Cơ chế hấp thụ các chất ở ruột non
Hấp thụ không phải chỉ là kết quả của sự lọc vì huyết áp mao mạch chỉ 30 - 40mmHg, trong ruột lại càng ít hơn (5mmHg), tuy huyết áp tăng thì hấp thu cũng có tăng chút ít. Khuếch tán và thẩm thấu cũng quan trọng đối với hấp thụ, tuy vậy không thể dùng khuếch tán và thẩm thấu để giải thích hấp thu vì thực tế ruột có thể hấp thu cả nước lẫn dung dịch ưu trương, nhược trương ngược với quy luật thẩm thấu.
Sự hấp thụ còn tạm thời ngừng dưới tác dụng của các chất gây mê lên ruột. Điều này chứng tỏ hấp thu không là quá trình lí hoá đơn thuần mà là quá trình sinh lý bình thường đặc trưng cho tế bào biếu mô của ruột.
Sự hấp thụ là quá trình sinh lý phức tạp gồm các hiện tượng sau: lọc, khuếch tán, vận chuyển tích cực.
a. Lọc- Khuếch tán
Cách vận chuyển này không đòi hỏi tiêu hao năng lượng. Các chất hoà tan trong mỡ và trong các dung môi của mỡ qua màng theo lối khuếch tán thụ động (màng tế bào hấp thụ bản chất là dạng mỡ nên cho qua các chất hoà tan trong dung môi của mỡ) (khuếch tán). Các chất hoà tan trong nước không qua được theo lối khuếch tán nhưng màng tế bào có những lỗ thông rất nhỏ cho qua chất nước, và nước kéo theo các chất hoà tan trong nước (lọc).
b. Vận chuyển tích cực
Đòi hỏi tiêu hao năng lượng: Phương thức vận chuyển này rất nhanh và vật chất được vận chuyển có thể dễ dàng đi ngược bậc thang nồng độ và theo lượng nhất định đối với mỗi chất qua màng (năng lượng do oxi hoá glucose cung cấp-do giải phóng từ các liên kết nối P giàu năng lượng của ATP do enzyme ATPase xúc tác).
c. Sự hấp thụ còn được thực hiện nhờ sự co bóp của các mao trạng. Trong thành mao trạng có các cơ trơn, sự co giãn của mao trạng do dưỡng trấp tiếp xúc với gốc mao trạng, có sự tham gia của tùng meissner. Khi các sợi cơ trơn co, mao trạng thắt lại, máu và bạch huyết dồn ra khỏi mao trạng, khi giãn dưỡng trấp sẽ tiếp tục bị hút vào qua các tế bào biểu mô ruột. Các acid mật, pepton, glucose, một số acid amin đều có khả năng tăng cường cử động của mao trạng.
Vậy sự hấp thụ không là một quá trình lý hoá đơn thuần mà là quá trình sinh lý bình thường đặc trưng cho tế bào biểu mô ở ruột. Hấp thu do hệ thần kinh điều khiển qua tác dụng lên các dây thần kinh vận mạch và các dây điều tiết cử động ruột.
3. Hấp thu glucid
Chất glucid ăn vào qua quá trình tiêu hoá đến ruột được biến thành dạng đường đơn monosaccarid gồm glucose, fructose, galactose và các pentose sẽ được hấp thu, một số disaccharid cũng được hấp thu nhưng vào phần đỉnh của tế bào nhung mao (mao trạng), disaccarid được trải qua một giai đoạn thuỷ phân cuối cùng thành monosaccarid.
Các monosaccarid qua màng bằng cách kết hợp với acid phosphoric. Phần lớn monosaccarid được hấp thu ngay trong đoạn đầu của ruột non, qua màng nhày ruột vào trong máu, đổ về tĩnh mạch của gan. Nếu nồng độ glucid trong máu lên quá 0,1%, khi qua gan sẽ được giữ phần thừa lại và tổng hợp thành đường dự trữ (glycogen). Đường có thể được dự trữ trong các cơ. Nếu trong máu không đủ 0,1% đường, gan sẽ giải phóng glucose từ glycogen trả lại cho máu.
4. Hấp thụ Lipid
Lipid dưới tác dụng của lipase sẽ phân huỷ thành glycerin và chất béo. Tuy nhiên một phần khá lớn lipid được hấp thu dưới dạng nhũ tương diglycerid. Glycerin dễ tan trong nước và được hấp thụ ngay còn acid béo thì phải kết hợp với các acid mật (và các chất kiềm để thành các chất dễ hoà tan là sản phẩm của quá trình xà phòng hoá), sau đó mới có thể thấm qua màng ruột. Những sản phẩm phân huỷ của lipid không được hấp thu vào trong máu mà vào trong mao mạch bạch huyết. Khi qua tế bào màng nhày ruột, glycerin và acid béo lại được tái kết thành mỡ.
Lipid được tiêu hoá và hấp thụ nhanh hay chậm tuỳ loại: bơ dễ hấp thụ hơn mỡ lợn vì bơ dễ bị lipase phân huỷ và dễ nhũ tương hoá.
5. Hấp thu protid
Dưới tác dụng của pepsin, protid bị phân huỷ thành pepton và albumose, được trypsin, peptidase phân huỷ tiếp thành acid amin hoà tan. Acid amin được hấp thu qua màng nhày vào trong máu các lông hút (mao trạng), một phần nhỏ hấp thu dưới dạng pepton, chỉ một phần rất nhỏ ở nguyên dạng. (Ví dụ: protid huyết thanh hoà tan trong nước, lòng trắng trứng và casein sữa. Cơ thể còn non có khả năng này, nhờ đó còn có thể nhận được những globulin miễn dịch từ mẹ qua sữa để có khả năng miễn dịch khi cơ chế miễn dịch của bản thân chưa hoàn thiện, nhưng cơ thể trưởng thành nếu còn khả năng này sẽ đưa vào cơ thể những prôtêin lạ có tính kháng nguyên và do đó có thể bị dị ứng với thức ăn.
Nếu ta ăn protid nguồn gốc động vật, có thể tiêu hoá và hấp thu 99%, protid gốc thực vật 75-80%. Các sản phẩm protid được hấp thu sẽ được tổng hợp thành protid chủ yếu trong gan và cơ.
6. Hấp thu các vitamin
Trừ một số trường hợp, hầu hết các vitamin được hấp thu tích cực bởi tế bào niêm mạc ruột không cần sự biến đổi hoá học nào .
Vitamin B1 phải được phosphoryl hoá và chỉ được hấp thu tốt khi ăn vào cùng thức ăn. Vitamin B12 chỉ được hấp thu khi kết hợp với một prôtêin đặc biệt gọi là " yếu tố nội". Các vitamin tan trong mỡ cần có muối mật. Người ta cũng đã phát hiện các vật tải cho vitamin D là acid folic
7. Hấp thu muối khoáng
Các muối khoáng hay chất vô cơ nói chung được hấp thu dưới dạng ion , thông qua cơ chế vận tải tích cực. Người ta đã phát hiện các vật tải của Ca, K, Fe, Zn, Na được hấp thu bởi cả hai cơ chế khuếch tán và tích cực. các ion hoá trị hai hấp thu chậm hơn các ion có hoá trị 1. Mg++ liều cao sẽ ứ lại ở ruột làm tăng sự hút nước vào ruột gây căng ruột, do đó làm tăng nhu động gây ra ỉa chảy, vì vậy được dùng làm thuốc tẩy ruột, chống táo bón. Các ion âm thường được hấp thu thụ động theo các ion dương.
8. Hấp thu nước
Nước được hấp thu ở dạ dày, ruột non, ruột già.Trong ống tiêu hoá, ngoài nước vào theo với thức ăn còn có nước của các dịch tiêu hoá.
Khối lượng nước được hấp
thụ qua ruột mỗi ngày rất lớn, gồm có: Khoảng chừng 1500ml nước trong thức ăn, 1500ml nước bọt, 1500ml dịch vị, 750ml dịch tuỵ, 750ml mật, 3000ml dịch ruột. Tổng cộng nước uống và nước trong các dịch tiêu hoá rất lớn, có thể từ 7-10 lít, trong đó chỉ 500ml theo phân ra ngoài, còn bao nhiêu được hấp thu vào trong máu. Một phần nhỏ nước được hấp thu qua các lỗ thông nhỏ ở màng tế bào nhưng phần quan trọng là hấp thu tích cực có tiêu hao năng lượng, mạnh gấp 100-200 lần hấp thu theo lối khuếch tán và thẩm thấu. Nhờ có sức hấp thu mạnh như thế nên niêm mạc ruột có thể hấp thụ các dịch ưu trương.
Nhìn chung niêm mạc ruột non là diện trao đổi tích cực giữa môi trường ngoài và môi trường trong cơ thể. Diện trao đổi này giải quyết từ 90-99% các chất ăn uống vào, nhất là các chất nước và điện giải. Do đó một sự rối loạn nào trong quá trình hấp thu ở ruột non đều có ảnh hưởng nghiêm trọng và nhanh chóng đến toàn cơ thể.
9. Điều hoà hấp thu
Kích thích thần kinh giao cảm làm giảm hấp thu, ngược lại, kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng hấp thu của ruột. Sở dĩ như vậy là do giao cảm gây co mạch giảm lưu lượng máu tới ruột, trái lại phó giao cảm gây dãn mạch làm tăng lưu lượng máu tới ruột. Như vậy sự hấp thu phụ thuộc chủ yếu vào lưu lượng máu tới ruột, lưu lượng máu tăng hấp thu tăng, lưu lượng máu giảm hấp thu giảm. Ở ruột già hấp thu kém do lưu lượng máu tới ruột giảm.
Một số chất như hormon vỏ tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến tuỵ (insulin) cũng làm tăng sự hấp thu ở ruột. Sự hấp thu còn phụ thuộc bản chất hoá học của các chất dinh dưỡng. Tỷ lệ các chất trong khẩu phần thức ăn cũng ảnh hưởng. Cường độ hấp thu các chất cũng khác nhau và thay đổi qua từng đoạn ruột. Nhiệt độ môi trường, sự vận động thể lực của cơ thể, yếu tố tâm lý... cũng ảnh hưởng đến cường độ hấp thu. Các bệnh lý về ruột non làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu.