Trong cuộc sống, có nhiều khi chúng ta không thể nhìn vẻ bề ngoài mà có thể đánh giá đúng được bản chất của sự vật, hiện tượng. Muốn biết được cái tốt, cái bền, cái giá trị thì chúng ta cần phải quan tâm, xem xét đến bản chất, nội dung của nó. Chính vì thế mà ông bà ta ngày xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hết sức ngắn gọn nhưng chứa đựng ý nghĩa cuộc sống sâu sắc. Gỗ là loại vật liệu dùng để đóng giường, tủ, bàn ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu dùng để phủ lên bề mặt các đồ vật ấy thêm đẹp, thêm bền. Nhiều người chỉ vì thích nước sơn đẹp, bóng nhoáng bề ngoài mà không quan tâm đến loại gỗ gì, có tốt hay không cho nên rất hay mua phải những món đồ kém bền, mối mọt. Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” chính là những kinh nghiệm mà ông bà ta đã đúc kết từ những câu chuyện ấy.
Ai cũng muốn chọn cho mình những thứ vừa đẹp vừa chất lượng, dùng được bền lâu. Nhưng nhiều khi một món đồ đẹp mắt, nhìn thu hút bóng bẩy lại chưa chắc là một món đồ hữu dụng nếu chúng ta lựa chọn phải loại vật liệu kém bền, nhanh hỏng. Điều đó cho thấy, chất liệu hay cái bản chất làm nên giá trị của đồ vật chứ không phải ở vẻ ngoài hình thức. Dù có đẹp mà không bền thì cũng sớm phải vứt bỏ đi. Ngược lại, một số món đồ nhìn vẻ ngoài thì không đẹp, không bắt mắt nhưng lại dùng được lâu, có ích và có giá trị hơn.Tuy nhiên, câu tục ngữ không chỉ dừng lại ở việc truyền tải kinh nghiệm mua đồ mà qua đó, nó còn chỉ ra cho chúng ta thấy: cái bản chất mới là cái quan trọng hơn cả và cách nhìn nhận của chúng ta về một vấn đề nào đó thì không thể nhìn nhận qua hình thức, vẻ bề ngoài.Xét đến con người, hình ảnh “sơn” và “gỗ” là hai hình ảnh ẩn dụ cho hình thức, ngoại hình và tính cách, nhân phẩm của một người nào đó. Để hoàn chỉnh cả về hình thức và nhân phẩm rất khó. Bởi thế cho nên, nhiều người nhìn sáng sủa, bảnh bao nhưng lại chuyên lừa gạt người khác. Có những người quê mùa, cục mịch nhưng lại rất thật thà, nhân hậu. Cái mà chúng ta cần biết đến, quan tâm đến chính là cái bản chất, cái giá trị bên trong ấy. Và vì thế, khi đánh giá một con người, chúng ta nên dựa vào tài năng, nhân cách cũng hành động của người đó chứ không chỉ thông qua vẻ bề ngoài mà đã vội phán xét được. Chính cái nhân phẩm tốt đẹp, đức tính đáng quý mới chính là thứ mà khiến cho người khác phải ngưỡng mộ và kính trọng.
Theo câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thì cha ông ta nghiêng về “gỗ”, về cái bản chất hơn là cái hình thức, “nước sơn” bề ngoài. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh nội dung, nhân phẩm thì hình thức, bề ngoài cũng quan trọng không kém. Bởi lẽ, một món đồ vừa đẹp vừa chất lượng thì ai cũng thích, cũng muốn. Một người sáng sủa, lịch thiệp, nói năng hòa nhã, lịch sự thì cũng được nhiều người quý mến. Vẻ đẹp hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa hình dáng và tính cách, nhân phẩm chính là vẻ đẹp lý tưởng nhất, cái đẹp cao cả nhất. Bởi vậy bên cạnh việc rèn dưỡng tâm hồn thì cũng nên chăm chút đến hình thức để hai vẻ đẹp hòa hợp với nhau, cùng làm hoàn thiện một con người hơn.
Cho đến cuộc sống hiện đại hôm nay thì câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” vẫn còn giữa nguyên giá trị. Câu tục ngữ không chỉ khuyên chúng ta nên biết nhìn nhận cuộc sống, sự vật hiện tượng hay nhìn nhận con người ở những góc độ khác nhau, ở cả nội dung lẫn hình thức chứ không thể chỉ qua vẻ bề ngoài mà đánh giá. Đây thực sự là một bài học cuộc sống rất giá trị và đúng đắn.