Tình cảm của người lính trong bài thơ Đồng chí được thể hiện qua sự thông cảm sâu sắc những tâm tư nỗi lòng của nhau. Với lời thơ mộc mạc, giản dị, nhà thơ Chính Hữu đã cho ta thấu hiểu được cội nguồn tạo nên tình đồng đội, đồng chí giữa người lính Cách mạng là sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân: "Quê hương anh...đất cày lên sỏi đá". Hai câu thơ sóng đôi, đối ứng kết hợp với lời thơ thủ thỉ, tâm tình như lời trò chuyện tâm tình của hai người đồng đội nhớ lại kỉ niệm lần đầu nhập ngũ, gợi lên sự đồng điệu trong tâm hồn của những người lính phút giây gặp mặt. Đặc biệt, những thành ngữ dân gian "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá" đã đi vào lời thơ Chính Hữu thật nhuần nhụy, khéo léo, đưa ta trở về quê hương của các anh. Đó là những miền quê lam lũ, nghèo khó, vùng đồng bằng chiêm trũng ngập lụt quanh năm, vùng đồi núi Trung du đất đai khô cằn, chai sạn. Từ những lời tâm tình ấy ta đã thấu hiểu được tình đồng chí của những người lính chống Pháp bắt nguồn từ cảnh ngộ xuất thân nghèo khó. Những lời thơ Chính Hữu cất lên thật thấm thía, xót xa! Những người lính ra đi chiến đấu, họ chính là những người nông dân từ những mảnh đất "đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất", nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lên đường. Chính sự tương đồng về cảnh ngộ là cơ sở Đồng cảm giai cấp giữa những người lính Cách mạng.