là việc bé Quỳnh chạy vào "thì thầm" với chú Tiến Lê, mà chú Tiến Lê là một hoạ sĩ thì cả nhà đều biết, nhân vật người anh phải đoán ra một điều gì chứ ! Trong thâm tâm người anh đã tự dối mình. Thật ra thì cái điều cậu ta không mong chờ ở đứa em đã tới. Lập tức tâm hồn cậu giống như một quả bóng xì hơi (Giá như bé Phương không có tài năng nổi trội gì thì tốt biết bao). Mối quan hệ thân thiết, ruột thịt giữa hai anh em - từ phía người anh bắt đầu rạn nứt. Cách nghĩ nông cạn và ít nhiều còn tính gia trưởng ở cậu ta là trong gia đình : anh dứt khoát phải hơn em. Nay, tình hình đã đảo ngược, cậu ta giận em mà tủi phận và thêm nữa : lần đầu cảm nhận được mặc cảm cô đơn, vì bị mọi người quên lãng, "bị đẩy ra ngoài" chỉ vì cậu ta vô tích sự, chẳng có tài năng.
Dùng tài năng để đảo lộn bậc thang giá trị, nhất là để nó chi phối cái ghét, cái yêu trong tình cảm tự nhiên của con người là điều đáng trách. Chính nó làm cậu bé hoang mang không còn để tâm vào chuyện học hành. Ngồi vào bàn mà "gục đầu xuống khóc" thì thật đáng thương, nhưng gắt gỏng vô cớ dù chỉ là một lỗi nhỏ với em thì lại là điểu đáng trách.
- Việc xem trộm những bức tranh của em gái quả thật người anh không muốn (thậm chí vẫn coi khinh vì hành vi lén lút), nhưng cậu ta không thể không làm. Vì sao vậy ? Vì ghen tị mà muốn tự mình khẳng định lại năng khiếu của em, điều mà cậu ta "chẳng tìm thấy" ở bản thân mình. Hi vọng mơ hồ ở cậu : phải chăng tài năng của bé Phương chỉ là một điều ngộ nhận ? Nhưng, con mắt khách quan tinh tường đã "phản bội" lại mong muốn của cậu ta, cái mong muốn hẹp hòi, vị kỉ. Qua mấy bức vẽ của em gái, cậu bé rất ngạc nhiên vể tài năng và nhân cách của em gái. vể tài năng thì "Dường như mọi thứ có trong ngôi nhà của chúng tôi đểu được nó đưa vào tranh", từ con mèo đến cái bát múc cám cho lợn ăn sứt đi một miếng, cái nào cũng ngộ nghĩnh, đáng yêu. Còn về nhân cách thì hình như bé Phương không để ý đến cái xấu, cái chưa đẹp ở mọi người, "nó lơ đi vì không chấp", như kiểu người lớn "không chấp trẻ em". Thật tinh, với người anh, lúc đó đa có một cái gì đó giống như niềm vui, một tình cảm không định kiến, thật khách quan trở lại. Dù không tạo ra cái đẹp như Kiều Phương, người anh trai đã không còn hững hờ với nghệ thuật. Nhưng cả hai: cả tình yêu hội hoạ đến xao xuyến trong lòng lần đầu tiên có được, cả hi vọng những bức vẽ ấy không chứng thực một tài năng, đã làm cho nhân vật người anh không làm chủ được bản thân mình nữa. Vui buồn lẫn lộn là một nét bâng khuâng khó tả. Tâm trạng ấy thể hiên kín đáo trong cử chỉ bất lực của nhân vật "tôi" sau lúc xem tranh. "Gấp lại những bức tranh của Mèo, tôi lén trút ra một tiếng thở dài" là vì vậy. Như thế, một bước nhích lại gần em, thông cảm, yêu thương em đã có, nhưng để có lại tình cảm ban đầu thì không. Sự ngăn cách vô hình không dễ dàng xua đuổi đi được. Cái xấu khi đã len lỏi vào trái tim người, nó biết biến hoá và tự tìm nơi ẩn nấp an toàn. Tài năng của đứa em gái như cái gai đâm vào mắt người anh. Hình ảnh về bé Phương thì vẫn như xưa nhưng tình cảm của người anh không còn nguyên vẹn nữa. Niềm âu yếm đã đổi chiểu, đã biến thành sự nhỏ nhen, đố kị : gương mặt đáng yêu của Phương "như chọc tức tôi".
- Sự thật mà người anh phát hiện ra để rồi ân hận về những ngộ nhận của mình xảy ra trong một trường hợp khá đặc biệt, khác thường. Theo mạch truyện thì tài năng của đứa em gắn với sự ghen ghét đố kị của người anh, nhưng ở đây thì ngược lại. "Thiên tài hội hoạ" (như cách nói vui của chú Tiến Lê) không đối lập với định kiến của "tôi", thậm chí nó đã làm "tôi" thay đổi hoàn toàn, không còn nhỏ nhen ích kỉ như trước đó chưa lâu. Nói cho thật đúng thì kết quả tốt đẹp ấy có được không bởi những cử chỉ thân mật của bé Phương (ôm cổ anh, thì thầm vào tai anh để "lấy lòng"). Nguyên nhân dẫn đến chuyển biến bất ngờ của "tôi" là từ bức chân dung : "Tôi giật sững người... Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ". Đó là một diễn biến tâm lí rất sinh động và chân thực. "Tôi" ngỡ ngàng đến không tin ở mắt mình : tại sao bé Phương lại vẽ mình, và sao bức tranh lại đẹp thế kia ? "Hãnh diện" vì "tôi" lần đầu tiên đã hoá thân vào nghệ thuật, được giới thiệu trước mọi người với vẻ đẹp toàn vẹn, "không chỉ suy tư mà còn rất mơ mộng nữa". Còn "xấu hổ" là lẽ đương nhiên : cậu bé cảm thấy mình không xứng đáng với sự biểu dương bằng những đường nét đẹp đẽ trong tranh, nhất là bức tranh còn được trân trọng "đóng khung lồng kính". Nhưng có lẽ sự "xấu hổ" đến ngượng ngùng như một day dứt của lương tâm bới vì cậu không xứng đáng với lòng nhân hậu, vị tha và rất đỗi vô tư của cô em gái. Trong lòng bé Phương, người anh vốn chưa hoàn thiện phải trở thành thần tượng như thế nào mới đủ sức rung cảm cho nghệ thuật thăng hoa. Và thêm nữa, chú thích cho bức tranh (làm cho cậu bé như bị thôi miên) lại là một dòng chữ yêu mến chân thành : "Anh trai tôi". Phải chăng, như mấy bức hoạ sinh hoạt trước đây chứng tỏ một khả năng quan sát tinh tường, có bao nhiêu điều chưa tốt đẹp ở xung quanh, nhưng cao thượng biết nhường nào "nó biết mọi việc chúng tôi làm và lơ đi vì không chấp". Bức chân dung mà bé Phương vẽ do đó giống như một chiếc gương trong mà người anh soi vào để tìm ra vết nhọ không phải trên mặt mình mà là sự đố kị, ghen ghét nhỏ nhen, và chính nó đã làm cho cậu ta đau khổ. Nhưng bức tranh của bé Phương đối với "tôi" vừa như một món nợ lại vừa giống như một sự giải thoát. Nợ ấy, cậu ta phải trả bằng lòng tốt của mình, đồng thời nhân vật "tôi" cũng thoát ra khỏi sự giày vò, mặc cảm mà cậu ta tự chuốc lấy một cách vu vơ.
3. Về nghệ thuật, thành công của tác phẩm tập trung trên hai phương diện : miêu tả nhân vật và cách kể chuyện, về miêu tả nhân vật, ở hai nhân vật anh và em gái, rõ ràng có cách tả riêng. Với Kiều Phương, ngòi bút của nhà văn thiên về chấm phá, chú ý đến đường nét ngoại hình, lấy đó để diễn tả nội tâm. Hơn nữa, những dường nét ngoại hình ấy được nhìn bằng con mắt khác: con mắt của người anh. Có đến không ít hơn ba lần, người anh nhìn thấy vết nhọ khi thì trên mặt, khi thì trên tay của đứa em nghịch ngợm. Phải chăng những vết "lem nhem" ngoại hình này phản chiếu một tâm hồn rất trong, rất sáng, và cũng rất hồn nhiên. Con gái còn bé bỏng như Kiều Phương chưa biết cách làm dáng, nhưng rất thật thà. Một đặc điểm nữa của nhân vật bé Phương là chưa một lần tự ái dù không phải em không có ý kiến riêng. Anh mắng không cãi lại (tuy có lúc đã biết vênh mặt lên bướng bỉnh) đã đành, chỉ biết xịu mặt xuống (miệng dẩu ra đầy cá tính) cả những khị chẳng biết mình có sai thực hay không. Nhưng có lẽ cái đáng quý nhất của bé Phương là những khao khát, ước mơ mà em giấu kín trong lòng và nhất quyết thực hiện cho được những ước mơ, khao khát ấy. Cùng với nó là lòng vị tha, là cách nhìn đời, nhìn người thật nhân hậu. Ngược lại, nhân vật người anh lại được ngòi bút nhà văn tập trung đi vào dời sống nội tâm, những ấm ức không dễ giãi bày. Tâm trạng bất an về sự ghen ghét đố kị của cậu ta không hoàn toàn đơn giản.
Cùng với việc miêu tả nhân vật còn là cách kể chuyện của nhân vật "tôi" ở ngôi thứ nhất. Nó tạo được không khí gần gũi, chân thực với người nghe vì cậu ta chính là người trong cuộc. Cách sắp xếp, dựng truyện tuy không mấy công phu nhưng nhìn chung sự việc, chi tiết phát triển hợp lí, tự nhiên, không gò ép. Câu chuyện cứ nhẹ nhàng như không, rồi dẫn đến một kết thúc bất ngờ và bài học nhân sinh toát ra thật thấm thìa. Viết cho trẻ em, bằng ngôn ngữ và giọng điệu trẻ em với nhà văn là một thử thách. Tạ Duy Anh đã vượt qua được thử thách ấy để có một truyện ngắn khá "ngon lành", một trái chín ngọt ngon không chỉ là cho lớp trẻ.