Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận Ánh trăng

1. Cảm nhận ánh trăng
2. Cảm nhận cảnh ngày xuân
3. Cảm nhận về bài thơ Tiểu Đội Xe Không Kính
5 trả lời
Hỏi chi tiết
301
1
0
Thủy Dương
26/12/2018 16:01:39
Trăng vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca truyền thống để giãi bày tâm sự, vẻ đẹp thánh thiện, sự chiêm nghiệm... và trong mỗi thể loại thơ trăng lại mang một nét đẹp riêng, độc đáo: thể thơ năm chữ ngắn gọn, giản dị mà có sức chứa đến lạ kì, Nguyễn Duy đã mở đầu bài thơ bằng một hồi ức xa xăm về trăng:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Chất thơ mộc mạc tự nhiên như lời.kể chuyện tâm tình thủ thỉ điệp từ hồi cứ mồi lần nhắc đến là một kỉ niệm thân thương lại hiện về trong miền kí ức của tác giả. Nguyễn Duy nhớ về tuổi thơ êm đềm hạnh phúc nơi ruộng đồng, nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khổ nơi núi rừng - những thăng trầm, vui buồn cua cuộc sống, sự trưởng thành lớn lên của một con người ở mọi nơi, mọi lúc đều có sự chia sẻ của Trăng người bạn tri kỉ.
Tri kỉ vì trăng hiểu người; trăng đồng cảm với người trong cảnh hàn vi cơ cực, và những tình cảm thủy chung son sắt mà trăng và người đã có trong lúc đắng cay, những khi ngọt bùi; tình cảm ấy thật bền chặt, sâu sắc; không phô trương hoa mĩ mà bình dị, tự nhiên, không chút vụ lợi toan tính:
Trần trụi với thiên thiên
hồn nhiên như cây cỏ
Trăng và người - hai hình tượng thơ cứ sóng đôi nhau trong một tứ thơ nhưng trăng thì hiển hiện cụ thể con người lại bị che khuất, giấu đi. Cứ ngỡ cái hiển hiện phải lên tiếng vậy mà Nguyễn Duy để cho cái bị che khuất, cái ẩn lên tiếng trước. Và tứ thơ không phải là lời kể mà chuyển thành độc thoại từ nội tâm con người, lời hối lỗi muộn màng. Trăng gắn bó với người là thế tri kỉ là thế vậy mà nhà thơ phải thảng thốt lên: ngỡ không sao quên được cái vầng trăng nghĩa tình. Cuộc sống còn có bao điều ta không ngờ đến được, cái hạnh phúc bình dị, giản đơn ta đã có đôi khi lại để tuột khỏi tay, tự mình đánh mất mình, đánh mất cả những gì thiêng liêng quý giá nhất. Con người trước dòng đời đua chen xô đẩy, cái hào nhoáng, hoa mĩ, tráng lệ trước mắt ánh điện cứa gương đã khiến họ quên đi những hạnh phúc bình dị thuở nào; quên đi những ki niệm một thời vất vả khó khăn và cũng vô tình lãng quên đi một người bạn tri kỉ ân tình:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Hình ảnh vầng trăng ở hai khổ thơ trên không được so sánh ví von như một con người mà chỉ để người đọc ngầm hiểu, sang khổ thơ thứ hai này, hình ảnh vầng trăng được nhân cách hóa thành một con người cụ thể. Cứ ngờ vẫn là con người ấy - tri kỉ và nghĩa tình lắm, vậy mà... không! Trăng vẫn tri kỉ, nghĩa tình đấy chứ, chỉ có lòng người không còn tri kỉ với trăng, chỉ coi trăng như một người qua đường, người dưng, nước lã: xa lạ, lạnh nhạt như chưa hề quen biết, chưa hề gặp mặt; một sự thật phũ phàng bởi lòng người thay đổi khôn lường, nào ai đoán trước được.
Quỹ đạo của cuộc sống và dòng đời trong đục khiến con người cứ tất bật, hối hả, chìm trong nhịp sống gấp gáp làm ăn. Nhưng cuộc đời lại là một chuỗi những quy luật nhân - quả nối tiếp nhau, con người có lúc may, lúc rủi, lúc thành công, khi thất bại, lúc vui buồn và sự đổi ngôi là tất yếu để mỗi người tự hoàn thiện mình hơn: Thình lình đèn điện tắt/ Phòng buyn đinh tối om. Một sự kiện bình thường, ngẫu nhiên trong cuộc sống hiện đại được Nguyễn Duy đưa vào trong thơ và sử dụng tài tình thành điểm thắt nút, đẩy bài thơ lên đến cao trào: bởi nếu như không có cảnh hôm ấy chắc mấy ai đã nhìn lại mình mà suy xét bản thân để nhận ra sự thay đổi vô tình của mình.
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Cả khổ thơ là một chuỗi những hành động liên tục, kế tiếp nhau, nhanh, dồn dập gấp gáp để rồi ngỡ ngàng, ngạc nhiên không nói thành lời: Đột ngột vầng trăng tròn.
Ta bỗng dưng tự hỏi tại sao lại là trăng tròn mà không là trăng khuyết? Một câu hỏi thật khó trả lời bởi tròn khuyết vốn là quy luật của tự nhiên. Còn trăng ở đây đã được nhân cách hóa với những suy nghĩ, tâm tư rất con người, rất đời thường vậy mà: Trăng vẫn tròn vành vạnh / Kể chi người vô tình. Cái khuyết trong tâm hồn con người bỗng trở nên ngại ngùng xấu hổ trước trăng, trước sự vẹn tròn; chung thủy trước sau như một của trăng. Phải chi trăng cứ khuyết đi cho lòng người đã ân hận, đỡ hổ thẹn với trăng:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Một khoảng khắc im lặng trong hiện thực nhưng trong nội tâm con người nỗi xúc động trào dâng đến đỉnh điểm. Mọi ký ức của một thời xa xăm, một thời gian khó, gắn bó thuở nào bỗng dội về trước mặt:
Trăng! Đó là những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hạnh phúc.
Trăng! Đó là đồng là bể, là quê hương làng xóm và những người thân yêu ruột thịt.
Trăng! Đó còn là sông là rừng, là những người đồng chí anh em.
Trăng! Đó là những vui buồn - hạnh phúc, những đắng cay ngọt bùi một thuở. Thế mà lòng người đã sớm quên mau để bây giờ chợt giật mình, chợt sực tỉnh, xót xa ân hận, để phải rưng rưng không nói thành lời.
Lại một lần nữa hình ảnh trăng được nhân hóa. Đó không phái là mặt trăng bình thường nữa. Đó là khuôn mặt của một người bạn đã từng tri kỷ với những người đang sống, đang hiển hiện trước trăng. Qua bao nhiêu biến động thăng trầm, người bạn ấy vẫn thủy chung son sất, bao dung độ lượng, nhân ái như thuở nào.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã tìm được một điểm nhìn vừa thông minh vừa sắc sảo; tinh tế mà cụ thể, chi tiết. Tại sao không phải là trăng chênh chếch; trăng xa xa hay trăng lấp ló mà lại là trăng trên đỉnh đầu để phải ngửa mặt lên nhìn mặt?
Phải chăng đó cũng là dụng ý của tác giả? Bởi trăng bao dung, độ lượng là thế. Từ điểm nhìn của nhà thơ, ánh trăng cứ lan tỏa ra mênh mông; soi rọi chiếu sáng. Một không gian mênh mông rộng lớn phủ đầy ánh trăng, ngập chìm trong ánh trăng - thứ ánh sáng ngọc ngà tinh khiết. Thời gian và không gian (trăng rọi đỉnh đầu) trong khổ thơ đã khiến ta nhận thấy nó không phải là sớm nhưng cũng chưa đến nỗi muộn để không nhận ra mọi thứ. Phải chăng nhà thơ đã đồng nhất thời gian trong hiện thực và thời gian trong tâm tưởng con người? Hình ảnh trăng ở đây đã lên đến đỉnh điểm thành công của tác giả. Nó chứa đựng một ý nghĩa thật lớn lao sâu sắc, một giá trị nhân văn to lớn. Trăng không còn là trăng của thiên nhiên; không phải là trăng ví như một con người mà nó mang ý nghĩa tượng trưng cho cả một lớp người, một thế hệ. Một thế hệ với bao cống hiến hi sinh trong những thời khắc gian khó, ác liệt; những năm tháng cam go thử thách khi đất nước lâm nguy để đến khi trở về cuộc sống đời thường - đất nước thanh bình, họ lại bình dị đến đạm bạc, không chút đòi hỏi, bon chen danh vọng. Trong số họ có những người không may mắn được trở về; có những người còn gửi lại nơi chiến trường một phần cơ thể và những di chứng chiến tranh cho thế hệ con cái; có những người được Tổ quốc quê hương biết đến song vẫn còn có những người tài sản chỉ là chiếc ba lô sờn vai vì trận mạc và cuộc sống của họ chỉ diễn ra âm thầm lặng lẽ bình dị như bao người bình thường khác nhưng họ vẫn sống và giữ trọn nghĩa tình với quê hương, đất nước, với những người đồng chí đồng đội của mình. Một tấm lòng cao cả, bao dung, độ lượng, một niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Tình cảm của họ vẫn tròn vành vạnh, trước sau như một đâu kể cho những người vô tình, những người lãng quên.
