BÀI LÀM 1
Người ta thường nói rồi thời gian sẽ lấy đi những gì mà ta yêu quý. Nhưng không, đối với tôi, thời gian sẽ mãi mãi không bao giờ có thể mang đi hình ảnh của bà nội - hình ảnh luôn lung linh trong trái tim tôi như ngọn nến không bao giờ tắt mặc dù giờ đây, bà đã về chốn thiên đường để yên nghỉ giấc ngàn thu.
Hồi nhỏ, tôi đã quen sống với bà. Bố mẹ tôi đi làm hết, chỉ có tôi và bà ở nhà, quấn quýt bên nhau. Bà thường kể chuyện cho tôi nghe. Mỗi lần nghe là một lần ghi nhớ, mỗi lần nghe là một lần tôi yêu bà đến da diết! Đã hai năm trôi qua kể từ ngày bà mất nhưng hình bóng người bà yêu quý vẫn quanh quẩn đâu đây. Tôi nhớ mái tóc bạc trắng như cước của bà, nhớ lắm ánh mắt thân thương, gần gũi, nhớ nụ cười ấm áp nồng hậu của bà biết bao! Tuy tuổi đã xế chiều nhưng hồi ấy, mắt bà còn tinh lắm! Đôi mắt ấy biết nói, biết xoa dịu, vỗ về, biết khơi dậy niềm vui, biết động viên, khích lệ để chúng tôi học tập tốt hơn. Giờ đây, bà đã đi xa nhưng với tôi, bà vẫn sống, sống mãi trong tâm hồn thơ dại, trong trái tim của đứa cháu bé bỏng này. Cũng chính từ cô Tấm hiền dịu, anh Khoai chăm chỉ đến tên Lí Thông xảo quyệt, gian manh qua lời bà kể mà tôi biết phân biệt phải trái, tốt xấu. Nhớ những ngày tháng bố mẹ tôi đi làm xa, bà lại thay mẹ đèo tôi đi học trên con đường quen thuộc. Những lúc ấy tôi có cảm giác như đang được hưởng một tình yêu thương vô bờ bến, một thứ tình cảm ấm áp mà bà truyền cho tôi từ chính trái tim, tâm hồn đẹp đẽ của bà. Bà còn chơi búp bê, chơi đồ hàng với tôi trong những lúc rảnh rỗi. Tay bà khéo, may được cả quần áo cho búp bê. Ôi! Tôi nhớ bà quá! Tôi thương bà biết chừng nào!
Sinh nhật lần thứ chín, tôi được bà tặng một bộ quần áo và một cô búp bê rất xinh xắn, đáng yêu. Giờ đây, mỗi lúc mặc bộ quần áo ấy và ôm búp bê vào lòng, tôi có cảm giác như bà đang vỗ về, ôm ấp tôi. Thật là hạnh phúc biết bao khi có được một người bà như thế! Đêm về, khi những đứa trẻ được ôm ấp bởi vòng tay yêu thương của cha mẹ thì tôi lại được sống trong tình cảm yêu quý, vòng tay ấm áp, chan chứa yêu thương của bà. Những lúc ấy, bà như giúp tôi xua đi những giá lạnh của mùa đông. Chao ôi, tôi muốn trở lại những ngày tháng ấy quá! Bà nội kể, vào những đêm Giáng Sinh, ông già Nô-en thường ngồi trên chiếc xe Tuần Lộc đi phát quà cho những đứa trẻ có nhiều phiếu bé ngoan nhất. Thế là tôi cẩn thận xếp những tập phiếu của mình vào những chiếc hộp nho nhỏ, xinh xinh, để ngoài cửa sổ và không quên dặn ông già Nô-en: “Cháu muốn một bộ xếp hình thật to, thật bự”. Đêm, tôi cuộn mình trong chăn ngủ ngon lành với mong ước: “Bộ xếp hình sẽ được đặt ngoài cửa sổ phòng mình sáng hôm sau”. Và, đúng vậy thật, sáng tinh mơ, tôi reo lên vì, sung sướng: Điều ước của tôi đã trở thành hiện thực! Để rồi cho đến khi lớn lên, tôi mới phát hiện ra một sự thật rằng: Bà nội chính là ông già Nô-en đem đến cho tôi, những “ngôi sao may mắn”. Dù ở bất cứ nơi nào đi chăng nữa tôi vẫn luôn tự hào, kính trọng, biết ơn bà của tôi - người đã cùng tôi trôi qua một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc. Sẽ không bao giờ, không bao giờ tôi quên hình bóng bà. Dù chỉ là trong những giấc mơ nhưng bà vẫn luôn hiện hữu trong tôi, cùng tôi chia sẻ những vui buồn.
Cuộc sống của hai bà cháu đang yên lành thì bà ốm. Đi khám, bác sĩ bảo bà đã mắc phải căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nghe tin ấy, tôi như bị sét đánh ngang tai. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm! Bà ốm, nằm một mình xanh xao trên giường bệnh. Trời trở rét, bệnh bà càng nặng hơn, bà ho, ho nhiều lắm, ho đến tiều tụy cả đi, bà chẳng ăn được, bác sĩ thường xuyên đến nhà tiêm thuốc cho bà. Đêm, tôi ngủ muộn hơn, nằm canh bà, nhìn bà ngủ, nghe tiếng ho và tiếng thở khò khè của bà, khó nhọc. Tôi khóc, nhìn ra ngoài trời, chắp tay cầu nguyện: “Ông trời ơi, xin ông cho bà con khoẻ lại!”. Nhưng rồi một ngày, tôi vỡ oà trong tiếng khóc, điều ước của tôi đã không trở thành hiện thực. Bà lặng lẽ ra đi trong vô vàn nỗi đau, những mất mát quá lớn của con cháu, tưởng như không có gì có thể bù đắp lại được. Vâng lời bà, tôi đã cố gắng học tập thật tốt chăm ngoan để bà vui lòng. Biết đâu, ở dưới suối vàng, bà cũng đang lắng nghe lời tôi nói, cũng đang nhớ về đứa cháu gái bé bỏng này của bà.
“Những người thân đã xa ta, có thể là xa mãi mãi nhưng họ vẫn luôn hiện hữu bên ta, dù chỉ là trong những giấc mơ thì vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc, có một sự động viên, an ủi lớn lao. Bà ơi, bà có nghe thấy cháu nói gì không? Dẫu bà có ở chốn thiên đường hay hư vô cháu vẫn luôn muốn nói rằng. “Bà ơi, cháu yêu bà nhiều lắm! Bà sẽ mãi mãi là thiên thần hộ mệnh tuyệt vời và thân thương nhất của cháu!”.
BÀI LÀM 2
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.
Trong gia đình, người tôi yêu quý, biết ơn nhất chính là bà tôi. Bà đã tạo nền móng, xây đắp cho gia đình tôi. Bà che chở cho tôi suốt cả tuổi ấu thơ. Bà mãi là niềm tự hào, là hình ảnh thiêng liêng, lớn lao nhất đối với tôi.
Ông ngoại tôi mất khi tôi còn rất nhỏ, để lại bà tôi cô đơn, buồn tẻ suốt quãng đời còn lại. Cả cuộc đời bà tôi gắn liền với ruộng đồng. Dấu ấn của sự khó khăn vất vả vẫn hiển hiện trên con người bà tôi. Dáng bà nhỏ nhắn, gầy gò, đen đậm y như cái dáng của mẹ tôi. Làn da của bà nhăn nheo điểm những nốt đồi mồi, đây đó còn có cả những vết thâm đen sì, vết sẹo loang lổ. Thế nhưng đối với tôi, làn da ấy thật ý nghĩa biết bao. Khi tôi mới sinh ra, người đầu tiên bồng bế, che chở, ôm ấp tôi chính là bà. Làn da ấm áp của bà là cảm nhận đầu tiên của tôi về cuộc sống, về bà. Bà tôi cũng đâu có mái tóc bạc trắng như cước. Tóc bà tôi đã rơi rụng gần hết theo năm tháng, giờ đây, trên đầu bà chỉ còn lưa thưa vài sợi bạc. Mắt bà tôi đã có những màng vàng đục, thế nhưng, khi bà nhìn tôi, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm mạnh mẽ từ bà. Khi bà tôi cười, những nếp nhăn ở dưới mắt nheo lại, xếp chồng lên nhau. Mỗi khi bà vuốt má tôi, tôi luôn cảm nhận được bàn tay thô ráp của bà. Bàn tay to rềnh ràng, thô ráp, nâu sẫm đầy chai sần sẹo. Thế nhưng, chính bàn tay đó đã âu yếm bồng bế tôi, ru tôi ngủ. Chính bàn tay bà đã kiên cường chống chọi với khó khăn, năm tháng để vun đắp gia đình. Mỗi khi nhìn những vết rạn, vết khía trên tay bà, tôi lại nghẹn ngào đầy thương cảm.
Với tôi, bà là người phụ nữ tuyệt vời nhất. Bà luôn cố gắng chăm chỉ làm lụng để xây dựng gia đình. Gặp khó khăn trắc trở, bà âm thầm cố gắng vượt qua. Gia đình tôi giờ đây đã thực sự đầy đủ. Đó là công sức mưu sinh khó nhọc của bà tôi. Bây giờ chính là lúc bà được yên tâm tịnh dưỡng tuổi già nhưng bà vẫn không chịu nghỉ. Bà luôn làm việc nhà hộ tôi, từ quét nhà, quét sân đến nấu ăn, chăn nuôi. Bà vẫn lo lắng mọi việc nhà. Nhờ có bàn tay bà gia đình tôi mới được đủ đầy, hạnh phúc. Bà là ngọn lửa sưởi ấm cho cả nhà. Tuy phải nghỉ học giữa chừng nhưng bà vẫn biết nhiều lắm. Bà dạy tôi điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Tôi thật may mắn hanh phúc biết bao khi có một người bà tuyệt vời như vậy.
Thế nhưng, điều khiến tôi yêu quý, kính trọng bà nhất là lần tôi bị ốm. Lần đó, tôi mới gần bảy tuổi. Chả là, vì không nghe lời bà mặc áo ấm nên tôi bị cảm lạnh. Tôi lo lắng sợ bà mắng. Nhưng không, bà không mắng mà lại vô cùng lo lắng cho tôi. Tôi mê man, không biết gì. Sau này, mọi người kể cho tôi biết. Khi thấy tôi sốt cao, bà vơ vội cái nón, chạy đi mua thuốc. Hôm đó trời lại mưa to. Vì vội nên bà không kịp mặc thêm áo, trên người chỉ có mỗi chiếc áo cánh mỏng. Mua được thuốc cho tôi thì bà lại bị nhiễm lạnh. Khi tôi khỏi bệnh thì bà vẫn mệt. Tôi vô cùng ân hận. Vì tôi mà bà ra nông nỗi này... Đã nhiều năm trôi qua nhưng kỉ niệm đó vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Nó nhắc tôi nhớ đến tình cảm thiêng liêng giữa hai bà cháu.
Bà ơi, lúc nào cháu cũng muốn nói với bà rằng : cháu yêu bà.
BÀI LÀM 3
Bạn biết không, nếu hỏi những ai là người tôi yêu thương, tôi sẽ không ngần ngại nhắc đến bà ngoại tôi. Tình yêu thương của tôi xen lẫn kính trọng. Tôi yêu nhất bà.
Bà ngoại tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi. Nếu bảo tôi nói chính xác tuổi bà thì tôi chịu. Vì sao, chỉ đơn giản thôi, không ai nhớ chính xác năm sinh của bà, kể cả cụ ngoại tôi. Mất mùa, đói xác xơ, đến cái tên đặt cho con mình cũng thảm hại như cái bụng lép mỗi ngày nên còn ai nhớ năm tháng. Cả năm người con của cụ ngoại tôi (tất nhiên gồm cả bà) đều chỉ nhớ áng chừng về tuổi tác. Thương bà biết bao. Chả bù cho tôi, năm nào đến ngày sinh cũng được bà nhớ, bà cho quà.
Làm sao để nói hết tình yêu và lòng biết ơn của tôi với bà đây. Ông đi bộ đội, xa lắc, vắng nhà quanh năm, mình bà tôi gánh vác hết việc nhà. Năm mặt con, bà sinh, nuôi và dạy dỗ một mình. Thế mà mẹ tôi và các cậu, các dì đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và học hành đến nơi đến chốn. Mỗi khi nhắc về niềm hạnh phúc đó, bao giờ bà cũng bắt đầu bằng từ “ơn trời”. Nhưng không phải chỉ bằng “ơn trời” mà mẹ tôi và các dì, các cậu có ngày hôm nay. Tuổi trẻ, sức lực và tất cả những gì có thể bà đã vắt kiệt cho các con mình. Khi mẹ sinh tôi, bà là người chăm bẵm, vỗ về. Mẹ tôi bận tối ngày, tôi ở bên bà nhiều hơn bên mẹ. Ba tháng, rồi một tuổi, hai tuổi và đến tận bây giờ. Bà bón cho tôi những thìa bột đầu tiên giúp tôi mặc bộ quần áo đầu tiên, dạy cho tôi tiếng nói đầu tiên. Mười ba năm, tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua bên bà và tình yêu vô bờ.
Bà tôi sống giản dị, không cầu kì, hoa mĩ. Từ bộ quần áo bà mặc, đôi dép bà đi đến bữa cơm của bà. Bà chân chất, hiền lành, nhịn nhường nhưng cũng mạnh mẽ, nghị lực vô cùng, hỏi sao tôi không thương cho được. Ai cũng bảo tôi giống bà, từ nét mặt đến làn da, tôi tự hào về điều này lắm.
Nếu hỏi tôi giây phút nào hạnh phúc nhất, tôi sẽ nói ngay rằng lúc nằm trong lòng bà nghe kể chuyện thời xửa, thời xưa rồi ngon giấc lúc nào không hay. Còn hỏi tôi lúc nào tôi đau khổ nhất, lo lắng nhất tôi cũng sẽ nói ngay lúc bà phải vào viện. Giữa ranh giới mong manh của còn và mất tôi mới hiểu mình yêu bà biết bao nhiêu. Tôi đã tận dụng những phút giây quý báu bên bà để bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể nói với bà “Cháu yêu bà nhất”, tôi sẽ không phải ân hận vì mình đã vô tâm bởi cả bạn và tôi đều biết rằng không có thuốc nào chữa căn bệnh vô tâm và hối hận. Hãy yêu thương những người yêu thương mình trước khi quá trễ.
Cơn bạo bệnh của bà rồi cũng qua, sức khoẻ bà dần hồi phục. Tôi cũng thấy mình được hồi sinh. Những ngày đầy ắp yêu thương sống bên bà lại trở về với tôi. Và bây giờ, tôi tự hiểu tôi không thể cho mình cái quyền chỉ biết nhận. Tôi còn phải biết trao tặng. Tôi tặng bà tình yêu, sự hiếu thảo mỗi ngày. Tôi tặng bà những con điểm tốt, những lời khen của thầy cô sau mỗi buổi tan trường. Và ước gì, tôi có thể tặng bà cỗ máy thời gian để bà tôi trẻ lại, sống thật lâu với tôi. Nghĩa là, mỗi ngày, tôi sẽ gắng đem tặng bà một niềm vui.
Tôi yêu bà nhiều lắm và luôn muốn bà nhận tình yêu đó mỗi ngày. Còn bạn, bạn yêu thương ai nhất? Hãy đừng ngại ngần thì thầm điều ấy bên tai người ấy khi có thể. Hãy đừng ngại ngần đem tặng món quà quý giá ấy đến người mình yêu thương thay cho lòng biết ơn mỗi ngày.
Nhớ like cho mik nha <3<3<3