Trong các thi phẩm của các thi nhân xưa, các đề tài về bạn thường được nhắc tới khá nhiều. Một trong những thi phẩm sâu sắc nhất chính là tình bạn của nhà thơ Nguyễn Khuyến dành và người bạn Dương Khuê của mình. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” đã bộc lộ rất rõ tình cảm tri kỉ, thân thiết và đáng kính trọng trong tình bạn này. Tác giả cũng qua bài thơ để bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ vật chất – tình cảm.
Mở đầu bài thơ là niềm vui mừng khôn xiết của tác giả khi được gặp lại bạn cũ sau bao lâu xa cách. Lời chào thân mật như là một lời thơ “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà”. Cách xưng hô bác – tôi tạo cảm giác vừa gần gũi lại vừa tự nhiên, thể hiện niềm vui của tác giả khi đón bạn tới chơi nhà, và chắc hẳn phải là bạn thân thiết, tri kỉ với nhau mới tới nhà nhau chơi. Khi ấy tác giả đã chuyển sang giọng lúng túng, bộc bạch hoàn cảnh tiếp đón:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa…
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”
Đoạn thơ trên đã cho thấy tác giả Nguyễn Khuyến cường điệu hóa hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của mình đến nỗi chẳng có gì để tiếp bạn. Tác giả nhắc đến chợ vì chợ là nơi có đầy đủ các thức ngon món lạ để tiếp bạn nhưng tiếc thay chợ lại ở xa mà người lại đi vắng cả. Mọi thứ “cây nhà lá vườn” đều bộc lộ vẻ mộc mạc chân chất, tình cảnh trớ trêu và thú vị của người chủ nhà. Trong hoàn cảnh ấy chỉ còn tác giả và người bạn “Đầu trò tiếp khách, trầu không có”. Trong cuộc tiếp khách, miếng trầu là đầu câu chuyện, nhưng ngay cả miếng trầu cũng không có, gia cảnh thật nghèo khó. Chính những cái không có mà tác giả nhắc đến đã làm nổi bật lên cái có, đó chính là tình bạn chân thành, gắn bó thắm thiết. Tác giả khẳng định sự chân chất, mộc mạc và bình dị trong tình bạn của mình, chẳng cần mâm cao cỗ đẫy, cao lương mĩ vị mà chỉ cần một tấm lòng của người bạn tri kỉ: “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Người bạn già của Nguyễn Khuyến đã không ngại tuổi cao sức yếu, đường xá xa xôi mà tới thăm hỏi, đó chính là điều quý giá nhất. Tình bạn là trên nhất, không có bất cứ một thứ vật chất nào có thể thay thế được. “Ta với ta” ấy là khẳng định sự gắn bó, thân thiết tới độ không còn gì ngăn cách giữa hai tấm lòng. Tuy là hai người khác nhau nhưng những suy nghĩ, lí tưởng và tình cảm của họ là một, là như nhau. Họ đều coi thường những thứ vật chất mà trọng tình cảm, tới thăm nhau không vì điều gì ngoài tình cảm bạn bè tri âm tri kỉ.
Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ thơ thuần Nôm mang cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng và tự nhiên. Bài thơ đã tô đẹp tình bạn tâm giao tri kỉ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, một tình bạn thanh bạch, son sắt một lòng. Tấm lòng mà tác giả bày tỏ trong bài thơ là một tấm gương sáng đáng để người đời soi vào mà học tập, noi theo.