Trăng lại trở về với chính nó; giản dị tự nhiên, mộc mạc:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Nghệ thuật láy khiến hình ảnh thơ được khắc sâu, in đậm trong tâm tưởng con người, khiến con người phải tự vấn lại lương tâm, tự suy xét lại bản thân. Hai câu cuối bài là lời kết nhẹ nhàng nhưng khá sâu sắc, tạo nên sức lắng cho bài thơ. Cái giật mình của tác giá hay cũng chính là điều Nguyễn Duy muốn gửi gắm, nhắn nhủ mỗi chúng ta: cuộc sống hôm nay dẫu ồn ào náo nhiệt; dẫu cho mỗi con người chi có một chút khoảnh khắc để giật mình sực tỉnh nhìn lại chính mình nhưng điều đó sẽ làm cho cuộc sống có ý nghĩa và giá trị biết bao.
Lời thơ không triết lý, chau chuốt nhưng đã để lại trong lòng người đọc dòng suy nghĩ về nhân tình thế thái; quá khứ và hiện tại luôn song hành nhắc nhở hoàn thiện mỗi con người; chính nghệ thuật dùng sự hồi tưởng, tự đấu tranh, suy nghĩ trong nội tâm con người đã làm nên thành công, khiến bài thơ còn mãi với thời gian.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Vân Cốc
26/12/2018 16:03:37
Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những sáng tác của ông mang đậm những triết lý, suy tư về cuộc đời và cuộc sống. Ánh trăng là một trong những sáng tác nổi bật cho đời thơ Nguyễn Duy, là lời gửi gắm đến mọi người về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đởi người lính.
Bài thơ gồm sáu khổ thơ năm chữ kết hợp tự sự với trữ tình, là hồi ức mộc mạc, giản dị được kể lại theo trình tự thời gian. Từ một câu chuyện riêng của tác giả, Ánh trăng trở thành lời nhắc nhở sâu xa thấm thía về cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao nhưng đầy tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước.
Mở đầu bài là những dòng hồi ức mộc mạc, giản dị. Những ký ức thuở nào ùa về hết sức chân thành:
"Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa"
Đoạn thơ gợi lại ký ức của tác giả, một tuổi thơ bình dị với đồng ruộng mênh mông, với con sông bát ngát, với những cánh đồng trĩu nặng phù sa. Vầng trăng xuất hiện trong ký ức tuổi thơ là những tháng ngày giăng câu, xúc tép giữa đêm hôm được vầng trăng soi rọi, là những đêm quây quần bên góc sân, cùng nghe kể chuyện ngày xưa, cùng thổi nồi bánh nóng dưới ánh sáng vàng nhạt của ánh trăng. Trăng không chỉ soi tỏ góc sân mà còn tràn ngập cả vườn cây, đồng lúa, không chỉ soi sáng vùng trời mà còn soi rọi cả tuổi thơ. Lớn lên, theo kháng chiến trường kỳ, nhà thơ gắn bó với ánh trăng trong những năm dài chiến đấu. Vầng trăng vì thế cũng trở nên thân quen bởi giữa rừng núi hoang vu cùng đồng đội "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới", cũng trong những đêm ấy, vầng trăng như hòa cùng tinh thần người lính, tạo nên cái nhìn tinh nghịch "đầu súng trăng treo". Bao lần họ cùng đắm mình dưới trăng, cùng hát ca, quây quần dưới tiếng khèn vi vút trong những đêm liên hoan, cùng ngắm mảnh trăng nhớ về ánh mắt người yêu đang trông đợi ở quê nhà, cùng hành quân trên chặng đường đầy ánh trăng sáng. Anh và trăng vì thế đã trở thành đôi bạn thân, khăng khít, gắn bó ngỡ không thể nào quên. Tình cảm ấy, nghĩa tình ấy chỉ có thể gọi với nhau bằng hai từ "tri kỷ".
Những cuộc hành quân gian khổ đã mang chiến thắng trở về, hòa bình lập lại, người lính rời chiến trường trở về thành phố sống cuộc sống đô thị với các tòa nhà cao tầng, với cửa gương, ánh điện sáng choang cùng biết bao điều tiện nghi hiện đại khác. Điều kiện bên ngoài vô tình khiến thay đổi tâm trạng con người, người lính nghĩa tình ngày nào giờ xao lãng với ánh trăng thân thương thuở trước, ánh trăng của tuổi thơ, ánh trăng của những ngày xa quê chiến đấu:
"Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường"
Khoảng cách từ "tri kỷ" đến "người dưng" sao mong manh, ngắn ngủi đến xót xa. Có phải lý do là "từ hồi về thành phố, quen ánh điện cửa gương", để rồi từ một người tri kỷ cùng đồng hành từ thuở thiếu thời cho đến lúc sinh tử vào sống ra chết trên trận địa lại trở thành "người dưng qua đường". Quả thật làm người đọc cảm thấy xót xa. Và mọi thứ có lẽ sẽ tiếp tục như thế nếu như không đặt người vào tình thế:
"Thình lình đèn điện tắt
đèn buyn đinh tối om"
Thành phố bị mất điện, sự xa hoa, hào nhoáng, tiện nghi ngày nào bây giờ cũng chìm trong màu đen của đêm tối. Cảm giác ngột ngạt vì thiếu thốn sự hiện diện của những thứ quen thuộc hàng ngày khiến người lính năm nào khó chịu, vội "bật tung cửa sổ". Thế nhưng:
"... đột ngột vàng trăng tròn
ngửa mặt lên nhìn mặt
có gì đó rưng rưng..."
Hai gương mặt, nhưng lại là hai trạng thái cảm xúc khác nhau: gương mặt người lính thảng thốt, bất ngờ rồi rưng rưng xúc động còn gương mặt của trăng thì im lìm, lặng lẽ. Có lẽ hai gương mặt ấy đang nhìn vào nhau, đang tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn và trong những dòng ký ức ùa về như thác lũ, để rồi "cái gì đó rưng rưng" ấy chính là những kỷ niệm chất chứa bấy lâu rồi trào dâng "rưng rưng" nơi khóe mắt theo hồi ức ngày xưa:
"Như là đồng, là bể
như là sông, là rừng"
Cấu trúc sóng đôi, nghệ thuật so sánh hòa quyện cùng với phép liệt kê và điệp cấu trúc khiến người động tượng tượng ra được hình ảnh cả đồng ruộng mênh mông, bể đầy cua tôm trăng ngân bát ngát, cả dòng sông trĩu nặng phù sa mỡ màu vun đắp cho vùng đất quê hương và cả những cánh rừng bạt ngàn nơi gắn bó thời kỳ hoa lửa. Hai câu thơ tuy ngắn nhưng mạch thơ lại kéo dài bất tận, như gọi về những kỷ niệm quá khứ và cái tình những tháng năm xưa, như chính giây phút này, tâm hồn con người được đánh thức sau thời gian dài tâm trí lãng quên.
Vật chất bủa vây, tiện nghi đầy đủ, người lính quên đi những tháng ngày gian khó, những trận chiến ác liệt nhưng thấm đẫm tình người bao la, tình đồng đội, đồng chí sát cánh kề vai. Dù bị lãng quên, nhưng vầng trăng trước sau vẫn thủy chung như một, vẫn bình dị và lặng lẽ, độ lượng và khoan dung:
"Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tinh
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình"
Trăng không nói lời nào, cũng không oán hờn hay trách cứ bất kỳ ai. Giây phút này là thời khắc của sự im lặng để người lính tự vấn lòng mình. Không một tiếng động, không một âm thanh, nhưng chính sự im lặng đó đã khiến người lính bất giác "giật mình". Giật mình" là sự bất ngờ trước tác động từ ngoại cảnh, thế nhưng trong câu thơ này, "giật mình" chính là sự thức tỉnh của lương tri với biết bao suy tư mà tác giả gửi gắm vào trong đó.
Với giọng điệu tâm tinh như đang kể câu chuyện của chính cuộc đời mình, nhà thơ Nguyễn Duy sử dụng nhiều bút pháp, kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình. Câu thơ khi căng, khi chùng, khi thì hồ hởi như đang hân hoan trước một tình yêu phía trước, khi thì lại trầm lắng suy tư như nhắc nhở mọi người chứ không chỉ riêng mình, lại có chỗ thiết tha, xúc động đau đáu một nỗi niềm... Tất cả đã tạo nên một "Ánh trăng" với hình ảnh nghệ thuật chứa đựng cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về cuộc đời và tình người thời hậu chiến.
"Ánh trăng" như một lời nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính, gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Qua đó, nhắn nhủ đế thế hệ tiếp theo kế thục thái độ sống "Uống nước nhớ nguồn", ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
26/12/2018 16:55:14
Đề 1:

Tình cảm là thứ quan trọng nhất đối với mỗi con người. Nó như dòng nước ngọt ngào chảy dọc trong ống nhựa tắm mát tâm hồn ta, tưới nước cho cái hạt giống tinh thần bên trong ta nảy nở. Thiếu đi cái ngọt ngào của tình cảm, ta sẽ chỉ như cái ống nước rỗng ruột, khô cứng, tâm hồn ta sẽ chẳng khác gì hoang mạc cằn khô nứt nẻ. Tình cảm trong quá khứ gian khổ khó khăn lại càng đáng nhớ hơn, nó thể hiện sự gắn bó, yêu thương không điều kiện, đồng cam cộng khổ vượt qua những chông gai đường đời. Thế nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn có một số người vì mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên mất tình cảm yêu thương của một thời đã qua, hờ hững với những gì thuộc về quá khứ. Qua bài thơ "Ánh trăng" của mình, nhà thơ Nguyễn Duy đã nhắc nhớ một cách nhẹ nhàng những kẻ đang tự cuốn mình theo cái vòng xoay vô tận của phù du hãy dừng lại, dù chỉ một chút thôi, mà nhớ về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Rằng những cái mình có được hôm nay là nhờ đâu, cái gì đã từng là một phần trong cuộc sống của mình...để từ đó biết trân trọng quá khứ hơn, sống đẹp hơn, "Uống nước nhớ nguồn" hơn.

Vầng trăng luôn là cảm hứng bất tận trong thơ ca, luôn gắn bó mật thiết với đời sống của con người: Trăng soi bóng những tối cùng nhau lao động vui tươi của người nông dân:

"Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh

Dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà"

("Gạo trắng trăng thanh")

là chút gì đó lãng mạn như "Say trăng" của Hàn Mặc Tử:

"Ta bay lên! Ta bay lên!

Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm..."

là chứng nhân cho lời nguyện thề tình tự của bao đôi lứa yêu đương:

"Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai mặt một lời song song"

("Truyện Kiều")

Trăng còn là tri âm, tri kỉ, là người bạn gắn bó thở ấu thơ, là nỗi niềm gợi nhớ quê hương như trong chủ đề "Nguyệt vọng hoài hương" của thơ văn cổ. Và Nguyễn Duy đã đem lại cho ta một góc nhìn, một cách nhìn mới về trăng qua tác phẩm của ông. Trăng trong "Ánh trăng" mang đậm dấu ấn của tình cảm qua từng chặng đường khác nhau của thời gian, là hình ảnh sống động của quá khứ, là những gì tốt đẹp của một thời đã qua: tình cảm bạn bè, lý tưởng chiến đấu,... và là biểu tượng của nghĩa tình. Tác phẩm được sáng tác sau khi đất nước thống nhất, tác giả giã từ cuộc đời người lính đến sống tại thành phố Hồ Chí Minh để rồi từ đây, bao cảm xúc chân thành trào dâng đã cô đọng thành bài thơ có lối viết đặc biệt: chữ đầu mỗi câu thơ không viết hoa. Chính nét sáng tạo đặc biệt đó đã làm "Ánh trăng" trở nên khác biệt: vừa như một bài thơ với những vần, những âm điệu nhịp nhàng, đều đặn, vừa như một câu chuyện với mạch xúc cảm tuôn dâng, hiện lên dần dần theo trình tự thời gian.

Mở đầu bài thơ là dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình về tuổi thơ, về quãng thời gian chiến đấu giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do:

"Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ"

"Hồi" biểu thị thời gian trong quá khứ. Trong khoảng thời gian ấy con người đã có những phút giây sống chan hòa với thiên nhiên. Các hình ảnh lớn dần "đồng, sông, bể" mang nhiều ý nghĩa đặc biệt khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều mang nét hồn nhiền trong trẻo của thời trẻ con vô tư. Cánh đồng lúa, hay cỏ hoa, lúc nào cũng ngập tràn nắng gió, ngập tràn những tâm tư dịu dàng, ngập tràn cái thanh bình, hạnh phúc. "Sông" dạt dào chảy, nước sông trong vắt "soi tóc những hàng tre", soi bóng cả cái tâm hồn ngây thơ, đong đầy biết bao ước mơ trẻ nhỏ. "Bể" hiền hậu nhưng cũng hung hăng, mang theo bao con sóng vỗ bờ, mang theo bao hoài bão của tuổi hồng mộng mơ. Và "đồng, sông, bể" đã gắn bó với nhân vật trữ tình, một cách thắm thiết, như người bạn thuở ấu thơ thân thương gần gũi. Từ "với" được lặp lại ba lần càng tô đậm thêm sự kết nối con người với những tươi đẹp tuổi thơ, với vầng trăng dung dị của quá khứ. Bức tranh không gian về thiên nhiên đằm thắm ấy đã kéo theo sự vận động của thời gian, mang vầng trăng tròn đầy thời ấu thơ đi qua quãng đời chiến đấu của người lính:

"hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ"

Biện pháp nhân hóa đã được sử dụng để biến trăng thành "tri kỷ", thành người bạn chí cốt lúc nào cũng hiểu hết về nhau. Hành quân giữa đêm, trên những nẻo đường chông gai ra mặt trận, những phiên gác giữa rừng khuya lạnh lẽo, những tối nằm yên giấc dưới màn trời đen đặc, người lính đều có vầng trang bên cạnh. Trăng ở bên, bầu bạn, cùng cảm nhận cái giá buốt nơi "Rừng hoang sương muối" ("Đồng chí"), cùng trải qua bao gian khổ của cuộc sống chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ; cùng hân hoan trong niềm vui thắng trận, cung xao xuyến, bốn chồn, khắc khoải mỗi khi người lính nhớ nhà, nhớ quê. Vầng trăng vẫn tròn đầy dù trải qua bao mưa bom bão đạn, vẫn sáng trong dù đã trải qua thời gian khó khăn nhất, tối tăm nhất, vẫn:

"Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ"

Vầng trăng ngày ấy mới đẹp làm sao! Phép liên tưởng đầy tính nghệ thuật "trần trụi với thiên nhiên" cho ta thấy rõ hơn vẻ đôn hậu hiền hòa của ánh trăng. Đó cũng chính là hình ảnh con người lúc bây giờ: không giả tạo, giả dối, không lọc lừa nhỏ nhen, không có những toan tính thiệt hơn, những đố kị ghen ghét. Trong sáng vô tư như tuổi thơ, chân thành và thật thà như nhiệt huyết sục sôi của người lính trẻ_ cách so sánh trăng với vẻ hồn nhiên như cây cỏ của nhà thơ Nguyễn Duy đã đem lại cho ta ấn tượng đó về ánh trăng quá khứ. "Cây cỏ"_những sự vật tưởng chừng vô tri giác nhưng lại mang một hàm ý lớn lao: cây cỏ tạo ra dưỡng khí giúp ích cho đời, sống cuộc sống hồn nhiên, không chen lấn giành giật với đời, không nghi kị xảo trá mà tự nhiên, chan hòa với mọi người mọi vật. Vầng trăng của ngày ấy thật tự nhiên, không giấu, không che đậy, gần gũi hoang sơ như dáng vóc mộc mạc của người lính, tỏa sáng vằng vặc, đẹp đến nỗi nhân vật trữ tính - người lính đã phải nói rằng:

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Từ "ngỡ" ở đây không dưng lại làm ta hình dung rõ cái mầm mống, cái dự báo của sự lãng quên. Lãng quên cái vầng trăng tròn ắp đầy tình nghĩa, hoang sơ mộc mạc như cây cỏ, chân chất đôn hậu như người chiến sĩ đã trải lòng mình ra với thiên nhiên. Đoạn thơ cũng diễn tả một cách rõ nét những nỗi đau trong lòng con người: Lúc nào cũng nghĩ là mình sẽ nhớ, cũng khăng khăng sẽ khắc sâu vào tâm tưởng nhưng rồi tự bao giờ, ta đã không thể cùng ánh trăng tình nghĩa kia đi trọn kiếp người được nữa. Bởi vì nó đã bị ta bỏ lại đằng sau, cùng với những kỉ niệm đáng nhớ của một thời xưa cũ ấy_ ta đã quên. Ý thơ lay động tâm hồn, thức tỉnh lương tâm những kẻ vô tình, gợi nhắc về cái "vầng trăng tình nghĩa", về biểu tượng đẹp của một thời quá khứ hào hùng.

Chiếc thuyền mang bao kỉ niệm gắn bó đã lùi xa vào quá khứ, theo dòng chảy bất tận của thời gian. Theo dòng chảy đó, chiến tranh cũng đã kết thúc, và người lính ngày xưa trở về, nhưng không phải là về nơi "đồng, sông, bể" dung dị và thân thương, mà là trở về chốn phồn hoa đô hội, chốn thị thành tấp nập đông vui. Bao khó khăn gian khổ của cuộc sống chiến đấu nay đã trở thành dĩ vãng, còn cái tình cảm gắn kết xưa kia giờ nay đã đi về đâu? Ở khổ thơ tiếp theo, tác giả đã nói về điều đó:

"Từ hồi về thành phố

quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường"

Câu thơ đột ngột quay trở về thực tại, dứt khỏi khoảng không kí ức của nhân vật trữ tình. Ở cái thực tại không xa ấy, nhân vật trữ tình bắt đầu quen với những thuận lợi vật chất, những "ánh điện cửa gương" bóng loáng giả tạo. Hình ảnh ẩn dụ đối lập giữa "vầng trăng tình nghĩa" mộc mạc, hiền hòa với "ánh điện cửa gương" tuy có sáng hơn ánh trăng thật, nhưng thứ ánh sáng nhân tạo đó không thể nào bằng được cái ánh sáng nghĩa tình mà trăng đem lại. Biện pháp liệt kê "ánh điện, cửa gương" như cũng đồng thời liệt kê ra cái tiện nghi đủ đầy vật chất xuất hiện trong đời sống người lính, bên cạnh những bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày. Và mới thật bạc bẽo làm sao, cái đủ đầy vật chất, cái ngổn ngang bận bịu của sự đời đã lấn át đi nhu cầu đủ đầy về mặt tinh thần, về tình cảm son sắt từng một thời được coi như máu thịt của người lính. Vầng trăng bây giờ đối với anh lính năm xưa giờ chỉ là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào đó. Cái bóng của sự xa hoa đã che lấp đi "vầng trăng tình nghĩa", vòng xoay của thời gian đã thay đổi cả bản chất, tâm hồn con người. Để rồi giờ đây, khi mà anh lính năm xưa bị che mắt bởi những phồn vinh thành thị, người đã không thể thấy được sự hiện diện của trăng, dù trăng vẫn đều đặn "đi qua ngõ". Trăng vẫn tồn tại, vẫn thủy chung, tròn đầy, sáng vằng vặc, không thay đổi nhưng thật đau xót làm sao, lòng người đã lại đổi thay_ không còn đủ sáng để hòa nhịp tâm hồn cùng trăng, không còn đủ yêu thương để gắn bó với những ân tình quá khứ. Đối với người lính lúc này, trăng chẳng khác gì "người dưng qua đường", hờ hững, lạnh nhạt, không đáng để bận tâm. Trăng được nhân hóa, đi qua ngõ mà như người dưng. Một hình ảnh đối lập tinh tế mang nặng màu chua xót: "ngỡ không bao giờ quên" - "như người dưng qua đường". Một sự đổi thay quá là phù phàng của con người. Tình cảm là thứ dễ bị chia lìa đến thế sao, lòng người dễ dàng phôi pha chỉ bởi những phù phiếm vật chất đến thế sao?

Trăng lại xuất hiện, trong một tình huống bất ngờ, cùng với kết cấu thơ pha chút kịch tính, hồi hộp:

"Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn"

Mất điện. Cả căn phòng "tối om". Không còn chút ánh sáng nào cạnh bên, nhân vật trữ tình bèn theo phản xạ tự nhiên mà "bật tung cửa sổ", và cái mà người lính nhìn thấy, cảm nhận thấy đầu tiên không phải là ngọn gió mát rượi hay ngọn đèn đường rọi vào phòng mà là vầng trăng_ vầng trăng tròn như những nghĩa tình thủy chung không phai nhòa theo thời gian_ xuất hiện một cách "đột ngột". Các từ ngữ "thình lình, vội, bật tung, đột ngột" gợi tả cảm xúc mạnh mẽ, bất ngờ của con người. Ánh trăng tròn hiện lên sừng sững giữa bầu trời đen đặc kia đâu phải chỉ lúc "đèn điện tắt" mới có? Trăng vẫn luôn ở đó, vẫn luôn mang tấm lòng trọn vẹn thủy chung với người, nhưng chính sự vô tâm lạnh lùng đã ngăn cản nhân vật trữ tình để ý đến trăng, nhìn thấy trăng. "Bật tung cửa sổ", cái cửa sổ ấy có lẽ không chỉ đơn thuần là cửa sổ bình thường, mà là cái cửa sổ của lạnh nhạt che khuất tâm hồn người lính, là rào cản đưa lòng người rời xa tình cảm quá khứ, là bức tường vốn đang từng ngày đưa tâm hồn con người vào bóng tối của sự hững hờ, bạc bẽo, tách dần khỏi ánh sáng nghĩa tình của vầng trăng yêu thương. Đến khi người lính vội vàng "bật tung cửa sổ", không còn gì ngăn cách, không còn một ranh giới rào cản nào nữa, người chiến sĩ xưa mới nhận ra trăng, một cách thình lình và đột ngột, như không hề ngờ tới, không hề nghĩ tới. Trăng vẫn tròn như những nghĩa tình vẫn đầy ắp không sứt mẻ, vẫn hiện diện bên cạnh nhân vật trữ tình như thuở ấu thơ, như thời chiến đấu; nhưng người đã không còn nhớ gì cả. Để khi gặp mặt, người lính cảm thấy ngỡ ngàng tột độ, và sau đó:

"Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng"

Vần thơ có cái gì đó khiến lòng người cảm động. Hai từ "mặt" trong cùng một dòng thơ: mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Bao cảm xúc bên trong nhân vật trữ tình lúc này cũng như cánh cửa sổ "bật tung" ra, trào dâng đến nỗi như "có cái gì rưng rưng". Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái "rưng rưng", cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính. Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng_ biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, "như là đồng là bể, như là sông là rừng". Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm. Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như "có cái gì rưng rưng", đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc. Đọc bốn câu thơ, ta thấy thương thay cho trăng và tiếc thay cho người chiến sĩ.

"Khéo trách người sao quá vội vàng

Bỏ lại bao kỉ niệm quá khứ

Khá trách người sao quá phũ phàng

Lãng quên những yêu thương tình tự".

Nhân vật trữ tình đã có biết bao lần có thể hội ngộ cùng trăng, nhưng người đều bỏ lỡ dịp đó. Người đã xem trăng như người dưng, và giờ là lúc người bị cắn rứt lương tâm tột độ. Mặc dù như vậy, trăng - gương mặt của ân tình quá khứ, vẫn điềm đạm, cao thương và bao dung:

"Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình."

Trăng vẫn tròn như tình nghĩa trọn vẹn thủy chung son sắt, nhân hậu của đất nước, cuộc đời, trái ngược với cái hờ hững của kẻ sống bạc bẽo. Trăng không lên tiếng trách móc mà im lặng, chẳng giận dỗi "người vô tình" mà bao dung. Tuy vậy, người lính vẫn không tránh khỏi bản án lương tâm, không tránh khỏi ám ảnh bởi ánh nhìn im lặng đầy vẻ trách cứ. Trăng độ lượng, khoan dung, nhưng chính cái khoan dung ấy của trăng lại khiến lòng người nhói đau hơn bao giờ hết. Phải chi trăng cứ hờn dỗi, cứ trách mắng người lính năm xưa thì người lính đã chẳng phải đau lòng như thế. Đôi khi sự im lặng lại là sự trừng phạt nặng nề nhất. "Ánh trăng im phăng phắc"_ cái im lặng của trăng lại càng làm cho sóng gió trỗi dậy trong tâm trí, càng làm lương tri nhân vật trữ tình - người lính cảm thấy đau xót, đau xót đến "giật mình". Giật mình đồng nghĩa với việc thức tỉnh, nhưng không phải sự thức tỉnh nhẹ nhàng mà lại vô cùng dữ dội. Cả bài thơ như lắng đọng trong từ "giật mình", và tâm trạng giật mình đó cũng chính là cái kết của bài thơ, của một câu chuyện đời đầy ý nghĩa. Bài học tình nghĩa về tri ân quá khứ được viết ra, nhưng con người đã phải trả cái giá quá đắt để học nó. Người ta không thể nào mải chìm đắm trong quá khứ mà tiến lên, nhưng cũng không thể nào tiến lên mà không có bước đệm của quá khứ. Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. Luôn nhớ, yêu thương, không quên ngày đã qua. Một triết lý sống giản đơn nhưng sâu sắc: tình người.

Với ngôn ngữ giản dị mà hàm súc, cô đọng, giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm được thể hiện qua thể thơ năm chữ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, cùng đạo lý làm người không bao giờ cũ: uống nước nhớ nguồn; bài thơ như một lời tâm sự, nhắc nhớ người ta sống tình cảm với những quá khứ đã qua, trân trọng, biết ơn những thứ mình đã có và đang có. Nhịp thơ sâu lắng làm người đọc phải suy gẫm. Cùng nói về vầng trăng gợi nhớ nhưng trăng trong "Ánh trăng" không phải là vầng trăng cố hương như "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch:

"Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương."

mà là vầng trăng trữ tình đong đầy yêu thương, chất chứa hằng bao xúc cảm, về một thời "ngày ấy" của thiên nhiên, đất nước, cuộc đời, và cả tâm hồn con người. "Ánh trăng" thực sự để lại trong lòng người đọc rất nhiều những suy tư đáng quý.

Bài thơ kết thúc nhưng ánh trăng vẫn còn đó, như muốn soi tỏ những ngổn ngang nơi lòng người, để những tâm hồn chìm đắm trong phù du có thể tìm đường về với những ân tình ân nghĩa, có thể tìm lại phút giây bình yên trong khoảng trời kỉ niệm thân thương. Bài thơ đã đem lại cho dàn hợp xướng như bài thơ về trăng một nốt nhạc mới lạ, lắng sâu vào trái tim độc giả. Ta cũng như chợt bắt gặp lời gửi gắm đầy ý nghĩa qua câu thơ:

"Xin đừng tham đó bỏ đăng

Thấy lê quên lựu,thấy trăng quên đèn."

0
0
Quỳnh Anh Đỗ
26/12/2018 16:58:14
Đề 2:

Nguyễn Du không chỉ là bậc thầy về ngôn ngữ trong việc miêu tả tâm lý nhân vật mà còn là “họa sĩ” vẽ tranh bằng chữ. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trích Truyện Kiều là một ví dụ điển hình. Người đọc phải khâm phục và ngưỡng mộ khả năng quan sát cũng như những nét vẽ tài hoa của Nguyễn Du. Bức tranh ngày xuân hiện lên với những nét đẹp tươi mới, tràn đầy sức sống nhất.

Có thể nói mùa xuânlà đề tài bất tận trong thi ca, khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ. Mỗi người có một cảm nhận riêng về mùa xuân. Đối với Nguyễn Du, mùa xuân gắn với cảnh vật và con người, với những ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bao trùm lên cả đoạn thơ này là một bức tranh thiên nhiên đẹp, hữu tình nhưng có nhuốm màu buồn khi ngày đã ngả về chiều hôm.

Những câu thơ đầu được sử dụng với chất liệu ngôn ngữ đẹp như tranh, sự mượt mà của câu chữ đã tạo nên sự mượt mà của cảnh sắc thiên nhiên khi xuân về:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chin chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Một không gian đầy chất thơ, thi vị và hữu tình biết bao nhiêu. Sự rộng lớn của đất trời khi mùa xuân về được diễn tả một cách tinh tế và tràn ngập niềm vui. Cánh én chính là báo hiệu cho mùa xuân về, một mùa gợi lên sự ấm áp, sự sống căng đầy và niềm vui trọn vẹn. Với từ ngữ “đưa thoi” vừa gợi lên khung cảnh bầu trời tràn ngập cánh én, vừa diễn tả sự trôi đi quá nhanh của thời gian. Có phải chăng ý niệm về thời gian của Nguyễn Du có phần giống với XD, thời gian trôi đi nhanh, mùa xuân và tuổi trẻ cũng trở nên chông chênh hơn. Đồng nghĩa với thời gian trôi đi, tuổi trẻ trôi đi thì đời người bỗng nhiên ngắn lại.

Trong lúc đấy, chỉ với hai nét vẽ Nguyễn Du như vẽ lên trang giấy một bức tranh thiên nhiên mùa xuân đẹp tuyệt vời. NGhệ thuật điểm xuyết chấm phá đã được sử dụng dứt điểm, khiến cho câu thơ trở nên mềm mại và căng tràn sức sống hơn. Màu xanh của cỏ non tạo nên sự tươi mới và tinh khiết của đất trời. Từ “rợn” vừa tả cái xa, vừa gợi cái rộng lớn của mùa xuân, của cảnh vật khi xuân về. Nó làm cho câu thơ như được ngân dài ra, bứng sang lên sức sống tràn đầy Trên nền xanh của cỏ, của bầu trời có điểm xuyết “một vài bông hoa” trắng tinh khiết. CHính sự điểm xuyết này khiến cho cả bài thơ như bừng lên một sức sống mãnh liệt, khó có thể dập tắt.

Có thể nói với chỉ 4 câu thơ này, Nguyễn Du như người họa sĩ tài hoa vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, có sự giao thoa và hòa quyện giữa đất và trời. Không khí mùa xuân, hương sắc mùa xuân và cả ý vị mùa xuân cứ thế tràn ra trong từng câu thơ đẹp như vậy.

Không khí mùa xuân như tươi đẹp hơn với lễ hội tảo mộ tháng Ba:

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Có lẽ không khí vui tươi, tưng bừng, phấn khởi của con người trong dịp đi tảo mộ thật sự khiến cho người đọc như sống lại với không khí những ngày xuân tươi mới nhất. Con người cũng hiện lên như tô điểm thêm bức tranh ngày xuân tươi đẹp đó

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm

Mùa xuân là dịp để “tài tử giai nhân” được vui chơi, giãi bày tâm sự với nhau. Có vẻ như mùa xuân là thời điểm thích hợp cho chuyện tình yêu nảy nở, cho những yêu thương còn bỏ ngỏ được phép căng trào ra. Hình ảnh “ngựa xe”, “áo quần” gợi lên sự tấp nập, nhộn nhịp và huyên náo. Nguyễn Du đã rất tài tình khi sử dụng một loạt hình ảnh có tính chất gợi hình, ảnh tả khiến cho người đọc có cảm giác như đang bước vào không khí của mùa xuân.

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay

Những phong tục tập quán khi mùa xuân về, khi được đi tảo mộ đã được Nguyễn Du vẽ lên chân chất, mộc mạ, gợi nhớ và gợi thương. Đó chính là tấm lòng thành kính hướng về quá khứ với một sự biết ơn chân thành nhất. Hai câu thơ này thực sự khiến người đọc xúc động khi nhớ về những người đã khuất, những người tạo dựng nên cuộc sống hiện nay của chúng ta.

Tuy nhiên những câu thơ cuối dường như cảnh vật và con người trở nên buồn vã và đìu hiu hơn:

Tà à bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn phong khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nhịp thơ trở nên nhẹ nhàng, trầm bổng khiến cho tâm trạng của con người trở nên nặng nề và buồn rầu hơn. Với từ láy “tà tà” đã phần nào gợi tả thời gian đã xế chiều và không gian dường như tĩnh mịch và ảm đạm hơn. Mỗi bước chân cũng trở nên nặng nề hơn khi màn đêm sắp buông xuống, con người cũng cảm nhận được một nỗi buồn nào đó len vào trongt trái tim. Tâm sự của con người như nhuốm vào cảnh sắc thiên nhiên, khiến cho nó trở nên tiêu điều và xơ xác hơn.

Có thể nói dù cảnh trong thơ Nguyễn Du buồn hay vui thì vẫn mang phong vị riêng của nhà thơ. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một ví dụ điển hình như thế. Bức tranh ngày xuân vui tươi, rộn rang, náo nức và có chút buồn phiền được Nguyễn DU khắc họa thành công với sự cảm nhận tinh tế cũng như sự tài hoa trong cách dụng công xây dựng ngôn ngữ.

0
0
Quỳnh Anh Đỗ
26/12/2018 17:00:04
Đề 3:
Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là bài thơ tiêu biểu cho giọng thơ ấy của ông, được sáng tác năm 1969. Đặc biệt để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc là hình ảnh người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt, mang vẻ đẹp tinh nghịch, lạc quan, yêu đời, yêu dân tộc và một trái tim nhiệt huyết.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, ác liệt mà người chiến sĩ phải ngày ngày trải qua, đối mặt:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”.

Rõ ràng là xe chiến đấu phải được trang bị cẩn trọng, kĩ lượng nhưng những chiếc xe của người lính Trường Sơn lại bị thiệt hại nghiêm trọng, hỏng hóc đến tàn tạ. nhưng cũng chính những chiếc xe ấy đã cho ta thấy được sự ác liệt và sức phá hủy khủng khiếp của chiến tranh, nhưng trên chiếc xe ấy, các chiến sĩ của xe không kính vẫn hiên ngang, ngang tàn thậm chí có chút tinh nghịch, yêu đời. Hai từ “ung dung”, điệp từ “nhìn” được lặp lại 3 lần càng cho thấy được thái độ thản nhiên, bình thản trước khó khăn như một điều tất yếu của người chiến sĩ, thay vào đó họ ung dung, tự tại hòa mình vào hoàn cảnh, vượt lên trên hoàn cảnh, không để khó khăn chế ngự. tư thế ngồi lái tuyệt đẹp của người chiến sĩ cho thấy sự chủ động, tự tin, bình tĩnh trong không khí căng thẳng “bom giật, bom rung”. Chỉ có thể là người chiến sĩ với kinh nghiệm chiến đấu đay dặn, từng trải mới có được thái độ, tư thế ấy. Những thử thách tiếp tục ập tới một cách trực tiếp, mạnh mẽ hơn những người chiến sĩ lại lấy chính khó khăn ấy làm niềm lạc quan, tin tưởng, yêu đời và hóm hỉnh đùa nghịch:
“Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Không cầy thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa mau khô thôi.

Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi.”

Câu thơ vút lên tràn đầy niềm lạc quan, sôi nổi như cái sôi nổi rất mới, rất trẻ của tuổi 20. Những tiếng “ừ thì” vang lên liên tiếp như một sự thách thức, một thái độ cứng cỏi. Dường như những gian khổ, nguy hiểm của chiến tranh không mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của họ mà lại như một dịp để họ thử sức mình. Vậy là một lần nữa người chiến sĩ trong thơ lại hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, sôi nổi, tinh nghịch, yêu đời và tinh thần lạc quan của tuổi trẻ. Nhưng đó đâu phải là vẻ đẹp duy nhất, trên hành trình dưới mưa bom lửa đạn của tuyến đường Trường Sơn ác liệt thì họ đã coi nhau như anh em ruột thịt, như người nhà, gắn bó với bếp Hoàng Cầm để cùng chia nhau những bát cơm chan chứa yêu thương “chung bát đũa nghĩa là gia đình ấy”. Vâng, những chiếc xe từ trong bom rơi, đã về đây họp thành tiểu đội, gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới, bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi. Những cái bắt tay ấy ta cũng đã gặp trong “Đồng Chí” để sưởi ấm cho nhau trong những đêm đông lạnh gái, còn ở đây cái bắt tay này thể hiện sự đoàn kết, gắn bó , tinh thần lạc quan vượt lên trên những hỏng hóc, đổ nát của chiến tranh. Để rồi càng về cuối, vẻ đẹp của những người chiến sĩ càng thêm rõ nét:
“không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Đoàn xe đã chiến thắng bom đạn của kẻ thù, hăm hở tiến ra phía trước với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”. Vậy là vì tình yêu thương đồng bào, đồng chí đau khổ đã khích lệ người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn, nguy hiểm để luôn bình tĩnh, lạc quan, nắm chắc tay lái nhìn thật đúng hướng để xe khẩn trương tới đích. Và đơn giản, chỉ đơn giản rằng: chỉ cần trong xe có một trái tim. Trong bao nhiêu cái không vô tình ở phía trên bỗng nổi bật lên cái có mãnh liệt của “trái tim” nhiệt thành, gan góc, kiên cường giàu bản lĩnh của người chiến sĩ lái xe. Câu thơ vang lên nhẹ nhàng như lời khẳng định chắc nịch, gan dạ của những trái tim yêu nước cháy bỏng. thì ra cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, kết đọng lại ở cái “trái tim” này, trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí sắt đá niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc. Như thế chiếc xe vận tải ngộ nghĩnh, độc đáo không phải chỉ chạy bằng xăng dầu mà nó còn chạy bằng ý chí sắt đá, bằng quyết tâm cao độ, bằng lí tưởng và vẻ đẹp chói ngời. Phải chăng chính “trái tim” của người chiến sĩ đã cầm lái.

Như vậy bằng cách vận dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hóa và những từ láy biểu cảm, Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, gan dạ, lạc quan, và mang vẻ đẹp hóm hỉnh yêu đời của tuổi trẻ. Những vẻ đẹp của những trái tim yêu nước ấy sẽ mãi là vầng sáng trong suốt chặng đường kháng chiến, trong suốt những trang hoa, tờ hoa về người chiến sĩ cách mạng.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư