Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
(…) Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
Bài làm
Quang Dũng là nhà thơ – chiến sĩ, từng cầm súng đánh giặc và làm thơ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây cũ), ông viết bài thơ "Tây Tiến" nói lên tình thương nhớ chiến trường miền Tây, nhớ đồng đội thân yêu một thời trận mạc. Mở đầu bài thơ là một lời nhắn gọi biết bao thiết tha bồi hồi:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi với".
Bài thơ có 34 câu thơ thất ngôn, chia thành 4 đoạn, mỗi đoạn thơ là sự hồi tưởng bao kỉ niệm sâu sắc. Đây là đoạn thơ thứ hai có 8 câu mang vẻ đẹp như một bài hành nói về 2 nỗi nhớ: nhớ hội đuốc hoa và nhớ chiều sương Châu Mộc:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
...
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
Từ "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", Quang Dũng nhớ đến "hội đuốc hoa" thắm thiết tình quân dân:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ".
Đuốc hoa là cây nến thắp lên trong phòng tối tân hôn. "Truyện Kiều" có câu: "Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa"(3096). Quang Dũng sáng tạo thành "hội đuốc hoa" để nói về đêm liên hoan lửa trại giữa các cán bộ chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến với đồng bào các bản mường. Chữ "bừng" vừa chỉ ánh lửa, ánh đuốc sáng bừng lên, vừa tả âm thanh tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tiếng khèn vang lên tưng bừng rộn rã trong hội đuốc hoa. Đêm lửa trại, đêm liên hoan chắc là có múa sạp, có múa xòe của các cô gái Mường, cô gái Thái tham gia? Chữ "kìa" là đại từ để trỏ một đối tượng (người, vật) từ xa; trong văn cảnh thể hiện sự ngạc nhiên, niềm vui thích, tình tứ của chàng lính trẻ Tây Tiến khi nhìn thấy các "em", các "nàng" đến dự hội đuốc hao trong bộ xiêm áo xinh đẹp. Hình ảnh "nàng e ấp" là một nét vẽ tài hoa và có hồn đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo, tình tứ của các thiếu nữ miền Tây. Ánh lửa, tiếng hát, tiếng khèn, màu xiêm áo rực rỡ, vẻ đẹp kiều diễm của các "em", các "nàng" như đã "xây hồn thơ" các chàng lính trẻ. Con người thì trẻ chung, xinh đẹp, hào hoa, đa tình; ngòi bút của thi nhân cũng rất tài hoa, lãng mạn. Qua hội đuốc hoa, ta càng thấy đời sống tinh thần vô cùng phong phú của đoàn binh Tây Tiến nơi chiến trường miền Tây gian khổ ác liệt.
Bốn câu thơ tiếp theo dòng hồi tưởng "trôi" về một miền đất lạ, đó là Châu Mộc thuộc tỉnh Sơn La, nơi có những bãi cỏ bát ngát mênh mông, nơi có dãy núi Pha Luông cao 1880m, nơi có bản Pha Luông sầm uất của người Thái. Quang Dũng người lính chiến với tâm hồn thi sĩ đã khám phá ra bao vẻ đẹp kì thú miền Châu Mộc. Năm tháng đã trôi qua, cảnh và người miền đất lạ ấy đã trở thành một mảnh tâm hồn của bao người:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đông đưa".
"Chiều sương ấy" là chiều thu 1947. Sương trắng phủ mờ núi rừng chiến khu chiều thu ấy in đậm hồn người; hoài niệm càng trở nên mênh mang. Chữ "ấy" câu trên bắt vần với chữ "thấy" câu dưới tạo nên một vần lưng giàu âm điệu, như một tiếng khẽ hỏi "có thấy" cất lên trong lòng. Hồn lau là hồn mùa thu. Hoa lau nở trắng cờ, lá lau kêu xào xạc trong gió thu "nẻo bến bờ", nơi bờ sông bờ suối. Với tâm hồn thi sĩ tài hoa, Quang Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc qua cảnh sắc "chiều sương" và "hồn lau nẻo bến bờ". Những thi liệu ấy đã tạo nên vẻ đẹp cổ điển bức tranh suối rừng nơi miền đất lạ. Thấp thoáng trong vần thơ "Tây Tiến" là những câu cổ thi tuyệt bút:
"Sương đầu núi buổi chiều như dội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu…"
(Chinh phụ ngâm)
Các thi sĩ xưa nay vẫn gọi hồn thu là hồn lau:
"Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng".
(Lau mùa thu – Chế Lan Viên)
Điệp ngữ "có thấy" và "có nhớ" làm cho hoài niệm về chiều sương Châu Mộc thêm phần man mác, bâng khuâng. Nhớ cảnh rồi nhớ đến người. Trong chia phôi còn "có nhớ". "Có nhớ" con thuyền độc mộc và "dáng người" chèo thuyền độc mộc? "Có nhớ" hình ảnh "hoa đong đưa"trên dòng nước lũ? "Hoa đong đưa" có phải là hoa rừng "đong đưa" làm duyên trên dòng nước lũ như giáo sư Phan Cự Đệ đã nói? Hay "Hoa đong đưa" là hình ảnh ẩn dụ gợi tả các cô gái miền Tây xinh đẹp lái thuyền độc mộc duyên dáng, uyển chuyển như những bông hoa rừng đang "đong đưa" trên sông suối. Bài hát "Sơn nữ ca" của nhạc sĩ Trần Hoàn, "Nụ cười sơn cước" của nhạc sĩ Tô Hải cho ta cảm nhận ấy. Phải có "tay lái ra hoa" mới có thể "đong đưa" được như vậy.
Những dòng hồi tưởng trên đây về cảnh sắc và con người nơi suối rừng miền Tây, nơi cao nguyên Châu Mộc đã được thể hiện một cách tuyệt đẹp qua bút pháp tài hoa và hồn thơ lãng mạn. Thuở ấy, núi rừng Tây Bắc vô cùng hoang vu, là chốn rừng thiêng liêng nước độc, nhưng Quang Dũng với tâm hồn lạc quan và yêu đời của một khách chinh phu thời đại mới đã cảm nhận và phát hiện bao vẻ đẹp thơ mộng, xinh tươi của cảnh sắc thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Hoài niệm, kỉ niệm về chiến trường núi rừng miền Tây như được chắt lọc qua tâm hồn. Nhà thơ có gắn bó với cảnh vật và con người Tây Bắc, có vào sinh ra tử với đồng đội mới có kỉ niệm đẹp và sâu sắc như vậy, mới có thể viết nên những vần thơ sáng giá như thế.
Bức tranh chiều sương Châu Mộc và hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài của một danh họa mang vẻ đẹp màu sắc cổ điển và lãng mạn kết hợp hài hòa với tính thời đại và hiện đại trong máu lửa chiến tranh.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |