Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-· 1820) tên chữ là Tố Như là một thiên tài văn học, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của Nguyễn Du gắn liền với "Truyện Kiều", một trong những tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Được viết dựa trên cốt truyện của "Kim Vân Kiều truyện", "Truyện Kiều" phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, một xã hội mục nát bất công, nhẫn tâm dồn ép nhân dân vào bước đường cùng. Tuy chỉ là một đoạn trích ngắn từ "Truyện Kiều", song "Trao duyên" vẫn thể hiện đầy đủ chủ đề của tác phẩm. Sống trong thời đại mà con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, nhân vật chính Thúy Kiều bị ép phải bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em trai, phải từ bỏ tình cảm của mình với Kim Trọng, trao lại duyên tình dang dở ấy cho Thúy Vân dù trong lòng có bao nỗi đau xót. Điều đó được khắc họa rõ nét trong 12 câu thơ đầu của đoạn trích "Trao duyên":
"Cậy em em có chịu lời,
...
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."
Nhan đề đoạn trích là "Trao duyên" nhưng trớ trêu thay đây không phải là cảnh trao duyên thơ mộng của những đôi nam nữ mà ta thường gặp trong ca dao xưa. Trao duyên ở đây là gửi gắm tình cảm của mình cho người khác, nhờ người khác chắp nối mối tình dở dang của mình. Thúy Kiều nghĩ đến Kim Trọng, nghĩ đến việc mình đã không giữ trọn lời đính ước với người yêu, băn khoăn thức trắng đêm nghĩ cách trả nghĩa cho chàng, cuối cùng đành nhờ cậy em là Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng.
Mở đầu đoạn thơ là lời thỉnh cầu chân thành tha thiết của Kiều:
"Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."
Nguyễn Du là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, điều đó có thể dễ dàng thấy được qua hai câu thơ trên. "Cậy" và "nhờ" đều có nghĩa là nhờ vả, xin sự giúp đỡ của một ai đó, nhưng thay vì sử dụng từ "nhờ", Nguyễn Du đã khéo léo chọn từ "cậy", bởi vì từ "cậy" này có nghĩa là nhờ với tất cả sự hi vọng và tin tưởng, nét nghĩa này từ "nhờ" không thể hiện được. Cũng như vậy, thay vì từ "nhận", tác giả lại dùng từ "chịu" bởi vì khác với từ "nhận", từ "chịu" không chỉ thể hiện sự đồng ý, nhận lời mà còn kèm theo ý bắt buộc, khiến cho người được nhờ vả khó nói lời từ chối. Cách tác giả dùng từ rất chính xác, bởi lẽ đây là chuyện rất quan trọng đối với Kiều, nàng hi vọng Thúy Vân đồng ý, nên lời van nài cũng có chút ép buộc. Tuy Kiều cũng hiểu việc nhờ Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng là hết sức vô lí, nhưng nàng vẫn quyết tâm muốn trả nghĩa cho người yêu, bỏ qua lẽ thường, nàng "lạy" và "thưa" đối với em mình. Kiều dùng chính lễ nghi lạy trước thưa sau, thay bậc đổi ngôi này để ràng buộc Vân. Trong tình thế vừa tình vừa lễ như vậy, Vân sao có thể không nhận lời?
Lạy xong, Kiều mở lời giải bày hoàn cảnh của mình với em, nói ra ý định muốn em kết duyên với Kim Trọng:
"Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em."
Thành ngữ "đứt gánh tương tư" có ý chỉ tình yêu dang dở. Tình cảm của Kiều với Kim Trọng chưa kịp tới hồi viên mãn thì sóng gió đã ập tới, đành phải dở dang, Kiều đau khổ biết mấy, nhưng đành ngậm ngùi trao lại cho em. Nàng dùng điển tích về "keo loan" để thể hiện ý định muốn Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng. Không những thế, nàng cũng bày tỏ sự ray rứt đối với em, đem mối tình sâu đậm của nàng biến thành một mối "tơ thừa" giao phó cho Thúy Vân, "mặc" cho Thúy Vân định liệu.
Trao duyên cho em nhưng nào đã dễ trút đi gánh nặng? Bao nhiêu kỉ niệm ngày xưa của mối tình đầu, kỉ niệm đẹp đẽ của một thời ào ạt trở về khiến nàng đau đớn khôn nguôi, nàng không dằn được lòng mình, tâm sự với em:
"Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề."
Từ "khi" được lặp lại ba lần gợi cho người đọc nghĩ đến tình cảm sâu nặng giữa Kiều với chàng Kim, nhớ đến những kỉ niệm đẹp của hai người. Với nghệ thuật liệt kê "ngày quạt ước", "đêm chén thề" những kỉ niệm đẹp đẽ ấy trở nên sống động hơn trong lòng Kiều. Những kí ức ấy vốn rất ngọt ngào, giờ đây khi nhớ đến lại trở thành một nỗi đau không thể nào nguôi trong lòng nàng, đặc biệt là khi nghĩ đến nguyên nhân của nỗi đau này:
"Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."
"Sóng gió bất kì" là khi Kim Trọng phải về quê chịu tang chú, gia đình Kiều lại bị mắc oan, cha và em Kiều bị bắt, cách duy nhất để cứu họ là nàng phải bán mình, đồng nghĩa với việc nàng phải làm trái với lời hẹn ước trước kia với người yêu. Hoàn cảnh trái ngang quá, giữa hai lẽ "hiếu" và "tình", Kiều chỉ có thể chọn một. Nàng dằn vặt nội tâm, day dứt đau đớn, cuối cùng đành hi sinh tình yêu của mình để làm tròn chữ hiếu. Nàng tỏ nỗi lòng với Vân, dùng nỗi đau của mình để thuyết phục Vân, hy vọng em mình có thể thấu hiểu cho và chấp nhận yêu cầu của mình.
Đã tỏ bày nỗi lòng nhưng vẫn sợ Vân không đồng ý, Kiều lại dùng lí lẽ để thuyết phục em:
"Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."
Để thuyết phục em, Kiều không tiếc viện đến tình máu mủ, cùng với cả cái chết. Các thành ngữ "tình máu mủ", "lời nước non", "thịt nát xương mòn" , "ngậm cười chín suối" được dùng đến trong bốn câu thơ trên thể hiện sự quyết tâm thuyết phục em cho bằng được của Kiều. Đối với nàng, việc trả nghĩa cho Kim Trọng còn quan trọng hơn cả mạng sống, chỉ cần Vân kết duyên với Kim Trọng, cho dù có chết đi thì Kiều cũng thấy được an ủi, mãn nguyện. Chính cách viện đến tình máu mủ và cái chết ấy đã khiến cho Vân chẳng thể nào từ chối lời khẩn cầu của nàng.
Với thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp tài tình ngôn ngữ bác học với ngôn ngư bình dân , Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét tâm trạng dằn vặt, đau đớn khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu của Kiều, khiến hình tượng của nàng trở nên đẹp đẽ hơn trong lòng người đọc. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình.
Thông qua việc thể hiện nỗi đau của Kiều khi phải trao duyên tình dang dở của mình cho em, "Trao duyên" mang đến độc giả cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, một thời đại mà con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, bị chính đồng tiền dồn ép tới đường cùng, không còn lối thoát. Chính giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc ấy mà đoạn trích, cũng như "Truyện Kiều" đã để lại trong lòng nhiều thế hệ độc giả ấn tượng sâu sắc.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |