Bức chân dung tự họa của Dế Mèn trong phần đầu của đoạn trích, được mở đầu bằng “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi lớn chóng lắm” cho đến “tôi càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Bức chân dung tự họa này mang đậm tính chất phô trương, tự mãn.
Điều này được thể hiện qua việc Dế Mèn tự miêu tả về mình với các bộ phận nổi bật nhất cơ thể. Trước hết là càng (“Đôi càng mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắc”), tiếp đó là đôi cánh (“trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi”) rồi cái đầu (“Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng”), thêm vào đó là vẻ dữ tợn của “hai cái răng đen nhánh”, là sợi râu “dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. Sự kiêu căng tự mãn đó còn thể hiện qua các động tác phô trương sức mạnh: “Thỉnh thoảng, muốn thử lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ” hay “Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã” và răng thì “lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc”.
Dế Mèn ý thức được vẻ đẹp và sức mạnh của mình nên càng làm dáng tợn: “Chốc chốc tôi trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu” và khoái chí khi “đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bong mỡ soi gương được”. “Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung riêng xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ”.
Bức chân dung này nhấn mạnh vào hình thể và động tác, được khắc họa bởi các tính từ chỉ phẩm chất, giàu khả năng gợi hình (mẫu bóng, nhọn hoắt, hủn hoẳn, nâu bong, đen nhánh,...) và những cụm từ bổ ngữ gợi các âm thanh (phanh phách, phành phạch, giòn giã, ngoàm ngoạp,...).
Bức chân dung tự họa này cho thấy tính tình của Dế Mèn, bên cạnh một sức sống mạnh mẽ của tuổi đang trưởng thành là sự hiểu biết hời hợt, nông nổi, dậm chất tự phụ, kiêu ngạo, dẫn đến sự ngộ nhận: “Tôi càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Đồng thời, bức chân dung tự họa này cũng cho thấy Dế Mèn không chỉ biết khoe mình mà đã bước đầu có ý thức về mình, về trách nhiệm đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Đây chính là vẻ đẹp của nhân vật thể hiện qua sự dằn vặt của lương tâm: “Chao ôi, có biết đâu rằng: hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân ra mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình thôi”. Các từ “láo”, “ngu dại” mà nhân vật thốt ra tự đáy lòng khi nhìn nhận lại hành động của mình chính là sự thức tỉnh của lương tâm, là sự giác ngộ đích thực về ý nghĩa của cuộc đời, về những sai trái cần phải tránh xa đề thực sự trưởng thành