Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta không thể thiếu vắng hình ảnh những người phụ nữ, đó là những người bà, người mẹ chở che, những người chị đảm đang, người vợ tảo tần… Văn học Việt Nam cũng vậy, luôn tôn vinh hình tượng người phụ nữ với tất cả những gì tốt đẹp nhất. Ta bắt gặp một cô gái trẻ với đôi mắt khát khao được sống phía sau khung cửa nhà Thống lí Pá Tra, cô gái ấy là Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Tôi thấy một người phụ nữ với sự dịu dàng, đảm đang ẩn sau vẻ “chao chát chỏng lỏn” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Tôi rung động trước con “Sóng” lòng của thi sĩ Xuân Quỳnh. Tôi càng chua xót và thương cảm hơn khi nghĩ về người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trong “Vợ chồng A Phủ”, Mị hiện lên từ cuộc sống câm lặng trong kiếp làm dâu gạt nợ nhà Thống lí. Ta không thể quên Mị đã từng kiên quyết nói rằng thà đi làm nương chứ không chịu bị gả vào nhà Thống lí. Sự mạnh mẽ ấy cuối cùng không thể giúp Mị thoát khỏi kiếp làm dâu gạt nợ. Mị đã muốn chết nhưng rồi không thể, nắm lá ngón hái về đành vứt xuống đất. Mị muốn thoát khỏi nhà Thống lí, Mị đã khóc nhiều đêm liền, nhưng rồi nước mắt cũng cạn, Mị đành “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, chỉ còn biết thả mình theo tiếng sáo để trở về ngày xưa cũ, khi Mị còn tự do. Sức sống tiềm tàng của Mị tạo nên một ấn tượng khó phai về người con gái này, cô câm lặng nhưng không cam tâm chết. Thế nhưng trong đêm cởi trói cho A Phủ, cũng như bao lần Mị thổi lửa hơ tay hơ lưng giữa đêm để lưu giữ hơi nồng nơi tâm hồn; nhưng đêm nay giọt nước mắt A Phủ đã khiến Mị trỗi dậy lòng thương người, đã hâm nóng và thổi lên ngọn lửa trong tâm hồn Mị. Không còn gương mặt “buồn rười rượi”, gương mặt Mị giờ sáng bừng lên quyết liệt. Mị giống như vị cứu tinh cứu lấy không chỉ cuộc đời A Phủ mà còn cứu lấy chính mình.
Bông “hoa dọc chiến hào” Xuân Quỳnh lại mang đến chút tự tình lãng mạn trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt bằng bài thơ “Sóng”. Nhạy cảm, tinh tế, Xuân Quỳnh trong vai “em” đã đứng trước biển lớn để giãi bày khao khát yêu thương, mạnh dạn xóa đi rào cản của quan niệm về người phụ nữ thụ động trong tình yêu. Trải qua bao trăn trở, Xuân Quỳnh quyết định hóa thân tan thành “trăm con sóng nhỏ” để vỗ mãi ru êm tình yêu muôn thuở. Một người phụ nữ nội tâm, tràn đầy khao khát và giàu đức hy sinh như vậy đã vẽ nên hình ảnh mềm mại của “Sóng” trong làng thơ Việt Nam. Tôi tìm thấy “hạt ngọc ẩn giấu của tâm hồn con người” nơi người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Trong con giông bão của “đêm trước ngày đổi mới”, chị phải vất vả xoay xở, một bên là nỗi lo cho từng miếng cơm manh áo, một bên là nỗi đau thân xác từ những trận đòn roi. Chị nói rằng “đàn bà hàng chài không thể sống cho mình”, bởi cuộc đời chị đã bất hạnh từ nhỏ: sinh ra trong gia đình khá giả nhưng ngoại hình xấu xí, chị may mắn được anh con trai hàng chài yêu thương. Sóng gió cuộc đời ập đến, phá vỡ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy khi “thuyền quá nhỏ, nhà lại thêm đông con”. Những trận đòn roi mà gã chồng vũ phu giáng xuống tấm lưng gầy của chị không chỉ đơn thuần là vì hắn “khổ quá” như chị vẫn thường nói, đó còn là trận đòn từ những éo le, bất hạnh do hoàn cảnh xô đẩy tấm thân chị. Thế nhưng từ sâu trong bùn đất, chị sáng lên với vẻ đẹp tâm hồn rạng ngời- vẻ đẹp của mẫu tính. Chị chỉ hạnh phúc nhất khi thấy các con được ăn no, chị không đau lòng khi bị đánh, chị chỉ cần cho con thuyền được êm ấm “tuyệt mĩ”. Người đàn bà mặt rỗ, khắc khổ với tấm lưng áo bạc phếch đã phản ánh hiện thực đời sống phức tạp dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu. Phụ nữ giống như những bông hoa, mỏng manh nhưng không kém phần kiên cường, có đóa hoa đẹp về màu sắc nhưng có đóa hoa lại ngát hương thơm, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ đó là nuôi dưỡng sức sống cho cuộc đời, luôn hết mình khoe sắc và giữ gìn giống nòi cho muôn đời sau. Ý thức được điều đó, bằng ngòi bút nhân đạo của mình, các nhà văn nhà thơ hiện đại, đặc biệt là qua các tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” ; “Vợ nhặt” ; “Sóng” và “Chiếc thuyền ngoài xa” đã xây dựng hình tượng người phụ nữ hiện lên như những tượng đài bất khuất, đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, luôn sáng ngời mẫu tính, tình thương yêu, sự dịu hiền, đảm đang và tình cảm chân thành nhất nơi tâm hồn con người.