Nếu xem phong trào Thơ mới là một bản đàn thì âm hưởng bao trùm lên cung giao hưởng ấy là vẫn là một nỗi sầu muộn, một nỗi u buồn lớn. Có thể đâu đó ngoài kia, mùa xuân của đất trời, vạn vật đã trở về nhưng trong này, cảm xúc bao trùm tấm lòng các nhà thơ mới vẫn không có gì khác ngoài nỗi buồn, nỗi khổ đau:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Mang chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
(Chế Lan Viên)
Bản nhạc hòa tấu lên giữa cuộc đời, với Huy Cận cũng đâu có gì khác ngoài một bản nhạc sầu thê lương, ảm đạm:
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế
Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường
Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả
Thế nhưng Xuân Diệu đã đến cùng bài thơ “Vội vàng” để thổi vào Thơ mới một giai điệu vui tươi, náo nức. Ta chợt thấy hiển hiện trước mắt ta một thiên đường trần gian vẫy gọi mọi người:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Bằng cặp mắt trẻ trung, Xuân Diệu đã nhìn cuộc đời này bằng xúc cảm của tình yêu đôi lứa. Với ông, cuộc đời trần thế thực sự là một bữa tiệc của sắc màu, âm thanh, ánh sáng và hương vị. Đó là hương vị ngọt ngào của tuần tháng mật, là sức sống của hoa đồng nội xanh rì, là sự mềm mại của cành tơ phơ phất cùng hòa trong thanh âm của khúc tình si đầy mê đắm của vạn vật và lòng người. Bởi thế, cái ước muốn dị thường mở đầu bài thơ: muốn tắt nắng, muốn buộc gió thực chất là khát vọng níu giữ tất cả mọi vẻ đẹp của cuộc sống nơi trần thế để con người tận hưởng và hưởng thụ. Tất cả điều đó đều được xuất phát từ chính tình yêu thiết tha của nhà thơ Xuân Diệu dành cho một thiên đường trần gian nơi mặt đất. Nét mới mẻ trong quan niệm về cuộc sống ấy là dấu ấn quan trọng để lí giải lí do vì sao vừa mới xuất hiện trên thi đàn, người ta đã định danh Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ!
Trong suốt cả mười thế kỉ của thơ ca trung đại, bởi sự chi phối của những quan niệm thẩm mĩ riêng, con người cá nhân xuất hiện một cách nhạt nhòa, chìm lấp sau những mô típ sáo mòn đã trở thành công thức. Họ quan niệm thiên nhiên, đất trời, vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng, hoàn mĩ, không có gì có thể sánh bằng. Bởi thế, con người dẫu có xuất hiện thì cũng ẩn chìm đằng sau vẻ đẹp của tạo vật:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Vẻ đẹp con người được làm nổi bật trong sự soi chiếu với vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ:
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
(Nguyễn Du)
Nhưng đến “Vội vàng”, Xuân Diệu đã đưa ra trước mắt chúng ta một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về con người. Với ông, trên trần thế này, không có gì đẹp hơn con người. Con người chính là vẻ đẹp hoàn mĩ của tạo vật và là chủ nhân của cuộc sống tươi đẹp này. Bởi thế, ông đã sáng tạo nên một trong những hình ảnh so sánh độc đáo nhất trong văn học Việt Nam hiện đại:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Bằng lăng kính soi chiếu của tình yêu, Xuân Diệu đã dùng cái hữu hình (cặp môi gần) để so sánh và làm nổi bật cái vô hình (vị ngon của tháng giêng). Tất cả góp phần khắc họa sự ngọt ngào của mùa xuân, mùa của tình yêu và tuổi trẻ. Việc lấy con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên và tạo vật không chỉ là một nét đổi mới đầy sáng tạo mà nó còn góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị con người – một phương diện của tinh thần nhân văn cao cả qua bài thơ “Vội vàng”!